Trường tiên tiến, chất lượng cao: Cuộc đua mở trường

GD&TĐ - Để chất lượng giáo dục không ngừng nâng lên, nhiều địa phương đang nỗ lực xây dựng và phát triển trường trọng điểm, tiên tiến, chất lượng cao.

Học sinh Trường THCS Huỳnh Khương Ninh hào hứng trong giờ học trí tuệ nhân tạo. Ảnh: MA
Học sinh Trường THCS Huỳnh Khương Ninh hào hứng trong giờ học trí tuệ nhân tạo. Ảnh: MA

Ý thức rõ trọng trách, các trường đã sáng tạo, linh hoạt và củng cố, phát triển, thể hiện rõ nét qua kết quả dạy và học.

Phát triển mạnh mẽ

Từ năm 1996, Bộ GD&ĐT có chủ trương không tổ chức lớp chuyên ở cấp tiểu học và THCS. Một năm sau, các trường năng khiếu ở hai cấp học này bị xóa bỏ. Khoảng 10 năm gần đây, nhiều tỉnh thành trong cả nước như: Hà Nội, TPHCM, Bắc Giang, Nghệ An,… mở trường trọng điểm, tiên tiến, chất lượng cao. Các trường được đầu tư về giáo viên, cơ sở vật chất, sĩ số thấp hơn chuẩn, được tổ chức thi tuyển thay vì xét theo địa bàn cư trú.

Ngày 23/5, Sở GD&ĐT Hà Nội công bố danh sách 23 trường chất lượng cao. Trong đó, cấp mầm non và tiểu học nhiều nhất, lần lượt với 7 và 6 trường. Cấp THCS có 5 trường, đều là trường công lập tự chủ một phần, cấp THPT có 2 trường và 3 trường tư thục liên cấp. So với năm 2019, số trường chất lượng cao ở Hà Nội tăng 4 trường.

Theo Luật Thủ đô, Hà Nội có thể xây dựng trường chất lượng cao với các tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục. Mức trần học phí với trường công chất lượng cao hiện là 5.100.000 - 6.100.000 đồng/tháng, do HĐND quận, huyện quyết định với từng trường.

Trong khi đó, học phí trường công lập ở Hà Nội dao động 19.000 - 217.000 đồng/tháng tùy cấp học. Ngoài ra, trường THCS chất lượng cao được tuyển trái tuyến. Nếu số học sinh đăng ký vượt quá chỉ tiêu, trường có thể xét tuyển bằng học bạ, các giải thưởng hoặc kết hợp với kiểm tra đánh giá năng lực.

Tại TPHCM, mô hình trường tiên tiến, hội nhập quốc tế được địa phương triển khai từ năm học 2015 - 2016 với 3 trường THPT gồm Lê Quý Đôn, Nguyễn Hiền và Nguyễn Du. Sau đó, mô hình được TPHCM nhân rộng ra nhiều cấp học, ngày càng được nhiều phụ huynh tin tưởng lựa chọn.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT TPHCM, năm học 2023 - 2024, toàn thành phố có 59 cơ sở giáo dục thực hiện mô hình trường tiên tiến, hội nhập quốc tế, gồm: 26 trường mầm non, 18 trường tiểu học và 12 trường THCS, 3 trường THPT. Với mô hình này, 100% học sinh học 2 buổi/ngày, sĩ số tối đa ở mầm non là 30 trẻ/lớp, các cấp học khác tối đa 35 học sinh/lớp, cùng nhiều tiêu chí được UBND TPHCM quy định nhằm đảm bảo chất lượng giảng dạy của trường tiên tiến, hội nhập quốc tế.

Theo Nghị quyết 04/2023 của HĐND TPHCM, mức thu của trường tiên tiến hội nhập quốc tế tại TPHCM từ năm học 2023 - 2024 được điều chỉnh tối đa là 1.725.000 đồng/tháng, so với mức thu trước đây được UBND TPHCM quy định 1.500.000 đồng/tháng.

Để được tuyển vào trường chất lượng cao, tiên tiến, hội nhập quốc tế, học sinh phải đạt kết quả tốt ở tiểu học, khoảng 9 điểm mỗi môn trở lên. Đơn cử như tại Trường THCS - THPT Trần Đại Nghĩa, dù 2024 là năm đầu tiên tuyển sinh nhưng số lượng học sinh đăng ký để khảo năng lực rất cao (tỷ lệ chọi 1/12,28). Được biết, để đăng ký khảo sát vào ngôi trường này, học sinh phải có điểm bài kiểm tra định kỳ cuối năm lớp 5 của môn Tiếng Việt và Toán đạt từ 9 điểm trở lên…

cuoc dua mo truong 2.jpg
Học sinh tham gia khảo sát đánh giá năng lực vào lớp 6 Trường THCS - THPT Trần Đại Nghĩa (TPHCM). Ảnh: MA.

