Trường Tiểu học Cao Bá Quát (Gia Lâm, Hà Nội): Tuyển sinh trái tuyến gây quá tải, phụ huynh bức xúc

GD&TĐ - Trường Tiểu học Cao Bá Quát được xây dựng nhằm phục vụ con em cư dân KĐT Đặng Xá và vùng phụ cận. Tuy nhiên, năm học 2018 - 2019, nhà trường được cho là đã tuyển nhiều học sinh trái tuyến, dẫn đến quá tải…  

Trường Tiểu học Cao Bá Quát
Trường Tiểu học Cao Bá Quát

Tuyển vượt chỉ tiêu

Báo GD&TĐ nhận được đơn kiến nghị của nhiều phụ huynh có con em đang theo học lớp 1 Trường Tiểu học Cao Bá Quát, huyện Gia Lâm về việc, năm học 2018 - 2019 trường tuyển vượt nhiều chỉ tiêu vào lớp 1 gây nên tình trạng quá tải, các cháu phải đi học nhờ tại cơ sở khác.

Nội dung đơn cho biết, năm học 2018 - 2019, nhà trường được UBND huyện Gia Lâm giao tuyển 500 cháu vào lớp 1. Đến ngày nhập học, phụ huynh phát hiện nhà trường tiếp nhận hơn 650 hồ sơ, trong đó có nhiều học sinh ở ngoài KĐT.

Sau khi phụ huynh kiến nghị, nhà trường đã chuyển 202 cháu có hộ khẩu thường trú tại KĐT sang Trường Tiểu học Trung Thành. Việc làm này của nhà trường gây bức xúc đối với phụ huynh, bởi Trường Tiểu học Trung Thành còn ngổn ngang do chưa xây dựng xong.

Trước sự việc trên, phụ huynh đã kiến nghị với Phòng GD&ĐT huyện Gia Lâm về việc phân tuyến không hợp lý. Người dân KĐT đã xây dựng và đóng góp kinh phí để vận hành cơ sở hạ tầng nhưng con em họ lại không được học tại Trường Tiểu học Cao Bá Quát. Trong khi đó, nhiều trường hợp sinh sống ở các khu vực lân cận, ngoài KĐT lại được vào học.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, chị V.T.T, có con đang học lớp 1 tại Trường Tiểu học Cao Bá Quát, cho biết: “Ngày 10/8/2018, Thường vụ Huyện ủy đã đưa ra quyết định chỉ nhận 350 cháu là đối tượng có hộ khẩu thường trú, tạm trú và phụ huynh của các em là chủ sở hữu nhà hoặc thuê nhà trực tiếp của chủ đầu tư tại các tổ dân phố trong KĐT Đặng Xá thuộc 2 xã Cổ Bi và Đặng Xá. Quyết định của Thường vụ Huyện ủy là thế, nhưng nhà trường chỉ chuyển 90 hồ sơ sang Trường Tiểu học Trung Thành, còn giữ lại 537 cháu, chia vào 10 lớp như hiện tại. Các cháu này đều có hồ sơ hợp lệ” - chị V.T.T cho hay.

Được học tập tại nơi sinh sống

Cũng theo chị T trong số 537 hồ sơ của nhà trường đã tiếp nhận có nhiều trường hợp khai báo không trung thực về địa chỉ nhà ở, nhiều trường hợp không có địa chỉ chính xác, nhiều cháu được khai báo chung địa chỉ…

“Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên nhà trường và Phòng GD&ĐT được xem hồ sơ của các cháu, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời. Hơn nữa, trong những lần công bố danh sách lớp của nhà trường, chúng tôi phát hiện thông tin địa chỉ của nhiều cháu được thay đổi liên tục. Chúng tôi đã đề nghị nhà trường triệu tập một cuộc họp để phụ huynh được đối chất trực tiếp nhưng cũng không được đáp ứng” - chị T bức xúc nói.

Trao đổi với Báo GD&TĐ ngày 4/10, ông Trần Minh Mạnh, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Gia Lâm cũng thừa nhận: “KĐT Đặng Xá mới đi vào hoạt động, nên việc số lượng học sinh vượt quá khả năng đáp ứng của nhà trường là có thật. Phòng GD&ĐT phải bố trí chỗ học cho học sinh, còn học ở chỗ nào là trách nhiệm của huyện. Có cháu học tại chỗ, có cháu học trường bên cạnh, nhưng phụ huynh thì vẫn cứ bức xúc. Phòng cũng đã nhiều lần trao đổi, trả lời phụ huynh bằng văn bản rồi”.

Hiện tại, có 3 lớp thuộc khối 1 của Trường Tiểu học Cao Bá Quát đang phải đi học nhờ tại Trường THCS Cao Bá Quát ngay bên cạnh vì trường không đủ cơ sở vật chất.

Nói về việc này, chị T cho biết: “Cháu nhà tôi là đối tượng ưu tiên số một vì nhà tôi có sổ đỏ, hộ khẩu thường trú gần 10 năm ở đây, nhưng vẫn bị nằm trong lớp phải đi học nhờ. Hơn nữa, phần lớn các cháu phải đi học nhờ thuộc đối tượng ưu tiên số một. Chúng tôi vô cùng bức xúc khi quyền cơ bản của các con là được học tập tại nơi sinh sống lại khó khăn như thế”.

Phụ huynh đang mong chờ sự vào cuộc của cơ quan có thẩm quyền để các học sinh được đảm bảo quyền lợi của mình khi là cư dân sống tại KĐT Đặng Xá.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