Trường vùng khó nỗ lực lo đủ sách giáo khoa cho trò

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Bên cạnh chuẩn bị về cơ sở vật chất, bồi dưỡng giáo viên…, các trường vùng khó đang nỗ lực, chủ động giải pháp để bảo đảm đủ sách giáo khoa cho học sinh.

Được nhà trường hỗ trợ, học sinh vùng khó sẽ thuận lợi trong việc mua sách giáo khoa. Ảnh IT
Được nhà trường hỗ trợ, học sinh vùng khó sẽ thuận lợi trong việc mua sách giáo khoa. Ảnh IT

Linh hoạt mang sách đến học trò

Trường Tiểu học xã Quyết Tiến (huyện Quản Bạ, Hà Giang) có 969 học sinh (trên 90% dân tộc), hơn 2/3 số học sinh thuộc khu vực nông thôn mới, chỉ 3 thôn với 212 học sinh được hưởng chế độ vùng 3 (khó khăn).

Đây tưởng như là điều kiện thuận lợi để chuẩn bị sách vở cho học sinh bước vào năm học mới bởi phần lớn các hộ dân đã đáp ứng được tiêu chí nông thôn mới. Song thực tế lại là bất lợi bởi khi không thuộc diện được hỗ trợ, việc tự trang bị sách giáo khoa cho con em tới trường là vấn đề khó đối với người dân dù năm học mới đã cận kề.

Trước thực tế này, thầy Phạm Như Ý, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Quyết Tiến cho biết đã “tháo gỡ” để học sinh có sách học đầy đủ từ đầu năm học mới bằng cách thương lượng cùng đơn vị cung ứng sách cho học sinh nhận sách trước trả tiền sau. Nhà trường thực hiện đăng ký hộ, mua hộ, thu tiền hộ và hoàn trả đơn vị cung ứng sách vào cuối năm học khi thu đủ từ phụ huynh.

Theo cách giải quyết linh hoạt này, từ khi kết thúc năm học cũ (giữa tháng 6), trường sớm có danh sách đăng ký về số lượng, thể loại để đặt hàng đơn vị cung ứng. Hiện 100% số sách giáo khoa cho năm học mới đã vận chuyển tới trường.

“Xã nông thôn mới nhưng đời sống kinh tế vẫn vô cùng khó khăn. Nhiều gia đình, bố mẹ đi làm ăn xa để con cái ở lại với ông bà già yếu. Mặt khác, tại địa bàn gần như không có đại lý sách giáo khoa, để mua phải xuống trung tâm tỉnh (cách 60km). Do đó việc đảm bảo sách cho học sinh từ đầu năm học vẫn là việc của các nhà trường. Nếu không linh hoạt giải pháp, dám chịu trách nhiệm… thì khó tránh cảnh học sinh học chay…”, thầy Ý trao đổi.

Trường THCS&THPT Đakrông (huyện Đakrông) nằm ở vùng khó khăn nhất tỉnh Quảng Trị. Toàn trường có 970 học sinh, trong đó 510 em thuộc diện hộ nghèo được hỗ trợ kinh phí đồ dùng học tập, 260 học sinh ở cả 2 bậc THCS và THPT phải tự túc trang bị. Nhưng nếu không được hỗ trợ từ nhà trường thì số học sinh này có thể thiếu hoặc không có sách để học.

Chia sẻ cách tháo gỡ giúp học sinh có sách giáo khoa đầy đủ bước vào năm học mới, thầy Trần Đăng An, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường đảm bảo nguồn sách theo 2 cách. Với 510 học sinh diện được hỗ trợ sẽ thỏa thuận để phụ huynh đăng ký mua sách từ nguồn kinh phí được cấp ngay khi kết thúc năm học cũ.

Hơn 200 học sinh phải tự túc mua sách nhưng không có khả năng, trường sẽ tận dụng nguồn sách cũ để cho mượn. Ngoài ra đặt thêm một số bộ sách mới dự phòng tại thư viện, trong năm học nếu học sinh bị thất lạc, sách hỏng rách sẽ có ngay sách cho mượn.

Riêng với học sinh khối 10 học Chương trình GDPT 2018, tuần thứ 3 tháng 8 kết thúc lựa chọn tổ hợp môn, đưa ra đầu sách dạy học, từ đó học sinh sẽ đăng ký số lượng và gửi về sở GD&ĐT. Theo thầy An, việc chốt nguyện vọng tổ hợp môn sát năm học mới vẫn đảm bảo tiến độ mua và chuyển sách về trường, ngoài ra còn tránh được tình trạng liên tục thay đổi lựa chọn tổ hợp môn của học sinh, dẫn tới đăng ký mua sách không sát nhu cầu học tập, gây lãng phí...

