Nhận khó về mình để giữ chân học trò bán trú

GD&TĐ - Nhiều trường vùng cao chưa được công nhận là trường dân tộc bán trú, song vẫn có số lượng nhất định học sinh thuộc diện bán trú.

Thầy Tôn Long Được dạy học cho trò huyện biên giới Ia H’Drai.
Thầy Tôn Long Được dạy học cho trò huyện biên giới Ia H’Drai.

Nhà trường không có cơ chế, chính sách cho nhân viên, giáo viên nấu ăn, trực quản lý học sinh; xây dựng và bổ sung cơ sở vật chất, nhà ở, bếp ăn học sinh… Tuy nhiên, để giữ chân trò, thầy cô nhận mọi khó khăn về mình để nỗ lực duy trì mô hình bán trú.

Lo từ miếng ăn đến giấc ngủ

Tôi bận đi làm cả ngày nên không có nhiều thời gian lo cho các con. Nhờ thầy, cô quan tâm tổ chức bữa ăn trưa tại trường nên cháu thuận lợi khi học tập. Tôi mong thầy, cô sẽ được một khoản hỗ trợ vì trông coi và chăm lo cho hàng trăm học sinh rất vất vả. Nhà nghèo, chẳng biết cảm ơn giáo viên như thế nào nên lâu lâu có mớ rau hay củ, quả ngon thì mang đến tặng. - Chị Y TI AI (mẹ em Y Ty Na - học sinh Trường Tiểu học xã Đăk Hà)

Sau giờ dạy trên lớp, thầy Tôn Long Được (giáo viên lớp 4A, Trường Tiểu học – THCS Nguyễn Du, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum) tổ chức cho học sinh bán trú ăn trưa và bổ trợ kiến thức cho các em học yếu.

Theo thầy Được, năm học 2022 - 2023 khi xã đạt chuẩn nông thôn mới, học sinh không còn được hưởng các chế độ, chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, có những em nhà cách trường 10 - 20km nên không thể đi về trong ngày. Do đó, nhà trường tổ chức bán trú dân nuôi cho 40 học sinh, trong đó có 15 em ở lại từ thứ Hai đến thứ Sáu. Thương học sinh khó khăn, xa gia đình nên thầy Được cùng một số giáo viên ở lại chăm sóc cho các em từ miếng ăn đến giấc ngủ. Tối đến, giáo viên hướng dẫn các em học tập để nâng cao kiến thức.

“Việc trông coi, chăm lo cho học sinh đều miễn phí vì chúng tôi xem các em như con, cháu trong nhà. Tuy khó khăn, vất vả nhưng nếu không thực hiện thì các em có nguy cơ bỏ học”, thầy Được nói.

Thầy Nguyễn Ngọc Linh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học – THCS Nguyễn Du, cho biết, toàn trường có 343/498 học sinh dân tộc Thái, Mường… Phụ huynh đa số làm công nhân cạo mủ cao su, sáng sớm đi làm đến tối muộn mới về nhà nên ít có thời gian quan tâm, hướng dẫn con học tập. Để duy trì tỷ lệ chuyên cần, nhà trường tổ chức cho 40 em ở bán trú tại trường.

Tuy nhiên, điều kiện gia đình khó khăn nên nhà trường vẫn kêu gọi các công ty, doanh nghiệp quan tâm và hỗ trợ kinh phí để thuê cô nuôi. Riêng cán bộ, giáo viên trông coi học sinh bán trú thì không được hưởng bất kỳ khoản hỗ trợ nào.

“Hiện một phó hiệu trưởng cùng 3 giáo viên lo ăn, ở và hướng dẫn các em bán trú học tập. Dù không có chi phí hỗ trợ nhưng thầy cô rất nhiệt tình và hết lòng vì học sinh. Để giảm bớt gánh nặng cho phụ huynh có con ở bán trú và đa dạng nguồn thực phẩm, nhà trường tổ chức trồng thêm rau xanh. Tuy có phần vất vả nhưng nếu không tổ chức bán trú thì khó duy trì tỷ lệ chuyên cần”, thầy Linh chia sẻ.

Trường Tiểu học xã Đăk Hà kêu gọi nhà hảo tâm tổ chức bữa ăn bán trú cho 63 học sinh không có chế độ ở điểm trường Ty Tu.

Trường Tiểu học xã Đăk Hà kêu gọi nhà hảo tâm tổ chức bữa ăn bán trú cho 63 học sinh không có chế độ ở điểm trường Ty Tu.

