Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ là 1 trong 5 trường nằm trong danh sách cấm tuyệt đối việc tuyển sinh trái tuyến, chạy hộ khẩu theo Nghị quyết 53 của HĐND thành phố Đà Nẵng.
Điều đáng nói ở đây, chính tổ dân phố và UBND phường, “cửa gác” đầu tiên trong việc sàng lọc điều kiện tuyển sinh, lại "tiếp tay" cho việc chạy trường, gây nhiều bất bình trong dư luận.
Từ đơn thư bạn đọc
Theo phản ảnh của bạn đọc gửi báo GD&TĐ, chủ trương cấm học trái tuyến của thành phố Đà Nẵng “vẫn chưa thật công bằng, chưa ráo riết, triệt để. Vì tôi biết vẫn có ít nhất một trường hợp là không đúng. Trường hợp của cháu P.X.B.K, có cha là Phạm Xuân Phương, mẹ là Nguyễn Thị Thanh Thủy, trú tại tổ 33 phường Thạch Thang.
Theo như chỗ ở hiện tại của cháu và ba mẹ thì cháu sẽ học tại Trường Tiểu học Lê Lai nhưng không hiểu sao cháu này lại được tuyển sinh vào trường Hoàng Văn Thụ.
Trong khi, lần thứ nhất trường Hoàng Văn Thụ công bố danh sách tuyển sinh là không có tên cháu; lần thứ hai, danh sách bổ sung cũng không có tên cháu; đến lần thứ ba, trường công bố lại danh sách tuyển sinh thì có tên cháu đồng thời công bố những cháu không đạt tiêu chuẩn.
Còn xét về hộ khẩu, nếu cháu có hộ khẩu để được học tại Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ thì tôi xin cam đoan rằng trước đây hay hiện tại, cháu không có mặt tại hộ khẩu đúng tuyến tuyển sinh”.
Bạn đọc này cũng cho rằng, “trong số 24 trường hợp không đủ tiêu chuẩn tuyển sinh tại trường Hoàng Văn Thụ, có phụ huynh bức xúc viết đơn gửi quý cấp. Tôi nghĩ, các phụ huynh này không phải bức xúc vì con của họ không được học tại trường này mà họ bức xúc vì cũng như tôi là biết có những trường hợp như mình nhưng lại được học”.
Đến “hồ sơ giả”, “địa chỉ ma”
Giải thích về trường hợp cháu P.X.B.K được nằm trong danh sách xét tuyển bổ sung vào học tại Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, cả bà Nguyễn Thị Thu - Phó Chủ tịch UBND phường Thạch Thang và ông Nguyễn Mạnh Hưng - Bí thư, Chủ tịch phường, đều cho rằng đây là trường hợp tuyển sinh theo diện 1.2, tức là “cha mẹ và học sinh có nhà ở hợp pháp, có sinh sống thực tế tại địa phương nhưng chưa được đăng ký hộ khẩu thường trú; cha mẹ và học sinh có nhà ở hợp pháp, có hộ khẩu tại địa phương nhưng nhà cho thuê và đang ở tại địa phương khác”.
Theo bà Thu, trong hồ sơ gửi lên UBND phường, phụ huynh của cháu P.X.B.K, ngoài hộ khẩu thường trú tại tổ 33 của phường, còn có kèm theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại địa chỉ 55/6 Nguyễn Chí Thanh, thuộc tổ dân phố 23, đúng tuyến tuyển sinh của Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ.
Trong đơn xin xác nhận gửi UBND phường Thạch Thang, anh Phạm Xuân Phương - Ba của cháu P.X.B.K trình bày, “vì điều kiện kinh tế gia đình nên tôi chưa dọn đến nhà tại địa chỉ trên. Tuy nhiên, trong năm nay gia đình tôi sẽ đến cư trú tại địa phương”.
Anh Phạm Xuân Phương cũng “xin phường xác nhận tôi có ở tại địa phương để cho con tôi được vào học tại Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ cùng tuyến”.
Với những giấy tờ như trên, UBND phường đã xác nhận cho cháu P.X.B.K nằm trong danh sách bổ sung, đủ điều kiện xem xét tuyển sinh năm học 2014 - 2015 chuyển cho trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ.
Tuy nhiên, xét trên hồ sơ, thì cháu P.X.B.K cũng không thuộc diện 1.2 vì chỉ mới có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chứ chưa có hộ khẩu thường trú hoặc thực ở tại địa phương, tức là chưa thỏa mãn 2 trong 3 điều kiện xem xét tuyển sinh.
Ông Lê Anh - Chủ tịch UBND quận Hải Châu - cho biết: Với những trường hợp như thế này, khi nào phụ huynh chuyển về sinh sống, chưa cần chuyển hộ khẩu, thì học sinh sẽ được chuyển trường theo đúng tuyến, “còn chưa đến ở thì không được xét tuyển” - ông Lê Anh nhấn mạnh.
Đáng ngạc nhiên hơn cả, là với việc sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả, phụ huynh của em P.X.B.K đã qua mặt được chính quyền cơ sở để nghiễm nhiên có được một suất học cho con tại Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ - vốn được siết chặt với những trường hợp có hộ khẩu nhưng không sinh sống thực tế tại địa phương.