Các nhà trường đang nỗ lực hỗ trợ để sách giáo khoa đến với học sinh trước thềm năm học mới. (ảnh minh họa) Ảnh: Đức Trí

Các nhà trường đang nỗ lực hỗ trợ để sách giáo khoa đến với học sinh trước thềm năm học mới. (ảnh minh họa) Ảnh: Đức Trí

Để không mua nhầm, mua thừa

Để hỗ trợ học sinh lớp 10 chọn tổ hợp môn phù hợp, đăng ký mua sách sát nhu cầu học tập, từ 7/5 Trường THPT Cô Tô (huyện Cô Tô, Quảng Ninh) đã công khai các môn tổ hợp đến các trường THCS để phụ huynh và học sinh cùng tìm hiểu, nắm bắt và lựa chọn.

Mặt khác, do điều kiện ở đảo, gia đình sẽ gặp khó khăn trong việc mua sách nên khi học sinh đăng ký nguyện vọng môn, nhà trường đồng thời cho đăng ký mua sách giáo khoa. Việc mua sách trên tinh thần hỗ trợ học sinh, gia đình tự nguyện, trường chỉ đóng vai trò mua hộ.

Với cách làm này, từ 25/7 trường đã hoàn thành chốt danh sách, số lượng sách giáo khoa cần mua gửi lên sở. Dự kiến trong vài ngày tới sách sẽ được vận chuyển tới đảo. “Dù sách chưa về tới trường song có thể yên tâm học sinh có sách trước năm học mới bởi khâu chọn và đặt đúng tiến độ…”, thầy Nguyễn Hải Phòng, Hiệu trưởng nhà trường trao đổi.

Thầy Nguyễn Văn Hà, Hiệu trưởng Trường THPT Quan Lạn (huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) cũng cho biết: Việc mua sách phụ thuộc vào lựa chọn tổ hợp môn. Do vậy cuối tháng 5, trong kế hoạch tuyển sinh trường đã giới thiệu chi tiết về tổ hợp môn về trường THCS để học sinh, gia đình tìm hiểu sớm và lựa chọn. Mặt khác, niêm yết số điện thoại để tư vấn cho phụ huynh nếu có thắc mắc.

Sau khi có lịch tựu trường, nhà trường tiếp tục mời phụ huynh, học sinh đến để giáo viên tư vấn trực tiếp việc lựa chọn tổ hợp môn học. Từ đó học sinh chỉnh nguyện vọng và chọn sách giáo khoa lần cuối.

“Lựa chọn tổ hợp môn tốt bao nhiêu thì việc đăng ký mua sách giáo khoa càng sát với nhu cầu thực tế bấy nhiêu. Điều đó giúp học sinh không mua thừa, mua sai sách giáo khoa, tránh lãng phí. Việc mua sách giáo khoa ở ngoài đảo không thuận tiện như đất liền, gia đình học sinh cơ bản đăng ký theo kênh nhà trường. Do đó trường xác định tinh thần phục vụ, hỗ trợ tốt nhất để học sinh đủ sách giáo khoa…”, thầy Hà khẳng định.

Tại Ninh Bình, Trường THPT Kim Sơn B đã xây dựng kế hoạch trước khi tuyển sinh, dự kiến các lớp, xây dựng tổ hợp bộ môn theo định hướng (khối truyền thống và theo môn học lựa chọn). Sau tuyển sinh đầu cấp, mời phụ huynh và học sinh lớp 10 tới trường 2 buổi để tư vấn trước khi đăng ký. Dựa trên tình hình thực tế đội ngũ, nguyện vọng… nhà trường xếp lớp.

Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Mạnh Hà, việc lựa chọn sách giáo khoa đối với một số môn tổ hợp trường giao cho đội ngũ giáo viên (bởi đã được tập huấn, nghiên cứu) chọn ra bộ sách để giảng dạy. Sau đó, trường đưa lên mạng các đầu sách đã được chọn; tổ chức họp phụ huynh, học sinh 1 buổi để công khai các danh mục sách nhà trường đã chọn. Trên cơ sở đó phụ huynh, học sinh nắm được đầu sách để mua.

“Trường khuyến khích phụ huynh, học sinh tự mua sách bên ngoài. Trường hợp không mua được, nhà trường sẽ hỗ trợ bằng việc tập hợp số lượng, đầu sách, sau đó chuyển sang đơn vị cung ứng để đưa sách và thu tiền tận nơi với học sinh. Nhà trường sẽ không ngừng phát huy trách nhiệm trong việc giám sát, đốc thúc để việc cung ứng sách đảm bảo chất lượng, kịp thời tiến độ năm học…”, thầy Nguyễn Mạnh Hà nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