Truyền cảm hứng về công tác tự học, tự bồi dưỡng

GD&TĐ - Nhiều địa phương đã có giải pháp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý khoa học, hiệu quả...

Giờ học tại Trường Tiểu học-THCS A Xing (Hướng Hóa, Quảng Trị). Ảnh: NTCC
Giờ học tại Trường Tiểu học-THCS A Xing (Hướng Hóa, Quảng Trị). Ảnh: NTCC

Nhìn lại một giai đoạn triển khai Chương trình GDPT 2018, nhiều địa phương đã có giải pháp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý khoa học, hiệu quả. Các chương trình tập huấn quy mô lớn, đa dạng về nội dung, phương thức tạo nền tảng vững chắc cho đội ngũ nhà giáo, đảm bảo triển khai tốt chương trình mới.

Tạo nền tảng vững chắc cho đội ngũ

Ông Nguyễn Phú Sơn - Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc cho biết, để nâng cao chất lượng đội ngũ, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, SGK GDPT, nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn, chương trình bồi dưỡng đội ngũ nhằm kết nối mạng lưới các trường THCS của tỉnh Vĩnh Phúc là cách làm mới, sáng tạo và bước đầu tạo sự lan toả, truyền cảm hứng về công tác tự học, tự bồi dưỡng trong giáo viên toàn ngành.

Sở GD&ĐT sử dụng đội ngũ giáo viên cốt cán cấp THPT của tỉnh để đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ lâu dài về chuyên môn cho giáo viên cấp THCS. Việc này đạt mục tiêu kép: Giáo viên THPT được giao nhiệm vụ báo cáo viên nên phải nghiên cứu chương trình, SGK cấp THCS. Đó chính là quá trình tự đào tạo, bồi dưỡng để hiểu tổng thể chương trình 2 cấp, giúp quá trình giảng dạy học sinh THPT đạt hiệu quả cao hơn; giáo viên THCS được nâng cao trình độ, hướng dẫn tiếp cận phương pháp giảng dạy tiên tiến.

Với phương châm làm mẫu, đội ngũ giáo viên cốt cán THCS sau khi được bồi dưỡng trở thành hạt nhân để phòng GD&ĐT huyện, thành phố triển khai đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đại trà trên diện rộng. Kết quả sau 2 năm bồi dưỡng, đội ngũ báo cáo viên đã hoàn thiện Khung chương trình bồi dưỡng bám sát Chương trình GDPT tổng thể cấp THCS của 7 môn và phân môn (Toán, Ngữ văn, Hoá học, Sinh học, Vật lý, Tin học, Tiếng Anh) và thực hiện bồi dưỡng liên tục trong 3 năm.

Đặc biệt, các báo cáo viên đã hướng dẫn học viên chỉnh sửa, hoàn thiện sản phẩm học tập theo chuyên đề và cuối cùng là đánh giá, lựa chọn các sản phẩm tốt, tập hợp thành bộ tài liệu dùng chung theo môn và phân môn cho giáo viên THCS toàn tỉnh nghiên cứu, học tập và tự bồi dưỡng.

Hiệu quả và tín hiệu tích cực từ đổi mới, sáng tạo trong công tác bồi dưỡng đã góp phần thay đổi nhận thức của một bộ phận giáo viên: Bồi dưỡng là quá trình thường xuyên, liên tục, tự nguyện và chủ động tự học hỏi; bồi dưỡng là cần thiết, hữu ích nên nhiều giáo viên chủ động xin được tham dự các lớp bồi dưỡng. Năm 2025, bên cạnh tiếp tục triển khai bồi dưỡng cho giáo viên THCS, Vĩnh Phúc còn triển khai bồi dưỡng giáo viên ở cấp tiểu học.