Theo đó, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (thửa đất số 20, tờ bản đồ số 2, diện tích 94, hồ sơ gốc số 35151, bản cấp cho chủ sở hữu) do anh Phạm Xuân Phương cung cấp cho UBND phường Thạch Thang được ký vào ngày 19/7/2010, người ký là ông Hoàng Tuấn Anh - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng. Thế nhưng, trên thực tế, từ tháng 4/2006, ông Hoàng Tuấn Anh đã thôi giữ chức Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng để nhận nhiệm vụ Phó Cục trưởng Tổng cục du lịch.
Thời điểm tháng 7/2010, ông Hoàng Tuấn Anh đã là Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hồ sơ lưu trữ tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất của thành phố Đà Nẵng cũng không hề có số hồ sơ 35151.
Chúng tôi đã nhờ cán bộ phòng lưu trữ tìm theo tên của người sở hữu là ông Phạm Xuân Phương và bà Nguyễn Thị Thanh Thủy nhưng cũng không có. Trên thực tế, đường Nguyễn Chí Thanh cũng không hề có số nhà 55/6 mà chỉ có 55/1, 55/3, 55/5, 55/7, 55/9 và 55/11.
Giải thích về điều này, bà Nguyễn Thị Thu - Phó Chủ tịch UBND phường Thạch Thang - cho rằng, “do bản gốc giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất của anh Phạm Xuân Phương hiện đang được thế chấp tại ngân hàng nên UBND phường căn cứ vào bản pho - to có đóng dấu đỏ của Ngân hàng”.
Khi được hỏi, nhìn thời gian ký và thông tin người ký trong giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, bà không có chút băn khoăn nào hay sao khi mình là đại diện cho chính quyền cấp cơ sở, có đầy đủ thông tin về các đời chủ tịch, phó chủ tịch thành phố, sao lại “lờ” đi chi tiết này, bà Thu nhất định khẳng định là mình chỉ căn cứ vào “dấu đỏ của ngân hàng”.
Bà Thu cũng khẳng định là “hồ sơ chúng tôi lưu ở phường là bản pho - to chứ hồ sơ của cháu lưu ở trường là bản gốc, có dấu đỏ của ngân hàng”.
Trong khi đó, sáng 22/8, khi kiểm tra hồ sơ học sinh của cháu P.X.B.K tại Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà gia đình nộp cũng chỉ là bản pho - to.
Đáng nói hơn, trong đơn xin nhập học lớp Một của cháu P.X.B.K, phần thường trú của bố mẹ chỉ ghi phường Thạch Thang, để trông phần “tổ”, địa chỉ liên hệ khi cần thiết của học sinh cũng bỏ trống phần số nhà, đường, tổ dân phố.
Quanh co đổ trách nhiệm
Trong buổi làm việc với chúng tôi vào chiều 21/8, bà Nguyễn Thị Thu hết đá “quả bóng” trách nhiệm cho bộ phận tham mưu cho đến hội đồng xét duyệt của cấp quận cho đến cấp thành phố.
Lúc đầu, bà Thu cho rằng: “Tôi tin tưởng vào bộ phận tham mưu, mình không làm bên địa chính nên không biết được đây là giấy tờ giả”.
Khi chúng tôi hỏi bà đã đến địa chỉ 55/6 Nguyễn Chí Thanh để xác minh thực tế hay chưa, bà Thu cho biết, “đã gọi điện hỏi tổ dân phố thì tổ trưởng tổ dân phố xác nhận nhà này đang được sửa chữa”.
Đúng là ở số nhà 55 Nguyễn Chí Thanh có một căn nhà ở mặt tiền đang được xây dựng, nhưng chủ sở hữu không phải là ông Phạm Xuân Phương, và cũng không phải là 55/6.
Sau khi hết đổ trách nhiệm cho “bộ phận tham mưu”, “tổ dân phố”, bà Nguyễn Thị Thu lại giải thích là hồ sơ này đã được HĐND thành phố thông qua, mà cụ thể ở đây là bà Cao Thị Huyền Trân - Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội.
Thế nhưng, bà Trân cho biết, trong danh sách bổ sung do UBND phường Thạch Thang chuyển cho Ban Văn hóa - Xã hội thì cháu P.X.B.K thuộc diện xét tuyển số 1 nên không kiểm tra hồ sơ. Cho đến giữa tháng 8, khi có đơn thư phản ảnh, bà Trân mới yêu cầu UBND phường chuyển hồ sơ để kiểm tra.
Kể từ năm học 2013 - 2014, khi Đà Nẵng bắt đầu quyết liệt trong việc siết chặt tuyển sinh với một số trường trung tâm, trong đó có Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ thì việc chạy hộ khẩu đã không còn hiệu quả nữa.
Thế nhưng, để cho một em bé đi học lớp Một mà phải giả mạo cả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như thế này thì quả thực, không ai có thể hình dung được.
Được biết, chiều 22/8, Ban Văn hóa - Xã hội của Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã có kiến nghị với Chủ tịch HĐND có ý kiến chỉ đạo công an làm rõ vụ giả mạo giấy tờ trên. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về diễn tiến của vụ việc.