Nỗ lực nâng cao chất lượng

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, trong chiến lược phát triển giáo dục TPHCM từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, UBND TPHCM đặt ra mục tiêu đến năm 2030, mỗi quận, huyện, TP Thủ Đức có ít nhất 2 trường ở mỗi cấp thực hiện chương trình chất lượng cao, trường tiên tiến, hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, TPHCM có ít nhất 10 trường THPT, THPT chuyên với điều kiện cơ sở vật chất hiện đại, chất lượng dạy học đạt các tiêu chí trường chất lượng cao, tiên tiến, hội nhập quốc tế. Thành phố cũng đặt mục tiêu xây dựng mới 4 trường phổ thông nhiều cấp học chất lượng cao tại khu vực TP Thủ Đức, 2 trường ở huyện Bình Chánh và Củ Chi, đảm bảo diện tích tối thiểu 5 ha/trường.

Năm học 2024 - 2025, nhiều địa phương TPHCM có thêm trường học mới thực hiện theo mô hình trường tiên tiến, hội nhập quốc tế, hướng tới nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục trên địa bàn. Đơn cử như tại quận Gò Vấp, năm học tới có thêm 2 trường thực hiện mô hình trường tiên tiến hội nhập quốc tế gồm: Mầm non Mai Vàng và THCS Phan Văn Trị.

Trước đó, Trường Tiểu học Lê Đức Thọ trên địa bàn quận đã thực hiện mô hình này. Tương tự các quận Phú Nhuận, Tân Bình, Quận 5, Quận 6 và TP Thủ Đức cũng đưa thêm nhiều trường thực hiện theo mô hình trường tiên tiến, hội nhập quốc tế. Riêng ở bậc THPT, từ năm học 2024 - 2025, Trường Trung học Thực hành thuộc Đại học Sư phạm TPHCM thực hiện theo mô hình này.

Ông Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, với các trường tiên tiến, hội nhập quốc tế, Sở GD&ĐT TPHCM cho phép giảng dạy một số môn bằng tiếng Anh, kết hợp với giáo trình nước ngoài. Việc này nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh và xã hội, tiếp cận xu hướng phát triển giáo dục trong khu vực và quốc tế.

“Trường chất lượng cao, tiên tiến, hội nhập quốc tế là nơi ứng dụng các phương pháp dạy học, những điểm mới trong giáo dục, từ đó nhân rộng qua hoạt động trao đổi chuyên môn; phát hiện và bồi dưỡng học sinh năng khiếu. Triển khai mô hình này góp phần đổi mới cách dạy, tạo điều kiện để giáo viên thay đổi phương pháp dạy, học sinh phát triển các kỹ năng”, ông Ngai nói.

Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (Quận 1, TPHCM) triển khai mô hình trường tiên tiến và hội nhập quốc tế từ cuối năm 2018. Chia sẻ của thầy Hiệu trưởng Cao Đức Khoa, mô hình đã góp phần đổi mới cách dạy, tạo điều kiện để giáo viên thay đổi phương pháp dạy, học sinh phát triển các kỹ năng.

Để chất lượng giáo dục không ngừng nâng lên và tạo sự khác biệt với các trường công lập trên địa bàn, chương trình nhà trường không ngừng được rà soát, chỉnh sửa, bổ sung để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong giáo dục như: Lập trình Robot, Toán tư duy, các chương trình tiếng Anh quốc tế...

Tại Long An, đầu năm học 2023 - 2004, Trường THPT Nguyễn Trung Trực (huyện Bến Lức) có tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng, theo mô hình chất lượng cao được đưa vào hoạt động. Thầy Đàm Quang Tuyến - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Công trình mới, hiện đại sẽ giúp phát huy tiềm năng và thế mạnh về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học hiện có. Chúng tôi đặt mục tiêu xây dựng Trường THPT Nguyễn Trung Trực đạt chuẩn quốc gia, trở thành một trong những trường trọng điểm về chất lượng giáo dục của tỉnh”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.