Truyện ngắn: Neo lại bến thương

GD&TĐ - Chòi vịt lão Đen nằm lẻ loi giữa khoảng trống bãi bồi bên này triền đê hun hút lối nhỏ mòn vẹt dấu chân người.

Minh họa: Vietpink.
Minh họa: Vietpink.

Đồng Lường bên triền đê loang loáng nắng chiều, giọt nắng cuối ngày lẫn vào mắt lúa. Cả cánh đồng rì rào đuổi nhau theo gió như những lớp sóng vàng xô vào bờ. Dòng Thanh Long Giang từ Mậm Mơm dãy Pu Lôi đổ về vẫn chảy dạt dào xanh ngắt bốn mùa.

Chòi vịt lão Đen nằm lẻ loi giữa khoảng trống bãi bồi bên này triền đê hun hút lối nhỏ mòn vẹt dấu chân người.

Gọi là chòi cũng được, nhưng thực ra nó là căn lều trát vách trộn bùn với gốc rạ. Mưa hay nắng thì trong cũng như ngoài. Ngày Đông khi cánh đồng nện những cơn gió quất quật vào căn chòi ràn rạt, lạnh thấu da thấu thịt. Lão Đen lúi húi lùa đàn vịt ăn mót những bông lúa quắt queo còn sót lại trên đồng, rồi lặng lẽ ngồi bệt xuống bờ ruộng cạn nhìn xa xăm về phía dòng sông, như đang chờ đợi một điều gì đó từ quá khứ trở lại.

Lão cô đơn, lặng lẽ, khuôn mặt khắc khổ với những nếp nhăn hằn sâu bên khoé mắt, mái tóc lất phất những sợi bạc đan xen quyện lại với nhau thành những lọn hất ngược về phía trước, quện lại với nhau như chưa bao giờ lão chải lấy một lần.

Giàu nuôi cá, khá nuôi heo, nghèo nuôi vịt mà. Lão lớn lên và mưu sinh từ triền sông này, con nước đưa đẩy bồi đắp những ước vọng nhỏ nhoi trên những bãi sình lầy phèn mặn.

Ngày nối ngày, bình minh hay hoàng hôn cũng vậy, lão thường ra bờ sông nhìn mặt nước lấp lánh dưới ánh bình minh, cảm nhận sự tĩnh lặng và vẻ đẹp giản dị của đất quê mình. Gần cả đời người trôi qua như du mục quanh những cánh đồng. Mùi đất, mùi rạ rơm đã trót vận vào thân thì khó mà dứt bỏ được. Cái nghề cơ cực, ăn ngủ giữa đồng không mông quạnh này có lắm niềm vui mà cũng không ít những nỗi buồn.

***

Nói là quê không biết đúng hay sai, cũng không biết gốc gác ở đâu, ai đã sinh thành ra nó. Cứ thế, nó sống và lớn lên ở đó. Cu Tí được lão Đen nhận nuôi từ ngày ấy, hai bố con bao bọc nhau sống trong căn chòi vịt bên sông. Và cứ vậy nó tự hỏi, nhưng không thể tự trả lời. Lão Đen thì tuyệt nhiên không. Còn người làng thì đâu biết nó từ đâu ra, chỉ biết là lâu lâu mới có dăm ba người đi soi ếch, xâu cá mới lảng vảng đến cái bến sông cô quạnh nơi đồng chua, phèn mặn này.

Gió chiều thổi thông thốc, làm lung lay những đám cỏ xanh biếc ven bờ. Bên bến sông, cỏ cây rì rào, tiếng gió thổi mang theo chút man mác buồn. Mặt trời đã gần lặn, ánh sáng nhạt dần phủ một lớp bóng tối lên khung cảnh bình yên này.

Đêm ấy, trăng mờ ảo như ánh đèn leo lét. Trời cũng tầm khuya, mưa rả rích mờ mịt khắp cánh đồng. Sợ lũ vịt con mới thay lứa chiều nay ướt nhũng và lạnh, lão Đen khoác chiếc áo tơi rách mùng xám xịt ra thăm chừng.

