Các nghệ sĩ kỳ vọng đây sẽ là tác phẩm “bom tấn” trên sân khấu kịch, mở đầu cho việc chuyển thể những tác phẩm văn học kinh điển lên sân khấu chính kịch.
Những thử nghiệm mới mẻ
Tác phẩm “Truyện Kiều” của Đại thi hào Nguyễn Du đã từng xuất hiện nhiều lần trong nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp như tuồng, chèo, cải lương, ca kịch, thanh xướng kịch, múa ba lê Thúy Kiều…
Có cả kịch hình thể “Nguyễn Duy với Kiều” hay thử nghiệm Kiều với opera của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo… Đến nay, “Truyện Kiều” lại một lần nữa lên sân khấu đó là sân khấu Nhà hát Kịch Việt Nam.
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Thế Vinh - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam - cho biết, Nhà hát đã dàn dựng vở “Kiều” với nhiều lát cắt mới về nghệ thuật, với mong muốn đưa khán giả tiếp cận với tác phẩm văn học một cách mới, hấp dẫn và đầy kịch tính với những điều mới lạ, hấp dẫn.
Qua đó, thu hút được khán giả đến với kịch, đặc biệt là những khán giả trẻ. Với tác phẩm kịch “Kiều”, khán giả sẽ cảm nhận được hơi thở, cái hồn, cái thần của người nghệ sĩ trên sân khấu.
“Truyện Kiều” không chỉ là câu chuyện về thân phận người phụ nữ trong bối cảnh xã hội phong kiến. Tác phẩm còn mang tính dự báo về những cuộc đấu tranh, phản kháng trong xã hội. Đây là vấn đề mang tính thời sự, vẹn nguyên giá trị cho đến tận ngày hôm nay.
Đạo diễn, NSND Phạm Anh Tú cho biết, vở diễn mang tính thử nghiệm khi kết hợp những hình thức hát, múa. Điểm nổi bật, mới lạ trong “Kiều” trên sân khấu kịch sẽ có phân đoạn các kỹ nữ hát ráp, bố cục sân khấu được thay đổi mới hoàn toàn, không theo mô tuýp truyền thống.
Theo đó, họa sĩ sẽ thay đổi trang trí bố cục sân khấu, không sử dụng phông nền, bục bệ, thay vào đó là vẽ hoa sen. Hoa sen được vẽ như thể trạng một con người có hơi thở và sức sống, với một vẻ đẹp tự nhiên như cuộc đời một con người...
Bên cạnh đó, kịch nhưng lại đưa rất nhiều hình thức múa, hát, tận dụng những thủ pháp mới mẻ, hấp dẫn để lôi kéo khán giả đến với sân khấu kịch. Những câu Kiều “đắt” vốn đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí người Việt từ bao đời nay có khi được viết thành lời thoại, có lúc được ngâm, đôi khi lại thành ca từ réo rắt được nghệ sỹ thể hiện trên sân khấu.
Có thể thấy, vở “Kiều” với sự tìm tòi sáng tạo không ngừng nghỉ của ê kíp biên kịch, đạo diễn, thiết kế sân khấu, đội ngũ diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam hứa hẹn sẽ là một trong những tác phẩm thể nghiệm được yêu thích đối với công chúng yêu kịch Việt.
Kỳ vọng sẽ là “bom tấn”?
Được dàn dựng và ra mắt cuối năm 2016, nhưng để dành thời gian chỉnh sửa, trau chuốt lại theo yêu cầu của Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cũng như chọn thời điểm “vàng” để công diễn, nên chỉ từ ngày 1/3, công chúng Thủ đô mới có cơ hội để xem “Kiều” trên sân khấu của “Anh cả đỏ”.
Theo ông Nguyễn Thế Vinh - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, mục tiêu lớn hơn của vở diễn là kéo được khán giả trẻ đến thưởng thức. Theo đó, bên cạnh sự tham gia của dàn diễn viên trẻ tài năng của Nhà hát Kịch Việt Nam, vở diễn còn là những thử nghiệm khi để các diễn viên tiếp cận vai diễn mới.
Trong vở “Kiều”, NSƯT Xuân Bắc gây bất ngờ khi anh chỉ xuất hiện với một vai phụ - vai Hồ Tôn Hiến. Xuân Bắc tiết lộ, anh đã nghiêm túc xin đạo diễn Anh Tú cho tham gia vở diễn, dù nhân vật chỉ xuất hiện 5 giây “Từ trước đến nay, mọi người hay nhìn thấy tôi trong vai trò MC hay những vai hài. Những vai chính kịch như trong vở “Hamlet” hay “Kiều” lần này sẽ giúp khán giả hình dung về một nghệ sĩ Xuân Bắc khác, đời thường hơn” - NSƯT Xuân Bắc cho biết