Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Đạo Cương dự và phát biểu.
Trong lịch sử 61 năm hình thành và phát triển, Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam luôn xứng đáng là “cánh chim đầu đàn” trên lĩnh vực đào tạo nghệ thuật Xiếc, Tạp kỹ. Hoạt động đào tạo của Trường đã đóng góp to lớn cho sự ổn định và phát triển của ngành nghệ thuật xiếc nước nhà và ngành Xiếc hai nước CHDCND Lào và Vương quốc Campuchia.
Nhiều cán bộ, giáo viên và học sinh của Trường đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý NSND, NSƯT và giữ những vị trí quản lý chủ chốt trong ngành. Trường đã góp phần sáng lập nhiều đoàn xiếc trong và ngoài nước.
Năm học 2021-2022 diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên, bằng sự đoàn kết, sáng tạo của tập thể lãnh đạo, cán bộ, giáo viên, người lao động và học sinh, trường đã hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ kép giảng dạy - học tập và phòng chống dịch.
Không những thế, trường đã triển khai giảng dạy, học tập và hỗ trợ học sinh trên các nền tảng trực tuyến, cử giáo viên tham gia Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp trực tuyến; tổ chức thành công kỳ thi học kỳ cho năm học 2021-2022 và thi bù các kỳ thi học kỳ trước đó chưa tổ chức thi được do dịch bệnh.
Công đoàn viên, giáo viên được nhận Bằng khen trong dịp 20.11 |
Tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp cho học sinh khóa 36, khóa 37 và khóa 38; tiến hành biên soạn 3 giáo trình cấp Bộ, trong đó giáo trình “Hình thể ứng dụng” đã nghiệm thu cấp Bộ tại Hội đồng nghiệm thu Bộ VHTT&DL; 2 giáo trình “Âm nhạc trong biểu diễn Xiếc” và “Thể thao trong biểu diễn Xiếc” đã nghiệm thu cấp cơ sở.
Cũng trong năm học vừa qua, lần đầu tiên Trường tổ chức tuyển sinh và mở lớp đào tạo Hệ Vừa làm vừa học 2 năm, ngành Nghệ thuật biểu diễn Xiếc và ngành Tạp kỹ cho các học viên là các nghệ sĩ đã và đang biểu diễn trên sân khấu của các đơn vị nghệ thuật trên cả nước.
Với tất cả sự quyết tâm, nỗ lực và cố gắng, trường đã duy trì được chất lượng đào tạo luôn ở mức cao, tỷ lệ học sinh đạt mức Khá, Giỏi, Xuất sắc năm học 2021-2022 đạt 69%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đạt mức Khá, Giỏi, Xuất sắc là 100%; tỷ lệ học sinh đỗ Tốt nghiệp THPT liên tục 3 năm liền đạt 100%.
Theo Ths Ngô Lê Thắng, Hiệu trưởng nhà trường: Những thành tích mà Trường đạt được trong 61 xây dựng và phát triển, cũng như trong năm học 2021-2022 vừa qua là kết quả của sự kế thừa, tiếp nối những thành tích của biết bao thế hệ nhà giáo lão thành, các cán bộ, giáo viên, nhân viên của Nhà trường qua các thời kỳ.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển Nhà trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, một số vấn đề thách thức đang đặt ra đối với sự phát triển ổn định của Trường. Xã hội và ngành xiếc Việt Nam cần có một cơ sở đào tạo bậc Cao đẳng đúng tầm cỡ, để cung cấp nguồn nhân lực lĩnh vực xiếc và tạp kỹ cho ngành và cho xã hội, góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững, xứng tầm của ngành Xiếc Việt Nam.
Do đó việc nâng cấp lên thành Trường Cao đẳng Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam không chỉ là mong mỏi, định hướng của nhiều thế hệ lãnh đạo Nhà trường mà còn là một yêu cầu thực tiễn đòi hỏi.
Nhiều giáo viên đã được ghi nhận trong dịp 20.11 |
Ths Ngô Lê Thắng khẳng định trong thời gian tới, nhà trường sẽ đoàn kết, thống nhất, quyết tâm hoàn thiện đề án nâng cấp Trường lên thành Trường Cao đẳng Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam. Nâng tầm thương hiệu, chất lượng đào tạo của Nhà trường không chỉ trong nước và còn vươn ra thế giới, khẳng định giá trị nghệ thuật Xiếc Việt Nam, quảng bá, giới thiệu bản sắc văn hóa, đất nước, con người Việt Nam qua nghệ thuật Xiếc.
Tại lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Đạo Cương đề nghị nhà trường tập trung một số nhiệm vụ.
Trước hết, kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ và cán bộ quản lý…, chủ động trong việc thu hút giáo viên, các NSND, NSƯT trong và ngoài nước đến giảng dạy, nghiên cứu tại Trường. Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để nâng cấp Trường lên thành Trường Cao đẳng.
Có chính sách, chế độ đãi ngộ, tôn vinh các nhà giáo, các nghệ sĩ, nghệ nhân, các nhà khoa học tâm huyết, tài năng, có nhiều cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp đào tạo của Nhà trường. Huy động nguồn lực để xây dựng phát triển thương hiệu đào tạo của trường vươn tầm quốc tế.
Tiếp tục thực hiện các quy định của Luật giáo dục nghề nghiệp, Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Học sinh nhà trường biểu diễn tại lễ kỷ niệm |
Kết hợp hài hòa giữa các phương pháp dạy học truyền thống với phương pháp mới, ứng dụng CNTT, công nghệ số. Đổi mới quản lý, hoạt động dạy và học, phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả học tập của người học gắn với năng lực; kỹ năng thực hành nghề nghiệp. Đổi mới đào tạo theo hướng phát huy tích cực sự chủ động, sáng tạo của người học.
Gắn kết hoạt động đào tạo với thực hành nghề nghiệp, gắn hoạt động của nhà trường với các đơn vị nghệ thuật, các hội nghề nghiệp… và thực tế đời sống văn hóa xã hội trong nước và quốc tế để tạo cơ hội, điều kiện cho học sinh xin việc làm sau khi ra trường.