Truyền cảm hứng yêu khoa học và kỹ năng giải quyết vấn đề ở học sinh

GD&TĐ - Tổ chức Giáo dục New Zealand liên tục đưa ra nhiều sáng kiến giúp thúc đẩy số hóa giáo dục. Nổi bật trong số đó là dự án Kiwrious.

Phó giáo sư Suranga Nanayakkara (bên trái) cùng đồng sự thử nghiệm hiệu quả của một phát minh mới.
Phó giáo sư Suranga Nanayakkara (bên trái) cùng đồng sự thử nghiệm hiệu quả của một phát minh mới.

Đây là dự án thực hiện bởi Augmented Human Lab thuộc Viện Kỹ thuật Y sinh Auckland (ABI), Đại học Auckland, được Phó Giáo Sư Suranga Nanayakkara chia sẻ tại Hội thảo Chuyển đổi số trong Giáo dục và Đào tạo Thủ đô (EDU4.0 K-12). 

Phòng thí nghiệm Augmented Human Lab (AHL) được thành lập vào năm 2011 với mong muốn mang nhiều tính nhân văn hơn vào công nghệ để góp phần nâng cao trải nghiệm cuộc sống cho con người.

Nhà sáng lập của AHL - Phó giáo sư, Tiến sĩ Suranga Nanayakkara hiện đang công tác tại trường Đại học Auckland. Ông được biết đến với các nghiên cứu và phát minh tập trung vào những trải nghiệm tương tác tích cực giữa con người và công nghệ. Ông từng được tạp chí MIT Technology Review chọn vào top 35 nhà đổi mới xuất sắc thế giới dưới tuổi 35 khu vực châu Á Thái Bình Dương và đoạt giải thưởng Ý tưởng Thay đổi Thế giới (World Changing Ideas Awards) của Fast Company về Huấn luyện viên trí nhớ ảo Prospero để hỗ trợ người lớn tuổi đang có dấu hiệu suy giảm trí nhớ.

Mới đây, phó giáo sư Suranga Nanayakkara đã được mời tham dự Hội thảo Giáo dục Thành phố Hà Nội Thời đại số (EDU4.0 - K-12). Trong khuôn khổ sự kiện, ông đã chia sẻ về một sáng kiến giáo dục giúp truyền cảm hứng yêu khoa học đến thế hệ trẻ thông qua ứng dụng công nghệ.

Với mục tiêu tìm ra giải pháp công nghệ thông minh, chi phí thấp giúp học sinh và giáo viên thỏa sức khám phá các ứng dụng khoa học thực tiễn trong và ngoài lớp học, AHL đã nghiên cứu và bước đầu triển khai dự án Kiwrious.

Cụ thể, bộ công cụ học tập khoa học được “Kiwi made” đầu tiên ở New Zealand được thiết kế gồm 8 thiết bị cảm biến, cho phép các em thực hiện đo lường các hiện tượng khoa học thường thức như nhiệt độ, tia UV, độ ẩm môi trường, chất lượng không khí, âm thanh, nhịp tim, độ dẫn điện,... rất phù hợp với các môn từ vật lý đến hóa học, sinh học,...

Đồng thời, khi cắm các cảm biến vào máy tính, các em có thể dễ dàng truy cập vào website học trực tuyến Kiwrious. Website này khuyến khích các học sinh thực hành kỹ năng phân tích, chia sẻ các phát hiện của mình và thảo luận với bạn bè, thầy cô. Nhờ đó, từ khám phá ban đầu, các em có thể chủ động rút ra bài học giá trị, đánh thức niềm yêu thích với khoa học, hướng tới tạo ra nhiều dự án, ý tưởng có ích cho cộng đồng.

Hình ảnh các thiết bị trong bộ công cụ Kiwrious

Hình ảnh các thiết bị trong bộ công cụ Kiwrious

Để Kiwrious thu hút hơn với các em học sinh, nhóm nghiên cứu đã phát minh ra Zally - một nhân vật ảo không chịu được tia UV. Học sinh sẽ giúp đỡ Zally bằng cách sử dụng Google Chromebook và dụng cụ cảm biến trong bộ Kiwrious để tạo môi trường giảm thiểu tia cực tím qua các phương pháp như kem chống nắng hoặc lớp che chắn bằng nhựa. Điều thú vị là các em đã bắt đầu tự phát minh ra các thí nghiệm của riêng mình theo cách vô cùng độc đáo. Đơn cử như sử dụng cảm biến hợp chất hữu cơ dễ bay hơi để tìm ra mùi hương của loài hoa mà ong bị thu hút.

Đặc biệt hơn, giáo viên sẽ nhận được giáo án riêng cho từng thiết bị cảm biến, hứa hẹn đây chính là “trợ giảng” đa năng cho quá trình giảng dạy thêm phong phú, tương tác. Phó giáo sư Suranga Nanayakkara chia sẻ thêm: “Dự án Kiwrious không chỉ trực tiếp tác động đến tương lai nền khoa học của New Zealand, mà còn góp phần phát triển thế hệ những nhà đổi mới trẻ với tư duy phản biện, khả năng sáng tạo để cùng nâng tầm kinh tế quốc gia. Chúng tôi cũng hy vọng thông qua các kĩ năng tương lai được hình thành từ quá trình học tập với Kiwrious, các em học sinh sẽ trở thành lực lượng tạo ra nhiều giải pháp tích cực giúp giải quyết các vấn đề toàn cầu.”

Trong năm 2020, Kiwrious ở giai đoạn thử nghiệm đến khoảng 200 học sinh New Zealand. Sự tiềm năng từ nghiên cứu này giúp dự án ngày một mở rộng và nhận khoản tài trợ từ MBIE (Bộ Kinh doanh, Đổi mới và Việc làm New Zealand) với giải thưởng Unlocking Curious Minds trị giá $147,723. Từ khoản hỗ trợ tài chính trên, dự án sẽ tiếp tục kế hoạch thử nghiệm khi đưa hơn 100 bộ kit cho mỗi trường học trên khắp New Zealand, tiếp cận khoảng 5000 học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.
Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.