Gió ngày hôm đó cũng lạ thường, đâu phải mùa nước lũ mà gió dưới sông cứ thổi ào ạt lạnh cả người. Ngọn gió đẩy ánh nhìn của lão về phía khoảng lặng bên mép sông phía trước chòi, thằng bé đứng chơi vơi, cuộn chiếc khăn choàng mỏng, tím tái giữa không gian rộng lớn, tĩnh lặng. Khuôn mặt đỏ hồng, đôi mắt to tròn ngơ ngác, dường như không hiểu vì sao mình lại ở đây, xa rời vòng tay mẹ.

Chiếc khăn choàng nhăn nhúm, lấm lem bùn đất. Một mảnh vải nhỏ nằm bên cạnh như dấu vết duy nhất của những gì đã qua, còn sót lại như bức tâm thư tuyệt mệnh, đánh dấu nỗi đau và sự tuyệt vọng. Bên mép sông, đôi dép nữ xếp ngay ngắn như ngóng chờ chủ nhân nó ở tận đâu phía cuối nguồn.

neo-dau-ben-thuong-4.jpg
Ảnh minh họa: INT.

Thằng bé chừng hai tuổi, mũi phì bong bóng, chảy thè lè trào xuống dưới khoang miệng. Lão Đen lại gần, nhẹ nhàng bế nó lên, cảm nhận được hơi ấm yếu ớt. Nó không khóc, chỉ nhìn ông ngơ ngác, xa lạ, như thể tìm kiếm sự an ủi.

Ông nhìn quanh, lẩm bẩm, mắt ánh lên sự thương cảm. Thằng bé mắt ngơ dại, hai tay quơ quào không thôi bíu lấy chân lão, đôi mắt mở to như van xin, cầu khẩn.

Thời gian như ngừng trôi, nó ngưng khóc, dác đôi mắt nhìn quanh, chắc nó cũng cảm nhận hơi ấm, nó cũng khát khao, ước vọng như bản năng sinh tồn của giống loài.

Và như một phản xạ tự nhiên, lão ôm nó vào lòng. Dường như họ nhận ra ở nhau những nét gì đó quen thuộc, ấm áp, hẹn gặp nhau như một kiếp nhân sinh nào đó giữa cô đơn trên cánh đồng quạnh vắng.

Lão nén tiếng thở dài.

Không hiểu chuyện gì nhưng lão cũng quýnh quáng vô chòi xới cơm ra cái bát nhỏ, gắp khúc cá kho. Chắc nó đói, ăn như nuốt, loáng cái đã hết bát, nó còn thò tay bấu thêm mấy hạt cơm thừa bám vào miệng bát rồi ngơ ngác nhìn quanh.

Đêm đầu tiên ngủ lại căn chòi nhỏ lạ chỗ, mặc cho lão ôm ấp, vỗ về, nhìn trân trân nó vẫn ngủ say như chết. Nó chợt thức giấc vào quá nửa đêm như có ai đó gọi mình trong mơ, sau mấy lượt gà gáy đã sang canh.

***

Ngày nào thằng Tí cũng ra bến sông, nhìn xăm xăm mỗi lần có thuyền ghé bến. Nó không đến để xót thương cho đấng sinh thành không biết tên, nó đến soi mình trên mặt nước, trầm ngâm mường tượng về quá khứ qua những vệt sáng trên bầu trời xanh. Chỉ có nắng và gió trôi mãi, đến rồi đi.

Thằng Tí lớn lên từ đấy, ngày ngày theo lũ vịt lặn lội trên những cánh đồng xa, đi đâu xa một chút cũng ba chân bốn cẳng chạy về với cha. Lúc lão ốm đau bên cạnh chỉ có nó. Nó tình cảm lắm, nhưng gương mặt lúc nào cũng tư lự.

Cu Tí giờ lớn, biết chuyện lão nhặt nó bên triền đê. Những lúc việc nhà xong, nó hay kiếm cớ đi một mình, ngồi chỗ lão đã nhìn thấy nó khóc. Nó ngồi thật lâu, chiều lại lầm lũi trở về.

Tuổi thơ của nó chỉ quẩn quanh với gió, với cánh đồng phèn mặn quạnh vắng quanh năm. Trong sâu thẳm tâm hồn, nó chỉ còn nhớ mẹ ngồi bên cánh võng, ầu ơ ru hời rồi tức tưởi khóc trong câm lặng. Nhiều đêm nó ngủ, lão Đen ngồi bên cầm cái quạt tre phe phẩy. Có lúc lão nghe nó ú ớ rồi nấc lên trong mơ. Lão Đen thương nó, đứt ruột, thắt lòng.

