“Truyền lửa” thôi chưa đủ

GD&TĐ - Cần mẫn như con ong làm mật, 15 năm gắn bó với nghề dạy học, cô giáo Bàn Thị Kim Thanh, Tổ trưởng chuyên môn Trường PT Dân tộc nội trú (PTDTNT) THPT Tuyên Quang đã kiên trì tìm nhiều giải pháp để đổi mới phương pháp dạy học Tiếng Anh. 

Cô giáo Bàn Thị Kim Thanh
Cô giáo Bàn Thị Kim Thanh

Mỗi tiết dạy của cô đã thu hút học sinh, nhiều em từ chỗ sợ học Tiếng Anh đã yêu thích, đam mê với môn học này.

Làm thế nào để tạo ra môi trường học Tiếng Anh hiệu quả?

Tốt nghiệp đại học chuyên ngành Tiếng Anh, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, cô Thanh về dạy học ở Trường PT Dân tộc nội trú Tuyên Quang. Từng là cựu HS của trường, cô hiểu rất rõ tâm tư, nguyện vọng và năng lực học Tiếng Anh của HS. Điều cô trăn trở nhất là làm thế nào để tạo ra được môi trường học tập Tiếng Anh hiệu quả, năng động cho HS thông qua tổ chức các hoạt động dạy học trong và ngoài lớp. HS miền núi đa phần năng lực học Tiếng Anh hạn chế, chưa thấy được vai trò quan trọng của tiếng Anh trong cuộc sống nên không đầu tư môn học này.

Trong khóa học, cô tích cực tổ chức nhiều hoạt động học theo hướng tăng cường tương tác, giao tiếp, nhiều kĩ thuật dạy học được áp dụng, HS được đi trải nghiệm và tự làm các video clips bằng tiếng Anh trong các hoạt động trải nghiệm đó, kể cả dịp nghỉ hè ở quê nhà. HS còn tham gia các hoạt động cộng đồng, như giúp và tặng quà các em nhỏ ở trường mầm non vùng khó khăn, giúp đỡ các bạn và các em HS trong trường học Tiếng Anh.

Mỗi giờ dạy học của cô thường rất sôi nổi, học sinh và giáo viên trao đổi trực tiếp chứ không còn thụ động, HS luôn được khuyến khích chủ động, sáng tạo để học tốt.

Cô chia sẻ: “Đối với các em học sinh vùng cao thì khả năng tiếp cận môn Tiếng Anh là rất hạn chế. Điều đầu tiên là phải làm cho các em thích thú với môn học này. Trong các tiết học, giáo viên phải là người truyền lửa cho HS, đem lại sự hứng khởi và niềm yêu thích học Tiếng Anh.

Đồng thời, có sự sáng tạo, năng động và linh hoạt trong việc tổ chức các hoạt động dạy học đa đạng, phù hợp với tâm lý lứa tuổi cho HS. Ngoài ra, thường xuyên tạo điều kiện để các em được giao tiếp, trên cơ sở đó rèn luyện kỹ năng nghe, nói; đồng thời nghiên cứu thêm tài liệu, học hỏi đồng nghiệp để bồi đắp kiến thức, kinh nghiệm cho bản thân, phục vụ tốt hơn cho công tác dạy học”.

Tăng cường hoạt động trải nghiệm

“Tôi mong muốn xây dựng tủ sách Tiếng Anh với nguồn tài liệu phong phú để những HS vùng cao thêm yêu thích tiếng Anh có cơ hội được tiếp cận sâu hơn, đầy đủ hơn với bộ môn này”.
   
Cô Bàn Kim Thanh

Từ năm học 2017 - 2018, Bộ Ngoại giao Hoa kỳ tài trợ cho 25 HS của Trường Phổ thông DTNT THPT tỉnh Tuyên Quang khóa học Tiếng Anh Access trong 2 năm học.

Đây là mô hình học thành công khi mà giáo viên được chủ động lựa chọn tài liệu giảng dạy, kế hoạch dạy học, PPDH và phương án kiểm tra, đánh giá, chủ động điều chỉnh nội dung dạy học theo đúng năng lực của người học. Sở GD&ĐT có vai trò giám sát, định hướng, động viên GV trong mô hình dạy học này.

Vì 100% học sinh là người dân tộc thiểu số nên những ngày đầu các em còn rất nhút nhát, thiếu tự tin. Tuy nhiên, sau gần 2 năm học, các em đã mạnh dạn hơn rất nhiều, tự tin và năng lực tiếng Anh được cải thiện rất rõ rệt. Một số em có cảm nhận rằng chính lớp Access đã thay đổi cuộc đời, phong cách sống của mình.

Cô Bàn Thị Kim Thanh cho biết, học sinh tham gia chương trình học bổng Access đã được thụ hưởng các phương pháp dạy học tích cực của các thầy cô giáo và đạt được rất nhiều tiến bộ như tích cực, chủ động, hứng thú trong các giờ học; phát triển tốt, đồng đều các kỹ năng: Nghe, nói, đọc, viết; các kỹ năng mềm như: Hoạt động nhóm, điều hành - quản lý nhóm, thuyết trình…; phát triển được các năng lực như: Tổng hợp - khái quát hóa kiến thức, phân tích, tư duy phản biện…

Điều đặc biệt HS được nâng cao ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng sau khi tham gia các hoạt động như: Phụ đạo Tiếng Anh cho HS yếu kém lớp 10, tặng quà cho các em mầm non vùng sâu, vùng xa; trồng và chăm sóc cây xanh trong nhà trường; tổ chức các hoạt động kêu gọi HS trong trương tham gia bảo vệ môi trường.

Cô Thanh được BGH nhà trường tin tưởng giao nhiệm vụ tổ chức ôn tập môn Tiếng Anh cho học sinh lớp 12 chuẩn bị cho Kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng nên ngay từ đầu năm học cô đã xây dựng kế hoạch, lập ngân hàng câu hỏi và kho tài liệu để tổ chức ôn tập cho học sinh. Những học sinh trung bình, yếu, ngoài thời gian ôn tập trên lớp còn được cô bồi dưỡng thêm miễn phí.

Cô Thanh cho biết, cô luôn cố gắng để “truyền lửa” môn học, giúp các em nắm vững kiến thức, bởi kỳ thi quan trọng nhất cuộc đời các em đang đến gần. Cô mong muốn học sinh của mình sẽ đạt được kết quả tốt nhất tại kỳ thi quan trọng này để mở ra “cánh cửa mới” và tương lai tươi sáng cho các em.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