Theo lịch dự kiến của Sở GD&ĐT Hà Nội, ngày 30/6 sẽ công bố điểm thi, đồng thời công bố điểm chuẩn cho TS. Tuy nhiên, do việc chấm thi hoàn thành sớm hơn 2 ngày nên Sở GD&ĐT Hà Nội, quyết định công bố điểm thi trong ngày 28/6.
Sau khi công bố điểm thi, bên cạnh niềm vui của nhiều bậc phụ huynh, TS đỗ vào các trường THPT như mong đợi, sẽ có TS thất vọng, buồn bã vì không đủ điểm. Hơn ai hết, những bậc phụ huynh cần ở bên, động viên con em mình để tránh xảy ra tâm lý tiêu cực.
Cô Lê Thị Kim Dung – giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng: Cánh cửa này khép lại thì sẽ có cánh cửa khác mở ra, điều quan trọng là phải biết chấp nhận sự thật và tiếp tục chinh phục cơ hội mới. Không vào được trường công lập thì có thể vào các trường dân lập hoặc học ở trường nghề…
“Mỗi người có một năng lực khác nhau, có người thành công về học vấn, nhưng có người lại thành công ở lĩnh vực khác ngoài xã hội mà không bắt đầu bằng con đường học vấn. Vì thế, phụ huynh không nên đẩy con vào trạng thái tiêu cực dẫn đến những điều đáng tiếc”- cô Dung nói.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục (ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội), sau mỗi mùa thi lại có những câu chuyện buồn xảy đến, đặc biệt là đối với những TS không đạt được sự kỳ vọng.
Do đó, người lớn cần chia sẻ cho các em nhận ra rằng kết quả thi có thể không phản ánh hết năng lực của bản thân. Thất bại chưa chắc đã phải do bản thân yếu kém, mà do các yếu tố như sức khỏe, tinh thần, phương thức học tập chưa hiệu quả…
Cũng theo PGS Trần Thành Nam, những người dừng lại sau cú ngã mới là người thất bại. Ngược lại, nếu biết rút ra bài học kinh nghiệm sau mỗi lần thất bại để đi tiếp, thì đó mới là người thành công trong tương lai.
“Đặc điểm của những người thành công là họ đã vượt qua rất nhiều thất bại. Sự thành công không quy định bắt buộc phải vào bằng được trường này hay học trường kia, mà thành công cuối cùng vẫn là năng lực của mỗi người.
Ví dụ: Nhà phát minh Thomas Edison đã từng thất bại 10.000 lần, mới có thể mang ánh sáng đến cho nhân loại. Ông coi mỗi một lần thất bại như vậy là một lần có cơ hội để học hỏi, rồi cuối cùng ông đã tìm được ra cách thức để làm cho bóng đèn phát sáng.
Vì vậy, phụ huynh nên truyền tải những thông điệp như vậy cho con mình, giúp các con thay đổi nhận thức, nhìn sự việc với con mắt tích cực để có thể chinh phục những thử thách tiếp theo”- PGS Nam chia sẻ.
Được biết, năm nay toàn TP. Hà Nội có 93.362 TS đăng ký dự tuyển. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 của các trường trên địa bàn TP. Hà Nội năm học 2021-2022 là 67.446 học sinh.