Ngoài kia cơn gió đêm vẫn thổi hắt ràn rạt dọc triền đê.

***

Bến vắng người. Bến im lìm, buồn tênh. Thuyền cũ chơ vơ. Đường ra bến đò Lường ngày xưa không vắng hoe như bây giờ. Còn đâu những ngày xưa người qua lại nhộn nhịp, tấp nập đôi bờ. Từ ngày cầu Hưng Đức chính thức nối dài tuyến đường cao tốc Bắc Nam, bến đò xưa trở nên quạnh vắng, buồn hiu.

neo-dau-ben-thuong-1.jpg
Ảnh minh họa: INT.

Còn đâu bến nước con đò, còn đâu những người quê chân chất, mộc mạc. Giờ đây nơi đó đã biến thành những con đường bê tông, thay thế cho âu thuyền gỗ cũ kỹ đã mục nát theo tháng năm. Cánh đồng xưa lặng lẽ trở thành một phần của khu công nghiệp mới, nơi mà những chiếc máy xúc và cần cẩu không ngừng hoạt động, như những con quái vật bê tông nuốt chửng tất cả.

Cha con lão Đen không thể nào theo kịp sự biến đổi chóng mặt ấy. Dù sao cánh đồng cạn sặc mùi phèn chua mặn cũng là nơi cha con lão mưu sinh. Ngày xưa, cánh đồng ấy là nguồn sống, nơi gắn với những buồn vui cơ cực. Nhưng giờ đây, khi đất đai bị chiếm dụng để xây dựng những công trình lớn, cha con lão bị dồn vào sâu bãi bồi phía trên thượng nguồn.

Lão Đen đã gần bảy mươi, gương mặt rỗ lên những nếp nhăn sâu hoắm, như minh chứng cho những năm tháng khắc nghiệt của cuộc đời. Cánh đồng ngày càng thu hẹp, nhường chỗ cho những nhà máy, khu công nghiệp. Nắng mưa thất thường hơn, mưa dông không đúng thời vụ, và đất đai thì ngày càng cằn cỗi.

Những lúc mệt mỏi nhất, lão Đen thường dẫn cu Tí ra bờ sông, lặng lẽ như tìm niềm an ủi, dù cho mọi thứ xung quanh đang thay đổi từng ngày. Một thế hệ mới sinh ra có được nhiều thứ mà thiếu đi bầu sinh dưỡng của tự nhiên, còn bao người giật mình được nghe tiếng côn trùng kêu trong đêm mùa Hè nữa không...

***

Đêm tĩnh lặng. Trên giường, lão Đen nằm bất động, những dấu vết của tuổi già và bệnh tật đã in sâu trên khuôn mặt gầy guộc, như ngọn đèn chai nhỏ dầu sắp cạn. Sức khỏe suy giảm do cảm lạnh thấm dần qua những ngày ra đồng ra bãi sớm hôm không được chữa trị. Căn bệnh viêm đa khớp lâu ngày ảnh hưởng đến tim đêm đêm dày vò, nặng nề như một tảng đá khổng lồ, đau đớn từng nhịp đập, mỗi hơi thở như lưỡi dao sắc bén cắt từng mảnh cơ thể.

neo-lai-ben-thuong5.jpg
Ảnh minh họa: INT.

Lão nắm chặt tay thắng bé, ánh mắt mờ đục, thều thào, gắng gượng nói trong hơi thở.

- Tí à... có điều quan trọng cha phải nói với con. Con... hãy đi tìm mẹ đẻ của con... dù sao thì máu loãng hơn nước lã. Cha mất rồi còn có nơi mà nương tựa.

Những lời của lão như một tiếng sét giữa trời quang. Nó đã sống cùng lão từ khi còn nhỏ và chưa bao giờ biết gì về mẹ đẻ của mình. Với nó, lão luôn là người cha, người mẹ, người bạn, nhưng giờ đây, lão đang thúc giục nó tìm về nguồn cội.

- Hu hu, cha ơi... tại sao bây giờ? Tại sao lại là điều này?

Nó không kìm nổi cảm xúc, nước mắt đã bắt đầu rơi. Lão Đen quơ vội yếu ớt, nắm lấy tay nó, mỉm cười lần cuối rồi nhắm mắt nhẹ nhõm ra đi.

