Phần mềm nhập dữ liệu sáng tạo
Năm 2014, Trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương đăng ký thực hiện tuyển sinh trình độ ĐH, CĐ hệ chính quy theo 2 phương thức: Xét tuyển theo phương thức tuyển sinh riêng của trường và kết hợp xét tuyển kết quả thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 theo kỳ thi 3 chung do Bộ GD&ĐT tổ chức.
Tổng chỉ tiêu đăng ký với Bộ GD&ĐT năm nay ở hệ ĐH chính quy là 600 chỉ tiêu, CĐ chính quy 800 chỉ tiêu.
Trong đề án tuyển sinh này, trường dành 60% chỉ tiêu ĐH, CĐ để xét tuyển theo phương thức tuyển sinh riêng của trường và 40% chỉ tiêu còn lại xét tuyển theo kết quả 3 chung.
Ông Trần Thanh Vũ - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương cho rằng, với cách thức tuyển sinh riêng của nhà trường, khâu nhập những dữ liệu liên quan đến thí sinh, điểm số… rất phức tạp và dễ nhầm lẫn.
Bởi vậy, nhà trường đã căn cứ vào Đề án tuyển sinh riêng để làm một phần mềm nhập dữ liệu. Phần mềm này cho phép cán bộ tuyển sinh nhập dữ liệu từ hồ sơ xét tuyển của thí sinh; sau đó, tự động xuất ra các danh sách với những thông tin như số phiếu hồ sơ, các thông tin cá nhân của thí sinh, điểm trung bình các năm học và điểm các môn thi tốt nghiệp.
Phần mềm này cũng cho phép xuất danh sách thống kê số lượng hồ sơ theo điểm để Hội đồng tuyển sinh căn cứ vào đó đưa ra mức điểm trúng tuyển của trường.
Ngoài ra, với phần mềm này, cán bộ tuyển sinh có thể dễ sàng xuất các biên bản điểm trúng tuyển, danh sách thí sinh trúng tuyển; hỗ trợ in giấy báo nhập học.
Phần mềm còn có chức năng riêng đối với các đối tượng được tuyển thẳng và hỗ trợ khi cần xét tuyển bổ sung. Ví dụ, ban đầu, Hội đồng tuyển sinh quyết định 7 điểm trúng tuyển vào trường, nhưng chỉ có 40 thí sinh đạt mức điểm này, trong khi đó chỉ tiêu cần là 50 - phần mềm sẽ đưa ra những con số giúp Hội đồng tuyển sinh quyết định mức điểm mới phù hợp hơn.
Ra đề độc lập
Là trường được Bộ GD&ĐT cho phép tuyển sinh riêng từ năm 2014, Trường ĐH Nông lâm - Bắc Giang đến thời điểm này đã sẵn sàng đón mùa tuyển sinh đầu tiên theo cách mới.
Ngoài công đoạn nhập điểm và kiểm dò điểm học bạ thì khâu ra câu hỏi và hướng dẫn chấm phỏng vấn là băn khoăn lớn nhất của Ban giám hiệu nhà trường.
ThS Trần Văn Châu - Quyền trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông lâm - Bắc Giang cho biết, Hội đồng tuyển sinh của nhà trường đã được thành lập, từ đó thành lập Ban đề phỏng vấn, Ban thư ký, Ban cơ sở vật chất, Ban phỏng vấn, Ban thanh tra.
Trường huy động khoảng 80 nhân sự bao gồm các giảng viên, viên chức lâu năm, có kinh nghiệm, không có người nhà (vợ, chồng, con, anh chị em ruột) là thí sinh.
Bên cạnh đó, một hội nghị với Công an tỉnh, công an PA83, Công an huyện và công an xã, thị trấn lân cận đã được tổ chức để có phương án bảo vệ kỳ phỏng vấn (từ lúc thí sinh và người nhà xuống xe đến lúc thí sinh vào trường). Theo đó, có 11 công an các cấp, 5 bảo vệ trường và 25 thanh niên tình nguyện sẽ tham gia vào kỳ thi này.
Trường cũng đã chuẩn bị khoảng 800 chỗ ở miễn phí cho thi sinh và người nhà, chuẩn bị bếp ăn tập thể đảm bảo an toàn thực phẩm; chuẩn bị phòng, bàn ghế, điện quạt cho khu vực phỏng vấn; chuẩn bị nước uống cho thí sinh cũng như văn phòng phẩm phục vụ phỏng vấn; bố trí xe ô tô đón thí sinh và người nhà miễn phí tại 2 vị trí, cách trường từ 4 km và 7 km (ngã tư Đình Trám và ngã 3 Đình Trám)
Theo ThS Trần Văn Châu, ngoài công đoạn nhập điểm và kiểm dò điểm học bạ thì khâu ra câu hỏi và hướng dẫn chấm phỏng vấn là băn khoăn lớn nhất của Ban giám hiệu nhà trường.
Thực hiện điều này, giải pháp của trường là thành lập Ban đề phỏng vấn sớm, chọn giảng viên có trình độ, ra đề độc lập theo tinh thần của Đề án, nộp và họp tiểu ban, đánh giá nhận xét từng câu, tiếp tục về chỉnh sửa, tìm hiểu.
Sau khi chỉnh sửa nhiều lần, có được ngân hàng câu hỏi, từ đó trường lựa chọn, loại bỏ những câu trùng lặp, câu không đạt yêu cầu và phân loại câu hỏi (câu tự luận và câu phỏng vấn - có tính chất khác nhau), từ đó xây dựng đề theo số thí sinh dự phỏng vấn từng đợt.
“Nay, các công đoạn gần như đã hoàn tất, sẵn sàng cho kỳ tuyển sinh tới. Hy vọng là sẽ “đầu xuôi – đuôi lọt” - ThS Trần Văn Châu bày tỏ.