Trường tiên tiến, chất lượng cao: Áp lực ôn luyện

GD&TĐ - Nhiều gia đình không ngại cho trẻ ôn luyện để vượt qua kỳ thi đánh giá đầu vào trường chất lượng cao mà bỏ quên những áp lực trẻ phải gánh...

Cô Trần Kim Anh - Trường Tiểu học và THCS Tây Hà Nội (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cùng học trò. Ảnh: NVCC
Cô Trần Kim Anh - Trường Tiểu học và THCS Tây Hà Nội (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cùng học trò. Ảnh: NVCC

Học ngày, học đêm

Em Nguyễn An Bình - học sinh lớp 7 (quận Long Biên, Hà Nội) được bố mẹ định hướng thi vào trường chất lượng cao khi học lớp 3. Từ đó, An Bình phải dành phần lớn thời gian để học thêm tiếng Anh, Toán và tiếng Việt. An Bình chia sẻ: “Mỗi tuần, em học thêm 6 buổi tối. Ngoài hoàn thành bài tập ở lớp, em phải làm bài do thầy cô ở lớp học thêm để duy trì điểm tổng kết từ 8 trở lên. Em gần như không có thời gian chơi môn thể thao yêu thích”.

Những tưởng vượt qua kỳ thi đánh giá đầu vào, đỗ vào trường học như ý, An Bình sẽ đỡ áp lực nhưng cuộc đua dường như mới bắt đầu. “Ở môi trường chất lượng cao, đầu vào tuyển chọn kỹ, các bạn đều được định hướng mục tiêu dài hạn, lo học ngày, đêm. Nhiều lúc thấy tốc độ làm bài, phản ứng bài học mới của các bạn rất nhanh, em bị ngợp và buộc phải học vì sợ không theo kịp”, An Bình tâm sự

Với mong muốn con được học tại trường THCS chất lượng cao, thời điểm con trai học lớp 3, gia đình chị Phạm Minh Thư (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã định hướng lên THCS thi vào cấp THCS thuộc Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (Hà Nội) hoặc Trường THCS chất lượng cao Thanh Xuân (Hà Nội). Nhằm thực hiện ước mơ này, chị tham khảo phụ huynh đi trước về cách học, tìm thầy cô giỏi. Không chỉ dành thời gian, công sức, chị Thư cũng không tiếc tiền cho con học thêm những thầy cô mà chị được “mách” là tốt.

Chị Thư chia sẻ: “Con học khá, thầy cô trên lớp đánh giá có nhiều cơ hội trúng tuyển lớp 6 chất lượng cao nên gia đình chấp nhận đầu tư. Ngoài thời gian học trên lớp, buổi tối và những ngày cuối tuần con học thêm kín lịch. Mùa Hè, con chỉ nghỉ một tuần, sau đó tiếp tục học thêm kiến thức và các kỹ năng khác”.

Còn chị Lành Thị Thanh Huyền (Tuyên Quang) và gia đình mong muốn con học trường chất lượng cao để tiếp xúc với chương trình ngoại ngữ tốt. Để đánh giá được năng lực, chị Huyền cho con trải nghiệm tại trường dự định theo học để cảm nhận có mong muốn học hay không và tự đưa ra quyết định cuối cùng.

“Nếu con thích, gia đình sẽ nghiên cứu cách đánh giá đầu vào của trường; định hướng trong học tập, động viên con nỗ lực hết sức… chứ không yêu cầu nhất thiết phải đỗ trường chất lượng cao. Tôi muốn con có tuổi thơ và những năm tháng học trò vui vẻ thay vì áp lực chạy đua cùng bạn bè”, chị Thanh Huyền chia sẻ.

ap luc on luyen (2).jpeg
Chuẩn bị thi vào trường chất lượng cao, dù đang nghỉ hè nhưng học sinh vẫn đều đặn học bài và đi học thêm. Ảnh minh hoạ: TG

Không tạo áp lực

Theo cô Trần Kim Anh - Trường Tiểu học và THCS Tây Hà Nội (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), bất kỳ phụ huynh nào cũng đều kỳ vọng con em có môi trường học tập tốt, phát triển toàn diện. Do đó bố mẹ thường ưu tiên lựa chọn trường chất lượng cao. Hiện những trường chất lượng cao ở các thành phố lớn đều có tỷ lệ chọi lớn, quá trình lựa chọn đầu vào gắt gao. Bởi vậy để vượt qua kỳ thi đánh giá đầu vào, quá trình ôn luyện của học sinh rất vất vả, phải hoàn thành nhiều bài tập, dự án từ các môn học khác nhau.

