Đã từ lâu, trong mắt thầy cô, bạn bè những học sinh nào dù bị một lần hay nhiều lần "bêu tên" dưới cờ đều trở thành "đối tượng cá biệt" trong mắt mọi người và ấn tượng xấu về bạn học sinh ngày nào đứng dưới cờ mỗi khi có tiết chào cờ đầu tuần trở nên "vĩnh cửu" trong suy nghĩ của bao người. Có khi rời trường, sau bao nhiêu năm gặp lại, mỗi khi nhắc đến bạn bị "bêu tên" đó, hình ảnh bạn ấy bị phạt dưới cờ vẫn tồn tại như in trong đầu chúng tôi.
Nhưng đến nay, hình thức "bêu tên" dưới cờ đã được hạn chế đến mức tối đa tại ngôi trường cấp THCS nơi tôi đang công tác. Học sinh quê tôi nhiều em là những cô cậu học trò ngoan ngoãn nhưng lại không chăm chỉ trong việc học cho lắm.
Hầu hết, thời gian ở nhà, các em đều giúp đỡ gia đình, giúp đỡ bố mẹ công việc nhà nông, nên việc tự học cũng trở nên "xa xỉ" với học sinh nơi đây. Chính vì điều này, năm lần bảy lượt giáo viên gọi trả lời bài cũ thì đều nhận được sự lắc đầu "dễ thương" từ các em. Tên các em nghiễm nhiên được vào sổ đầu bài. Và sổ đầu bài là nguồn minh chứng không thể thiếu cho những học sinh cả được khen và cả được chê.
Cuối tuần giáo viên chủ nhiệm, Tổng phụ trách chỉ cần nhìn vào sổ sẽ khái quát được tình hình của lớp trong tuần vừa qua. Và những học sinh được "bêu tên" dưới cờ cũng bắt đầu từ đây.
Là một giáo viên luôn sát cánh với học sinh trong từng tiết dạy, không ít lần tôi nghe học sinh than rằng: "Thứ 6 có tiết sinh hoạt và thứ hai có tiết chào cờ, tao chuồn thôi bay ơi", hay "Tuần này lại có tên trên bảng vàng nữa rồi"… Đó là những câu nói cửa miệng của những học sinh vi phạm nhiều nhất nội quy của lớp, của trường như không học bài cũ, không ghi bài, hay nói chuyện trong giờ học, không làm bài tập…
Và đôi khi sự vi phạm của những học sinh này có "tính hệ thống" thì khi đó, những học sinh này mới được "bêu tên" dưới cờ.
Và thực sự, hình thức phạt này đã gây không ít những hệ quả nặng nề: Đầu tiên học sinh sẽ bỏ tiết chào cờ, dẫn đến không nắm được những thông tin quan trọng của tuần học đó, sau đó sẽ tạo tâm lí chán học, tiếp nữa là tâm lí xấu hổ khi phải đứng dưới cờ với những vi phạm của bản thân. Dần dần, học sinh sẽ không theo kịp bạn bè và sẽ dẫn đến việc bỏ học. Không ít những học sinh trong diện này bỏ học giữa chừng. Đây là điều làm "đau đầu" những người làm giáo dục trong việc duy trì sĩ số.
Và trong năm học này, nơi ngôi trường tôi đang giảng dạy, hình thức "bêu tên" dưới cờ những học sinh vi phạm không còn nữa. Đó là một tín hiệu vui.
Điều này bắt nguồn từ một Tổng phụ trách mới rất có tâm với nghề. Thầy bảo rằng trách phạt học sinh dưới cờ rất phản giáo dục. Cách này chỉ làm cho học sinh thêm ù lì mà thôi. Nếu đặt mình vào học sinh vi phạm đó, làm sao có thể ứng phó được với hàng ngàn con mắt và bao nhiêu lời bình phẩm từ học sinh toàn trường khi đứng dưới cờ như thế rồi ấn tượng xấu về bản thân cứ đeo bám học sinh đó mãi.
Thầy sẽ có cách giáo dục khác, nhân văn hơn cách xử phạt dưới cờ này. Đó là những lần động viên, nhắc nhở, phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, cha mẹ học sinh để giáo dục các em…
Nghe thầy đưa ra ý kiến, ai cũng tâm đắc vì mục tiêu của giáo dục là giúp học sinh tiến bộ và đi đến hoàn thiện nhân cách con người chứ không phải đẩy học sinh vào ngõ cụt.
Mỗi học sinh như một cây non cần được "chăm sóc" và "uốn nắn". nếu người lớn "uốn nắn" không đúng sẽ làm cây non gãy đi. Và điều này đặc biệt quan trọng hơn nữa trong môi trường giáo dục.
Hiện nay, sáng và chiều thứ hai đầu tuần, tiết chào cờ nơi trường tôi trở nên nhẹ nhàng và thênh thang đến lạ. Còn gì tuyệt vời hơn khi mở đầu một tuần mới, học sinh được nghe những thông tin bổ ích, những câu chuyện ý nghĩa, những tấm gương đáng học hỏi. Ngoài ra, các lớp còn thi nhau kể chuyện về tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mỗi câu chuyện là một bài học mà Bác Hồ để lại cho các em.
Lỗi lầm ai cũng mắc phải, điều này càng trở nên phổ biến hơn đối với các em trong độ tuổi đến trường vẫn được mệnh danh là "Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò". Điều quan trọng nhất là người lớn biết bỏ qua lỗi lầm và phát huy những mặt mạnh học sinh vốn có để giáo dục luôn hướng đến những giá trị tốt đẹp nhất để làm tròn sứ mệnh "trồng người" của mình.