Sương giăng trắng cánh đồng sau vụ gặt, ánh sáng trôi êm trên gốc rạ hao gầy. Và mưa. Mưa vần vũ. Mưa trắng trời. Cánh đồng làng ven đê ngập nước trong ánh chớp lòa và tiếng sấm sét rền vang. Nước trắng đồng. Tiếng ếch nhái, ễnh ương ộp oạp kêu, tiếng côn trùng eo ỉ, đồng quê đang tấu lên bản nhạc trầm buồn.

***

Trên con đường đất đỏ, băng qua vùng cỏ non xanh rờn một màu xanh man dại điểm thưa vài bụi mua vàng vọt. Sáng sớm hoặc chiều tối mới có những chiếc xe tải chở tù nhân lao động ở các chốt về. Bóng cu Tí nhỏ bé giữa trời chiều vàng rực làm trực ban phân trại giam chú ý, xôn xao.

Cu Tí vào đến cổng trại, mắt ngó lơ, dáo dác nhìn quanh. Trực ban phía ngoài cổng chính quan sát cậu bé gầy gò, toàn thân nhuốm đỏ lớp bụi đường, gọi vọng ra.

- Có chuyện chi? Đến đây làm chi? Tìm ai?

- Dạ! Cháu đến tìm mẹ.

- Thế mẹ cháu tên gì, ở phân đội nào còn biết mà trả lời chứ.

- Dạ! Cháu chỉ biết trước khi nhắm mắt, cha nhắn nhủ phải đi tìm mẹ theo địa chỉ này ạ.

Nói rồi, nó đưa ảnh và chiếc khăn tay viết bằng máu ngày mẹ bỏ rơi dắt vào lưng túi vải.

Trực ban nhìn nó vẻ thương hại.

- Người này chú biết. Đứng im đó, chú gọi vào phân đội xin người ta cho gặp.

Bên kia cổng trại, người phụ nữ bước ra từ không gian chật hẹp, pha trộn giữa nỗi lo lắng và niềm hy vọng. Mái tóc rối bù, bạc màu hoa tiêu phủ xuống vai như một lớp màn che đậy của thời gian trên bộ quần màu xám nhạt.

Con trai bé bỏng ngày xưa giờ đây đã khác xa rất nhiều so với ký ức cuối cùng của bà. Bà đứng như trời trồng, không dám tin vào những gì mình đang thấy. Từng giọt nước mắt vốn đã cạn kiệt từ lâu tràn ra từ khóe mắt, lăn dài. Bà mở rộng vòng tay, và nó không chần chừ, lao tới. Hơi thở của nó hòa quyện với hơi thở của bà, thì thầm vào tai con những lời yêu thương.

Lần đầu tiên trong đời bà cảm nhận huyết thống chảy rần rật trong sâu thẳm tình mẫu tử. Khuôn mặt bà nhăn nhúm trông đến thảm hại như sự trả giá cho những sai lầm của tuổi trẻ. Sự đau đớn và bối rối lan sang cả mấy chiến sĩ trực ban trước phân trại, khiến cho hoàng hôn tím lại…

***

Nắng chiều buông xuyên qua hàng cây xanh mờ, những tia nắng vàng nhạt rải rác trên mặt nước u ám. Dọc triền sông cây cỏ phủ kín, hoang vu, những bông lau bàng bạc đã úa, rụng rơi theo con gió nhẹ. Không gian ảm đạm và hụt hẫng đón mùa Đông tới gần.

Ngày cu Tí và mẹ trở lại bến sông xưa, khoảng sông tĩnh lặng, như quên mất sự hiện hữu của bố con lão Đen ngày xưa ấy. Mộ lão Đen vẫn còn đó trên gò cao bên bãi bồi ven sông. Những chiếc thuyền xưa không còn neo đậu bến cũ, và hình bóng lão Đen đang khật khưỡng bên mép sông nước cạn mùa gió chướng ùa về…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Bắc Cường (TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai) tích cực ứng dụng công nghệ và phần mềm học tập trực tuyến để đổi mới các tiết dạy. Ảnh minh họa: INT

Giáo dục trong Kỷ nguyên mới

GD&TĐ - Đường lối chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt của Đảng đối với ngành Giáo dục là luôn đề cao, ưu tiên các chính sách để phát triển giáo dục...