Năm học 2022 - 2023, Trường Tiểu học xã Đăk Hà (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) có 669 học sinh, 97% các em là người dân tộc thiểu số. Cô Hiệu trưởng Hồ Thị Thùy Vân cho hay, số học sinh người địa phương đông, nhưng chỉ có 394 em được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định 116, gồm: 15kg gạo, 149.000 đồng tiền ở và 596.000 đồng tiền ăn/tháng. Ngoài ra, 667 học sinh được nhận khoản hỗ trợ về chi phí học tập. Thế nhưng không có cơ chế, chính sách cho giáo viên nấu ăn, trực quản lý học sinh bán trú và kinh phí xây dựng và bổ sung cơ sở vật chất nhà ở nội trú, bếp ăn học sinh…

Ngoài 394 học sinh được hỗ trợ tiền ăn trưa, thời gian đầu, cán bộ, giáo viên nhà trường trích tiền túi để nấu thêm cho 63 em không có chế độ ở điểm trường Ty Tu. Qua công tác truyền thông, kêu gọi, các nhà hảo tâm đã hỗ trợ để duy trì bữa ăn bán trú cho 63 học sinh, còn phụ huynh góp thêm rau, củ hoặc củi.

Mỗi ngày khi nấu cơm cho học sinh tại điểm trường chính, cô nuôi hỗ trợ thêm phần ăn cho các em ở điểm Ty Tu. Những giáo viên nào trống tiết thì luân phiên nhau mang cơm, thức ăn vào điểm trường lẻ và tổ chức cho học sinh ăn trưa. Sau khi lo cho học sinh ăn uống, dọn dẹp xong giáo viên trở về tiếp tục công tác giảng dạy.

Giáo viên Trường Tiểu học – THCS Nguyễn Du chăm lo miễn phí cho học sinh bán trú

Giáo viên Trường Tiểu học – THCS Nguyễn Du chăm lo miễn phí cho học sinh bán trú

Những người “vận động” đặc biệt

Từ tin nhắn của thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kết nối Nam Trà My (Quảng Nam) với nội dung: “Lớp mẫu giáo của Trường Mầm non Sơn Trà (Trà Giáp, Bắc Trà My) có 32 cháu. Các cô đang mở bán trú mà gia đình khó khăn, trẻ tự mang cơm đến lớp nhưng bữa này bữa kia, hôm có hôm không.

Chương trình Nuôi em thì sang năm mới vào cuộc được. Anh giúp em cho mấy bé tiền ăn mỗi tháng từ tháng 12 đến tháng 5 năm sau được không ạ?”, một nhóm thiện nguyện đã huy động nguồn lực để hỗ trợ mỗi tháng gần 4 triệu đồng, duy trì bữa ăn bán trú cho học sinh.

Trường PTDTBT Tiểu học Trà Vân (Nam Trà My, Quảng Nam) cũng kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ để gần 10 học sinh trú tại nóc Ông Cường sẽ ở lại cả tuần ngay tại điểm trường Ông Dũ. Thầy Hiệu trưởng Hồ Văn Hạnh kể: “Những em từ nóc Ông Cường phải qua suối rồi qua một con dốc khá cao. Trên núi hay có mưa lũ bất thường, nhất là buổi chiều, đi về rất nguy hiểm. Ngoài ra, để các em tự đi về buổi trưa thì nguy cơ cao là buổi chiều sẽ ở nhà luôn, không trở lại trường để học”.

Cùng với 2 bữa trưa của các ngày thứ Ba và thứ Năm hàng tuần do dự án Nuôi em hỗ trợ, thầy Hạnh tìm cách “xin” thêm từ nguồn khác để duy trì bán trú cả tuần cho học sinh. CLB Bạn thương nhau (Đà Nẵng) đã nhận hỗ trợ bữa trưa cho những ngày còn lại và thêm 5 bữa ăn tối để giữ chân học sinh ở lại trường cho đến cuối tuần. Đều đặn Chủ nhật hằng tuần, thầy Nguyễn Thanh Đên quay trở lại điểm trường Ông Dũ để đón học sinh từ nóc Ông Cường sang. Các em sẽ ở lại trường đến chiều thứ Sáu mới về nhà.

Thầy Đên kể, 5 giờ 30 phút đã phải dậy chuẩn bị bữa sáng để học sinh kịp giờ học. Thầy giáo vừa dạy học, vừa làm anh nuôi, kiêm luôn công tác phục vụ bán trú, thay phụ huynh chăm sóc các em từ bữa ăn, giấc ngủ, thuốc thang những lúc trò đau ốm; vỗ về những khi các em nhớ nhà, rèn kỹ năng tự phục vụ… Thầy cô nhận thêm nhiều phần việc không tên để học sinh được an toàn, không phải hàng ngày trèo đèo lội suối trong những ngày mùa Đông giá lạnh. Thầy và trò cùng sinh hoạt trong căn nhà công vụ đã xuống cấp, dù chật chội nhưng luôn rộn ràng tiếng cười nói.