Từ năm học 2019 - 2020 đến nay, Phòng GD&ĐT Than Uyên (Lai Châu) luôn chủ động tổ chức bồi dưỡng giáo viên, đảm bảo chuẩn bị tốt nhất về đội ngũ nhà giáo giảng dạy chương trình, SGK mới. Theo Trưởng phòng GD&ĐT Đoàn Văn Đạt, 100% cán bộ quản lý, giáo viên trên địa bàn đã tham gia bồi dưỡng đủ các mô-đun của Chương trình GDPT 2018 và các chương trình bồi dưỡng của sở GD&ĐT.

Trong hè và năm học, ngành Giáo dục phát huy tối đa vai trò nòng cốt chuyên môn của ban giám hiệu, giáo viên cốt cán để tổ chức bồi dưỡng cho nhà giáo về năng lực triển khai dạy học theo Chương trình GDPT 2018; đặc biệt là giáo viên trực tiếp giảng dạy chương trình mới. Nội dung bồi dưỡng tập trung vào năng lực xây dựng kế hoạch giáo dục, đổi mới phương pháp dạy học, năng lực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT)…

Thực hiện đa dạng hình thức bồi dưỡng chuyên môn cho nhà giáo: Phòng GD&ĐT tổ chức cho giáo viên cốt cán dạy minh hoạ một số tiết trong hè, dạy tại các trường kết hợp trong cuộc kiểm tra chuyên môn để tư vấn trực tiếp cho giáo viên.

Chỉ đạo các trường tổ chức nhiều tiết dạy chuyên đề, dạy minh họa; đẩy mạnh bồi dưỡng qua sinh hoạt chuyên môn nghiên cứu bài học; tổ chức sinh hoạt chuyên môn liên trường trực tiếp hoặc trực tuyến; tổ chức dạy học kết nối trong huyện, tỉnh, một số trường kết nối với trường ngoài tỉnh. Quan tâm bồi dưỡng giáo viên về cách dạy các môn học/hoạt động giáo dục/nội dung giáo dục mới như Tin học, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Giáo dục địa phương...

truyen-cam-hung-ve-cong-tac-tu-hoc-tu-boi-duong-1.jpg
Sinh hoạt tổ chuyên môn tại Trường Mầm non Khánh Xuân (Lộc Bình, Lạng Sơn). Ảnh minh họa: INT

Những bài học quan trọng

Thông tin từ ông Ngô Hà Vũ - Phó Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD&ĐT Nam Định: Triển khai Chương trình GDPT 2018, Nam Định có nhiều giải pháp hay, hiệu quả trong tập huấn, bồi dưỡng giáo viên.

Trong đó có việc xây dựng hội đồng chuyên môn cấp tỉnh; xây dựng hệ thống bồi dưỡng theo hướng “cốt cán - đại trà”; kết hợp nhiều hình thức bồi dưỡng đa dạng, chuẩn bị nội dung tập huấn trước, trong và làm bài tập sau tập huấn; ứng dụng CNTT và trí tuệ nhân tạo (AI) vào giảng dạy. Sở GD&ĐT đã tổ chức nhiều buổi tập huấn và hội thảo chuyên môn. Các chương trình tập huấn được thiết kế theo mô-đun linh hoạt, gắn với thực tiễn, giúp giáo viên dễ dàng tiếp cận, thực hành.

“Nam Định đã triển khai giải pháp đột phá trong bồi dưỡng giáo viên bằng tổ chức tập huấn ngay tại cơ sở giáo dục. Các nhà trường, tổ chuyên môn không chỉ chủ động xây dựng chuyên đề giảng dạy mà còn tổ chức các buổi chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận chuyên môn.

Nội dung tập huấn sau khi triển khai được chia sẻ rộng rãi toàn tỉnh nhằm đồng bộ hóa chất lượng giảng dạy. Điều này giúp giáo viên không chỉ tiếp thu lý thuyết mà còn có cơ hội thực hành ngay trong môi trường giảng dạy thực tế. Cách tiếp cận này tạo sự linh hoạt, tiết kiệm thời gian, đồng thời nâng cao hiệu quả ứng dụng của chương trình tập huấn vào thực tiễn.