“Các em ít có thời gian tham gia hoạt động giải trí, thể thao hoặc mục tiêu cá nhân khác. Nhiều em không đủ thời gian nghỉ ngơi dẫn đến tình trạng mệt mỏi và căng thẳng”, cô Kim Anh nói và cho rằng, phụ huynh nên hiểu rõ năng lực, không nên đặt kỳ vọng vượt quá khả năng của trẻ. Mỗi học sinh đều có năng lực và sở thích riêng, cần tôn trọng, khuyến khích sự phát triển theo đúng tiềm năng.

Đồng thời, cha mẹ hãy tạo động lực học tập bằng cách khuyến khích, động viên thay vì ép buộc. Ngoài việc học, đảm bảo trẻ có đủ thời gian nghỉ ngơi, vui chơi và tham gia hoạt động giải trí; lắng nghe và chia sẻ để hiểu các em hơn. Quá trình học tập, phụ huynh hãy cùng lập kế hoạch từng ngày, tuần, quản lý thời gian học và nghỉ ngơi hợp lý; dạy trẻ cách tự học. “Nếu hiểu được năng lực, sở trường và mong muốn của trẻ thì dù ở môi trường học tập nào khi có sự đồng hành của nhà trường, thầy cô và gia đình, các em sẽ phát triển được năng lực”, cô Kim Anh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, cô Phạm Hương Giang - Trường Tiểu học Thành Công A (quận Ba Đình, Hà Nội) cho rằng, áp lực học tập là tình trạng học sinh ở cấp học nào cũng phải đối mặt trên hành trình lớn lên. Tuy nhiên, nếu thường xuyên chịu áp lực sẽ khiến học sinh mệt mỏi, chán nản và gây hiệu ứng ngược.

Nhiều năm giảng dạy, cô Giang nhận thấy, một trong những áp lực lớn nhất học sinh phải đối mặt chính là sự kỳ vọng của gia đình. Phụ huynh nào cũng mong con em đạt thành tích cao để có cơ hội tốt hơn cho tương lai, điều này không sai. Tuy nhiên, nhiều gia đình ép trẻ học không ngừng, luôn giám sát, theo dõi, nhắc nhở; phải tham gia các lớp học thêm, năng khiếu, không còn thời gian nghỉ ngơi thư giãn. Khi các em không đạt thành tích mong đợi, phụ huynh la mắng, sử dụng lời nói xúc phạm… là những ám ảnh khó quên trên hành trình học tập.

Theo cô Giang, áp lực trong học tập tưởng chừng đơn giản vì thời học sinh ai cũng có thể gặp phải. Tuy nhiên, áp lực liên tục trong thời gian dài nếu không sớm kiểm soát có thể dẫn đến tác hại nguy hiểm. Hậu quả của áp lực học tập không chỉ ảnh hưởng đến bản thân trẻ còn có tác động đến gia đình và các mối quan hệ xã hội.

“Trên thực tế đã có những vụ việc thương tâm xảy ra với học sinh bị áp lực học tập kéo dài mà không được đồng cảm, sẻ chia. Vì vậy phụ huynh nên quan tâm, thấu hiểu những hệ lụy áp lực trong học tập để kịp thời hỗ trợ, hạn chế tối đa hậu quả xấu gây ra với trẻ”, cô Giang nói.

Lựa chọn trường chất lượng cao cho trẻ theo học với mong muốn mở ra cơ hội thành công trong tương lai là mục tiêu chính đáng của phụ huynh. Tuy nhiên, chúng ta đừng kỳ vọng các em phải học trường chuyên, lớp chọn và đặt áp lực về thành tích. Hãy thẳng thắn nhìn nhận năng lực để lựa chọn môi trường học tập phù hợp, từ đó giúp trẻ phát huy được tiềm năng bản thân”, cô Phạm Hương Giang - Trường Tiểu học Thành Công A (quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.