Xúc động trước những ân tình của thầy Đên đối với thế hệ trẻ, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng đã hỗ trợ điểm trường 200 triệu đồng để lắp đặt hệ thống điện Mặt trời, nước sạch và nhà lưu trú cho học sinh.

Trường Tiểu học Sơn Lang hướng dẫn các em bán trú vệ sinh cá nhân.

Trường Tiểu học Sơn Lang hướng dẫn các em bán trú vệ sinh cá nhân.

Động viên nhau cố gắng

Hai năm qua, Trường Tiểu học Sơn Lang (huyện K’bang, tỉnh Gia Lai) duy trì bữa ăn bán trú nên em Đinh Thị Duân (học sinh lớp 2) mới có thể tiếp tục đến trường học chữ. Nhà Duân cách trường khoảng 10km. Gia đình khó khăn nên cả nhà chẳng có lấy một chiếc xe máy để đi lại. Duân là con thứ 4 trong gia đình có 8 chị em nên bố mẹ làm cả năm cũng chẳng đủ lo cho mấy người con. Cuộc sống khó khăn, cơ cực nên chặng đường đến trường của chị em Duân còn lắm gian nan.

Đinh Thị Duân là một trong 130 học sinh được nhận hỗ trợ bán trú 17.000 đồng/ngày từ dự án Nuôi em của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Cô Nguyễn Thị Phượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Lang, cho hay, năm học 2022 - 2023, toàn trường có 242 học sinh, trong đó 134 em là người dân tộc thiểu số. Mặc dù nhà trường, học sinh còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng chỉ có 9 em thuộc hộ nghèo được hưởng hỗ trợ chi phí học tập.

“Khi xã lên nông thôn mới, học sinh không còn được hưởng chế độ bán trú, các em quay về học tại 2 điểm trường ở làng Đăk Asên và Srắt, cách trường chính khoảng 8km. Thế nhưng, về làng các em lại ngại đến lớp, thường xuyên theo cha mẹ lên nương rẫy. Do đó, nhà trường đã tìm mọi cách nhằm duy trì mô hình bán trú. Hiện trường tổ chức bán trú cho 130 học sinh từ thứ Hai đến thứ Sáu nên tỷ lệ chuyên cần luôn đảm bảo”, cô Phượng chia sẻ.

Để duy trì bán trú cho học sinh, mỗi ngày nhà trường phân công 2 giáo viên túc trực, phụ giúp nấu ăn 3 bữa/ngày. Bên cạnh đó, một số giáo viên nhà xa, ở lại bán trú tại trường cũng quan tâm, chăm lo cho học sinh vào buổi tối.

Mong muốn giữ chân học sinh ở trường, Ban giám hiệu Trường Tiểu học Sơn Lang đã làm công tác tư tưởng cho cán bộ, giáo viên nhằm quan tâm, hỗ trợ các em. “Tuy nhiên, đời sống giáo viên nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn nên việc không có chế độ hỗ trợ cho thầy, cô cũng là một thiệt thòi. Đến năm 2025 khi dự án Nuôi em kết thúc, nhà trường sẽ không còn kinh phí để tổ chức bán trú cho học trò. Chính vì vậy, đơn vị đã đề xuất lên các cấp có chính sách nhằm tiếp tục duy trì mô hình bán trú. Đơn vị cũng mong có kinh phí xây dựng, sửa chữa chỗ ở bán trú cho học trò. Từ đó mới giữ được các em ở lại trường và duy trì chất lượng giáo dục”, cô Phượng bộc bạch.

Tuy vất vả nhưng giáo viên, nhân viên không có bất kỳ chế độ hỗ trợ nào. Dù vậy, với tình thương yêu và không muốn trò bỏ học, chúng tôi luôn cố gắng duy trì bữa ăn bán trú. Đơn vị mong rằng có thể trở thành trường bán trú, khi đó giáo viên sẽ nhận được một phần hỗ trợ nhằm động viên tinh thần. Bên cạnh đó, nhà trường cũng có kinh phí sửa chữa nhà ăn, phòng ở bán trú cho học sinh. Năm học 2023 - 2024, đơn vị dự định tổ chức cho 40 - 50 học sinh mồ côi, nhà xa và có hoàn cảnh khó khăn ở lại bán trú từ thứ Hai đến thứ Sáu. Tuy nhiên, kinh phí không có nên đơn vị sẽ kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ chăn, màn… và một số đồ dùng thiết yếu. - Cô Hồ Thị Thùy Vân

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