Nam Định đồng thời áp dụng hình thức bồi dưỡng giáo viên thông qua các cuộc thi, hội thi, hội giảng và hội thảo cụm, giúp nâng cao năng lực chuyên môn một cách thực tiễn và hiệu quả. Việc kết hợp lý thuyết với thực hành thông qua các hoạt động chuyên môn này giúp giáo viên nâng cao kỹ năng giảng dạy, tiếp cận với phương pháp mới, đồng thời thúc đẩy tinh thần đổi mới, sáng tạo trong giáo dục”, ông Ngô Hà Vũ cho hay.

Chia sẻ bài học rút ra trong công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, ông Ngô Hà Vũ nhấn mạnh đầu tiên đến việc cần có kế hoạch đào tạo lâu dài và linh hoạt. Triển khai Chương trình GDPT 2018 yêu cầu quá trình tập huấn kéo dài nhiều năm, phù hợp với từng giai đoạn. Để đảm bảo hiệu quả, hằng năm tỉnh Nam Định xây dựng, triển khai kế hoạch tập huấn liên tục từ năm 2018 đến nay, cập nhật nội dung theo từng năm.

Cùng với đó, chú trọng phát triển đội ngũ giáo viên cốt cán. Một trong những yếu tố quan trọng giúp công tác tập huấn đạt hiệu quả cao là phát triển đội ngũ giáo viên cốt cán chất lượng. Họ không chỉ là người tiếp thu kiến thức từ Bộ GD&ĐT mà còn đóng vai trò hỗ trợ giáo viên đại trà, giúp nhân rộng các phương pháp giảng dạy hiện đại.

Cuối cùng là đảm bảo tính thực tiễn và khả năng ứng dụng cao. Theo đó, các chương trình tập huấn cần sát với thực tế giảng dạy, giúp giáo viên có thể áp dụng ngay vào lớp học. Đặc biệt, việc kết hợp giữa lý thuyết và thực hành trong các buổi tập huấn giúp nâng cao chất lượng đào tạo.

Để tiếp tục tổ chức hoạt động bồi dưỡng đạt hiệu quả, ông Ngô Hà Vũ cho rằng, Bộ GD&ĐT cần mở rộng nội dung tập huấn theo hướng đổi mới phương pháp giảng dạy, đặc biệt là áp dụng công nghệ số và giáo dục STEM vào giảng dạy. Ngoài ra, việc bồi dưỡng kỹ năng sư phạm cho giáo viên mới cũng cần được chú trọng hơn.

Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong bồi dưỡng giáo viên. Cụ thể, việc học trực tuyến trên hệ thống LMS cần được cải tiến với kho tài liệu đa dạng hơn, bài giảng tương tác cao, giúp giáo viên tiếp cận nội dung dễ dàng, Bộ cung cấp tài khoản cho giáo viên tham gia mọi lúc, mọi nơi.

Dù đã đầu tư lớn, nhưng ông Ngô Hà Vũ cho rằng, sở GD cần tiếp tục tham mưu UBND tỉnh cần tiếp tục tăng cường ngân sách cho công tác bồi dưỡng, đặc biệt là hỗ trợ giáo viên tại các vùng khó khăn. Cùng với đó, tăng cường hợp tác với các trường đại học và chuyên gia giáo dục. Việc phối hợp với các trường đại học, chuyên gia trong và ngoài nước giúp nâng cao chất lượng tập huấn, cập nhật những xu hướng giáo dục tiên tiến.

Triển khai Chương trình GDPT 2018, Bộ GD&ĐT đã ban hành 9 mô-đun bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên và 9 mô-đun bồi dưỡng thường xuyên cho hiệu trưởng/phó hiệu trưởng mỗi cấp học. Đây là những vấn đề cốt lõi nhất để đảm bảo cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, giáo viên có năng lực theo chuẩn nghề nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