Chủ động sớm
Thầy giáo Nguyễn Xuân Toàn - Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Bắc Hà - Lào Cai chia sẻ: Năm nay trường có 120 HS khối 12 bước vào Kỳ thi THPT quốc gia. Công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã được nhà trường chủ động lên kế hoạch và triển khai ráo riết từ đầu năm học.
Trước tiên, Ban Giám hiệu (BGH) của trường chủ động nắm bắt các văn bản, chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ, Sở về ôn tập để có hướng chỉ đạo, hướng dẫn GV làm công tác ôn tập sát với thực tế.
Cùng đó, việc ổn định sĩ số, tỉ lệ chuyên cần trên lớp được đặc biệt quan tâm. Giáo viên phải có trách nhiệm với lớp mình chủ nhiệm, với môn học mình phụ trách. Sĩ số học sinh được báo cáo hàng ngày, hàng tuần với trường và Sở GD&ĐT. GV chủ nhiệm, bộ môn có danh sách cụ thể HS có nguy cơ trượt tốt nghiệp để quan tâm bồi dưỡng thêm kiến thức, động viên tinh thần.
Để HS sớm làm quen và nắm được các dạng đề thi, đầu năm học BGH nhà trường đã tổ chức nhóm GV biên soạn đề thi ôn tập dựa trên đề minh họa. Sau đó trộn trên phần mềm máy tính để HS được cập nhật với nhiều dạng câu hỏi và bám sát đề thi. Để việc ôn tập đạt hiệu quả cao nhất, trường chủ động phân loại HS theo từng nhóm thi, trình độ năng lực để bồi dưỡng cho sát.
Nhà trường cũng chú trọng đòi hỏi GV đổi mới phương pháp ôn tập để phù hợp nhất với HS. Các chương trình dạy trên lớp được tinh giảm gọn nhẹ, chú trọng ôn tập những kiến thức cơ bản nhất để HS dễ dàng nắm bắt và đạt điểm tối đa.
Thầy Toàn cho biết: Với đa số HS là người dân tộc Mông, các em ngoan và nghe lời thầy cô giáo nhưng khả năng tiếp thu và tâm lý thi cử chậm, không vững vàng như HS ở thành phố, tỉnh. Trong giai đoạn nước rút, các thầy cô sẽ đặc biệt chú trọng đến đối tượng HS có phổ điểm thi thử dưới trung bình để bồi dưỡng thêm. Cùng với phương pháp ôn luyện kiến thức phù hợp còn tập trung ổn định tâm lý cho từng HS.
Chính quyền cùng vào cuộc
HS được chăm lo sức khỏe để đảm bảo thi cử Ảnh: T.G |
Với đặc thù là trường học ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, Trường THPT số 1 Bắc Hà có số đông HS ở bán trú (300/550). Đây là điều kiện thuận lợi để nhà trường tập trung HS, tận dụng tối đa thời gian để ôn tập trong giờ tự học. Tuy nhiên, việc quản lý HS bán trú, đặc biệt với 250 HS ở trọ bên ngoài trường (điều kiện bán trú của trường chưa đáp ứng đủ để tất cả HS đều bán trú trong trường) hết sức vất vả và không thể buông lỏng.
Thầy Nguyễn Xuân Toàn cho biết: Trên tinh thần gia đình, nhà trường, xã hội cùng có trách nhiệm giáo dục, quản lý trật tự, đốc thúc HS học tập, thi cử… nên từ tháng 8 khi HS bắt đầu tựu trường Ban Giám hiệu đã kí kết quy chế phối hợp với các ban ngành đoàn thể của xã nơi trường trú chân. Có sự kết hợp này việc rà soát quản lý HS trên địa bàn xã, tỉ lệ chuyên cần hàng ngày cho HS, an ninh trường học… luôn được hỗ trợ hiệu quả.
Đặc biệt, vào thời điểm học sinh khối 12 ôn tập cho Kỳ thi THPT quốc gia thì sự quan tâm càng được ưu tiên. Hàng tuần, lực lượng đoàn thành niên, công an viên, trưởng thôn kết hợp cùng kiểm tra rà soát tất cả các cửa hàng Internet, quán bia… xung quanh khu vực nhà trường và nhà của HS ở trọ bên ngoài trường. Nếu phát hiện HS nào vi phạm giờ tự học, đoàn kiểm tra đưa về tận phòng trọ, nhắc nhở và thông báo tên tuổi, lớp học… cho nhà trường để xử lý.
HS khối 12 có hoàn cảnh còn khó khăn, ở trọ xa gia đình… đảm bảo sức khỏe ôn tập, thi cử trong giai đoạn nước rút, chi Đoàn Công an xã, Hội cha mẹ học sinh của trường; Ban Giám hiệu nhà trường còn quyên góp trong chính tập thể mình và kêu gọi ủng hộ từ các nguồn lực xã hội khác giúp đỡ HS về lương thực, thực phẩm. Hàng tuần HS được phát thêm mì tôm (3 gói/ngày); sữa (3 hộp/ngày) để luôn no bụng và tăng cường sức khỏe. Dù chưa phải quá lớn nhưng những phần quà ý nghĩa được duy trì đều đặn suốt thời gian qua đã góp phần động viên HS về tinh thần, tăng thêm sức khỏe… từ đó đảm bảo tốt hơn cho việc ôn tập, thi cử.
Đánh giá về hiệu quả của sự phối hợp và chia sẻ trách nhiệm của các cơ quan đoàn thể, chính quyền xã với nhà trường trong việc đốc thúc, tạo điều kiện thuận lợi để HS ôn tập, thi cử, thầy giáo Nguyễn Xuân Toàn - hiệu trưởng khẳng định: Các lực lượng chức năng trên địa bàn xã cùng tham gia vào hoạt động giáo dục đã góp phần ổn định nề nếp của HS, ý thức tự giác học tập, tỉ lệ HS chuyên cần tăng lên đáng kể; tình trạng HS bỏ học giữa chừng giảm tối đa… từ đó chất lượng giáo dục chung của toàn trường được ổn định và phát triển.