Trút gánh nặng thi cử

GD&TĐ - Hôm qua (25/6), thí sinh khắp cả nước đã bước vào Kỳ thi THPT quốc gia. Cơn mưa lớn rạng sáng 24/6 ở Hà Nội đã giúp thời tiết hạ nhiệt oi nồng, nhưng sức nóng từ nhiều phía đã tác động đến không ít đối tượng suốt vài tháng qua. Đó là việc Bộ GD&ĐT tìm nhiều cách để bảo đảm một kỳ thi diễn ra trung thực, công bằng, chính xác sau một năm nhiều vất vả, lo toan trước những vụ việc tiêu cực tại kỳ thi năm ngoái ở một số tỉnh miền núi phía Bắc…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đó là việc nhà trường, các thầy cô giáo và học sinh cuối cấp trăn trở, gồng mình, gắng sức với việc dạy và học, ôn luyện, làm các thủ tục liên quan để học sinh có thể tham dự kỳ thi THPT quốc gia một cách suôn sẻ, đạt kết quả cao...

Đó là việc các phụ huynh vẫn luôn đau đầu trước áp lực lựa chọn nguyện vọng xét tuyển đại học cho con em mình. Việc trúng tuyển đại học giờ không quá khó, nhưng lựa chọn trường nào để theo học lại không hề dễ dàng, bởi những câu hỏi lớn liên quan đến việc có đủ điểm xét tuyển, có đúng niềm đam mê, sự yêu thích của các con hay không…

Đó là việc các em học sinh - đối tượng chính chịu đủ đầy áp lực, gánh nặng học hành, thi cử suốt 12 năm trời đằng đẵng - sẽ bước vào kỳ thi cuối cùng của đời học sinh, “mở khóa” cánh cửa tuổi trưởng thành, có thể tự lập, xác định lối đi cho riêng mình, dựa vào sự tư vấn, tham góp ý kiến của gia đình, nhà trường, bè bạn…

Xã hội luôn vận động không ngừng, nhưng những kỳ thi thì chưa bao giờ dừng lại, bởi nó là sự đánh giá, phân loại trình độ học vấn của mỗi học sinh, quyết định thành - bại trong quá trình học tập, rèn luyện. Những nghĩ suy, trăn trở, đổi thay trong việc lựa chọn con đường, lối đi của thế hệ trẻ là điều dễ nhận thấy, dễ hiểu, nhất là khi những học sinh chào đời vào thập niên đầu của thế kỷ XXI có đủ đầy điều kiện hội nhập với thế giới, với thời đại công nghệ số. Nhưng không phải mọi con đường đều dẫn đến cổng trường đại học, nhất là khi thực trạng cử nhân, thạc sĩ chạy xe ôm công nghệ cao không phải là hiếm, những người tốt nghiệp đại học, cao học làm việc trái ngành, trái nghề khá phổ biến…

Vậy thì, hãy trút bỏ gánh nặng thi cử, áp lực thành tích vốn nhiều khi chúng ta tự mang vào mình, vào con em mình. Đáng mừng là trong vài năm gần đây, việc học sinh lựa chọn học trường vừa sức, đúng niềm đam mê, chọn học nghề… ngày một nhiều hơn. Và khi niềm đam mê phù hợp với trình độ, khả năng của mình thì đó chính là sự lựa chọn tốt. Bởi sự học là cả đời, học ngoài xã hội cũng rất quan trọng, và thành công nhiều khi đâm chồi, nảy lộc từ sự lựa chọn đúng. Như tỷ phú Bill Gates từng nói, đại ý rằng: Nhà trường chỉ cho chúng ta chiếc chìa khóa tri thức, học trong cuộc sống là công việc cả đời. Sự học cả đời ấy cần thiết phải là những ngành, nghề phù hợp với trình độ, sức lực của mỗi con người…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