Trường trả lương giáo viên hơn một tỷ đồng mỗi năm

GD&TĐ - Nhằm chiêu mộ nhân tài cho các trường phổ thông, nhiều tỉnh, thành phố tại Trung Quốc đang đưa ra mức lương hậu hĩnh đi kèm với chế độ nhà ở chất lượng.

Cử nhân ngành sư phạm Trung Quốc được trả lương hậu hĩnh.
Cử nhân ngành sư phạm Trung Quốc được trả lương hậu hĩnh.

Tuy nhiên, những ưu đãi này chỉ dành cho cử nhân trẻ đến từ các trường đại học hàng đầu cả nước.

Trường trung học số 1 Ordos, trực thuộc hệ thống trường học Ejin Horoo Banner, lên kế hoạch thuê 24 giáo viên, trong khi trường tiểu học đặt mục tiêu thuê 20 người.

Cả hai trường sẽ ký hợp đồng 3 năm với mức lương 500.000 nhân dân tệ/năm (hơn 1,7 tỷ đồng) hoặc 600.000 nhân dân tệ/năm (2,1 tỷ đồng) cho hợp đồng 6 năm, nếu ứng viên tốt nghiệp từ Trường Đại học Thanh Hoa hoặc ĐH Bắc Kinh. Đây là hai ngôi trường đại học chất lượng hàng đầu Trung Quốc và lọt tốp đầu châu Á.

Đối với ứng viên có bằng cử nhân trở lên, hai trường sẽ cung cấp nhà ở miễn phí rộng 80-120m2 hoặc 250.000 nhân dân tệ (khoảng 880 triệu đồng) đến 350.000 nhân dân tệ (khoảng 1,2 tỷ đồng) tiền trợ cấp nhà ở hàng năm. Giáo viên có thể sở hữu nhà hoặc tiền nếu ký hợp đồng dài hạn với nhà trường.

Tin tức này nhanh chóng trở thành chủ đề thịnh hành trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc. Ước tính, trên nền tảng Weibo có 130 triệu lượt xem.

Ordos, nằm trong danh sách các thành phố hạng nhất, đang cố gắng chiêu mộ sinh viên ngành sư phạm từ các trường danh tiếng trên cả nước. Thành phố sẵn sàng trả mức lương cao cho các ứng viên giảng dạy tại các trường tiểu học, THCS địa phương. Theo Cục Thống kê quốc gia, trong nửa đầu năm 2021, GDP bình quân đầu người tại Ordos cao thứ hai trong số các thành phố tại nước này với 94.700 nhân dân tệ.

Nhu cầu chiêu mộ giáo viên tốt nghiệp từ các trường đại học hàng đầu Trung Quốc đang rất lớn. Năm 2020, Trường THCS Thâm Quyến, tỉnh Thâm Quyến đã thuê 66 giáo viên, toàn bộ đều có bằng thạc sĩ trở lên. 1/2 số này là sinh viên tốt nghiệp từ Trường ĐH Thanh Hoa, ĐH Bắc Kinh trong khi số khác đến từ các trường đại học nổi tiếng thế giới như Oxford, Cambridge.

Ông Chu Zhaohui, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Khoa học Giáo dục quốc gia, đánh giá việc tăng lương cho giáo viên tiểu học, trung học là chính sách tốt cho các khu vực có tiềm lực tài chính. Bởi lẽ giảng dạy chưa phải nghề được trả lương cao tại Trung Quốc, dù có sự đầu tư không ngừng từ trung ương và chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, việc chỉ trả lương hậu hĩnh cho sinh viên tốt nghiệp từ một số trường hàng đầu là chưa đủ vì nền tảng giáo dục tốt không đồng nghĩa với trình độ giảng dạy tốt.

“Các trường cũng nên cân nhắc tăng lương cho những giáo viên kỳ cựu. Nếu không, hình thức chiêu mộ nhân tài này không khác gì một lời quảng cáo công khai”, ông Zhaohui bày tỏ.

Ông Chen Zhiwen, tổng biên tập của cổng thông tin giáo dục trực tuyến EOL, cho biết với công việc ổn định, hai kỳ nghỉ đông, nghỉ hè và khả năng cho con cái tiếp cận các trường công lập tốt, giáo viên đã trở thành một nghề được sinh viên mới ra trường yêu thích trong những năm gần đây.

Các trường đại học Trung Quốc đã báo cáo số lượng sinh viên nhập học và tốt nghiệp ngành sư phạm tăng đáng kể so với 20 năm trước. Do đó, không phải tất cả sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học nổi tiếng đều tìm được công việc tốt.

Nhiều người cho rằng tân cử nhân các trường đại học ưu tú trở thành giáo viên tiểu học, trung học là hành động lãng phí tài năng. Tuy nhiên, ông Chen đã bác bỏ quan niệm này và cho rằng “chìa khóa để nâng cao chất lượng giáo dục nằm ở việc tuyển dụng được giáo viên giỏi”.

Theo China Daily

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ngôi nhà còn là 'lớp học' bồi dưỡng, trao truyền dân ca ví, giặm cho thế hệ trẻ.

Còn sức còn trao truyền dân ca ví, giặm

GD&TĐ - Dưới sự hướng dẫn của vợ chồng nghệ nhân, những năm gần đây câu lạc bộ Dân ca ví, giặm xã Cẩm Mỹ liên tục phát triển và giành nhiều giải thưởng.