Việc cấm tuyển sinh trái tuyến ở một số trường như Trường Tiểu học Phù Đổng, Phan Thanh, Hoàng Văn Thụ, Trường THCS Trưng Vương (Q. Hải Châu), Trường Tiểu học Trần Cao Vân (Q. Thanh Khê) đã bắt đầu bộc lộ những bất cập: Sĩ số HS tụt giảm mạnh, dôi dư phòng học, phải điều chuyển GV đi các trường khác trong khi bắt đầu xuất hiện tình trạng quá tải ở một số trường lân cận…
“Siết” nơi này lại “phình” nơi khác
Theo Nghị quyết 53, được HĐND TP Đà Nẵng thông qua năm 2013, để đảm bảo sĩ số học sinh theo quy định của Bộ GD&ĐT; đảm bảo học sinh tiểu học của thành phố được học 2 buổi/ngày tại trường; đồng thời, căn cứ điều kiện cơ sở vật chất hiện có của các trường học, trước mắt, từ năm học 2014 - 2015, các Trường Tiểu học Phù Đổng, Phan Thanh, Hoàng Văn Thụ, Trường THCS Trưng Vương (Q. Hải Châu), Trường Tiểu học Trần Cao Vân (Q. Thanh Khê) không được tuyển sinh đầu cấp và tiếp nhận chuyển trường trong năm học đối với HS trái tuyến và HS có hộ khẩu nhưng không thường trú tại địa bàn tuyển sinh của trường.
Một mặt trái khác của việc siết chặt tuyển sinh trái tuyến ở Đà Nẵng cũng đã bộc lộ khi các trường nằm trong danh sách “cấm” bắt đầu dôi dư GV và phòng học, buộc phải luân chuyển GV sang các trường khác trong quận, gây nên sự xáo trộn trong đội ngũ. Trường Tiểu học Phan Thanh trong thời gian qua phải điều chuyển 12 giáo viên và cho 10 lao động, nhân viên nghỉ việc vì số lượng HS bán trú giảm chỉ còn một nửa.
Trước khi có Nghị quyết 53, các trường nói trên luôn ở trong tình trạng “vỡ” chỉ tiêu tuyển sinh các lớp đầu cấp do tình trạng phụ huynh chạy hộ khẩu để kiếm cho con một suất vào các trường này. Như năm học 2012 - 2013, Trường Tiểu học Phan Thanh có 284 HS ra lớp so với 112 em theo kết quả điều tra phổ cập; con số này của Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ là 252 HS so với 38 HS theo điều tra; Trường Tiểu học Phù Đổng vượt 400% so với chỉ tiêu tuyển sinh.
Chủ trương siết chặt tuyển sinh trái tuyến của TP Đà Nẵng đã tỏ ra rất hiệu quả trong thời gian đầu. Như Trường Tiểu học Phan Thanh, nếu năm học 2012 - 2013, có 31 lớp với 1.350 học sinh thì sang đến năm học 2013 - 2014, số HS giảm đáng kể, chỉ còn biên chế thành 28 lớp, đảm bảo 100% học sinh được học 2 buổi/ngày, năm học 2017 - 2018 còn 750 HS với 20 lớp. Tương tự, Trường THCS Trưng Vương, từ 50 lớp học ở năm học 2013 - 2014 giảm xuống còn 45 lớp ở năm học 2014 - 2015 và năm học này còn 39 lớp.
Thế nhưng, bắt đầu xuất hiện tình trạng “siết nơi này lại phình nơi khác” khi Đà Nẵng xuất hiện thêm một số trường bắt đầu quá tải cục bộ do sĩ số HS trái tuyến tăng lên như Trường Tiểu học Núi Thành, Tiểu học Trần Văn Ơn (Q. Hải Châu).
Trao quyền chủ động điều tiết học sinh cho quận
Bà Trần Thị Thúy Hà - Trưởng phòng GD&ĐT Hải Châu cho biết: Từ năm học 2017 - 2018, Phòng GD&ĐT đã tham mưu cho UBND quận kiến nghị với HĐND TP Đà Nẵng về việc xem xét lại việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 53. Theo đó, nên điều chỉnh theo hướng giao toàn bộ trách nhiệm cho chủ tịch UBND quận trong vấn đề điều tiết HS trên địa bàn của quận về học tại các trường nằm trên địa bàn, miễn làm sao các trường đảm bảo 100% học sinh học 2 buổi/ngày, có các phòng chức năng.
Bà Trần Thị Thúy Hà cho biết, chỉ một thời gian ngắn sau khi thực hiện Nghị quyết số 53 của HĐND TP Đà Nẵng, do số lớp giảm xuống nên một số trường đã bị xuống hạng, như Trường Tiểu học Phan Thanh và Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ đã từ trường hạng 1 phải xuống hạng 2 vì số lớp chỉ còn dưới 28 lớp. “Khi là trường hạng 2 thì trong ban giám hiệu chỉ còn có một phó hiệu trưởng thay vì 2 phó hiệu trưởng như trước đây”.
Để tránh tình trạng vỡ chỉ tiêu tuyển sinh của các trường được xem là top trên như trước khi có Nghị quyết 53, theo bà Trần Thị Thúy Hà, quận Hải Châu sẽ vẫn thực hiện đúng nguyên tắc tuyển sinh của Nghị quyết 53, tức là căn cứ trên hộ khẩu và sinh sống thực tế tại địa phương.