(GD&TĐ) - Đào tạo giáo viên là một trong những hoạt động đào tạo nghề giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển giáo dục. Để đào tạo giáo viên có hiệu quả, ngoài cung cấp tri thức lý thuyết, việc cung cấp các kỹ năng dạy học và giáo dục thực tiễn là không thể thiếu. Và để rèn luyện các kỹ năng này, cần có một nơi cho sinh viên thể nghiệm, tập dượt, đó là trường thực hành.
Nơi sinh viên sư phạm rèn nghề
Trường thực hành sư phạm tạo môi trường cho sinh viên rèn nghề, tiếp nhận những đổi mới của giáo dục đang diễn ra thường xuyên ở các cấp học, bậc học. Trong những năm qua, đào tạo nghiệp vụ cho sinh viên sư phạm đã được quan tâm nhiều hơn, như cho sinh viên rèn nghiệp vụ sư phạm thường xuyên, tham gia các hoạt động thực hành thực tế, các cuộc thi nghiệp vụ sư phạm cấp khoa, cấp trường. Thông qua những hoạt động đó, kỹ năng nghề của sinh viên được hình thành và nâng lên.
Tuy nhiên, nhận thức và những hoạt động thực tiễn để phát triển mô hình trường thực hành ở không ít địa phương vẫn còn hạn chế. Có địa phương, mô hình trường thực hành khá thành công, thu hút được sự quan tâm của cả người dạy lẫn người học. Nhưng cũng có trường cảm thấy lúng túng khi triển khai các hoạt động trong thực tế...
SV sư phạm cần có môi trường để rèn luyện chuyên môn, nghiệp vụ |
Nếu xác định trường sư phạm là nơi đào tạo nghề cho sinh viên trở thành giáo viên ở các cấp học thì trường thực hành nghề sư phạm phải là nơi rèn nghề, thực hành nghề. Và đã là hoạt động rèn nghề thì phải xác lập quy trình đào tạo và các thao tác gắn với công tác nâng cao tay nghề. Đã là trường thực hành nghề thì đó phải là trường chuẩn để sinh viên học nghề: chuẩn về đội ngũ giáo viên, chuẩn về cơ sở vật chất và các điều kiện khác. Tuy nhiên, điều này cũng gặp khó khăn vì đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất do các địa phương quản lý và đầu tư. Vấn đề đặt ra là làm thế nào có cơ chế phối hợp để trường thực hành hoạt động có hiệu quả trong việc rèn nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên?
Những kỹ năng năng sư phạm của sinh viên không thể hình thành tự phát và không phải sinh ra đã có, mà cần phải được rèn luyện thường xuyên, lâu dài. Những kỹ năng tưởng chừng như đơn giản như viết vẽ bảng, thuyết trình, kỹ năng sử dụng các dụng cụ và đồ dùng dạy học, không chỉ trông cậy vào năng khiếu người học. Muốn làm được thì phải học, phải thực hành. Cũng phải nói thêm rằng, trước khi đi thực tập, sinh viên chưa hiểu gì nhiều về thực tế cấp học nơi mà sau này mình phải tham gia giảng dạy. Do đó, nếu như có trường thực hành để sinh viên quan sát và học tập những kỹ năng nghề thường xuyên thì hiệu quả sẽ cao hơn nhiều.
Trường thực hành có chất lượng, phải có nhiều giáo viên dạy giỏi, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, học sinh có nề nếp học tập tốt. Đây không chỉ là hình mẫu lý tưởng cho sinh viên thực hành thường xuyên, kiến tập và thực tập, mà còn là điều kiện cho sinh viên tôi luyện tay nghề. Đây còn là những hình ảnh đầy tính thuyết phục, có khả năng giáo dục các phẩm chất nghề nghiệp cho sinh viên như lòng yêu nghề, yêu trẻ, tính nghiêm túc, cẩn thận, tính khoa học...
Thực tế, tất cả các trường đào tạo nghề đều có cơ sở thực hành thường xuyên. Các trường kỹ thuật có xưởng trường, vườn trường, trường y có bệnh viện... Vì thế, trường sư phạm có trường thực hành cho sinh viên là rất cần thiết. Đó là còn bởi trường sư phạm phải luôn gắn bó mật thiết với các trường phổ thông, mầm non. Nếu không, quá trình đào tạo ở trường sư phạm sẽ trở nên lạc hậu, xa rời với thực tế, sinh viên ra trường sẽ không đáp ứng được đòi hỏi thực tế đặt ra.
Cần nâng cao hiệu quả hoạt động thực hành sư phạm của sinh viên
Thực trạng hiện nay cho thấy, tại không ít trường sư phạm, những giờ dạy phương pháp chủ yếu biến thành những giờ dạy lý thuyết hàn lâm, chưa có quy trình rèn nghề bài bản. Những tiết dạy có thực hành về quan sát đối tượng học sinh thì lại chủ yếu cho sinh viên tự nghiên cứu, chưa có sự hướng dẫn của thầy. Sau đó, thầy cũng không biết kết quả sinh viên nộp cho mình đã phải là kết quả thực không. Do vậy, để hình thành kỹ năng nghề cho sinh viên sư phạm, thiết nghĩ các trường sư phạm cần tổ chức, quản lý nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thực hành sư phạm cho học sinh sinh viên. Các trường chú ý xây dựng kế hoạch thực hành sư phạm, đảm bảo chương trình khung, chú trọng xây dựng kế hoạch rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho toàn khóa, từng năm học, từng học kì, từng tháng, từng tuần ngay từ đầu khóa đào tạo với yêu cầu cụ thể về trình độ, kĩ năng cơ bản, trọng tâm đối với giai đoạn cụ thể.
Sinh viên Trường CĐSP Hà Nội II |
Bên cạnh đó, cần xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách về nghiệp vụ sư phạm cho cấp trường, cấp khoa để theo dõi, tổ chức, làm tham mưu cho lãnh đạo nhà trường về công tác rèn luyện nghiệp vụ trên phạm vi toàn trường và của từng khoa.
Để nâng cao chất lượng đào tạo, các trường sư phạm cũng cần xây dựng qui trình đánh giá kết quả rèn luyện nghiệp vụ một cách rõ ràng, công bằng, công khai và đưa kết quả thực hành sư phạm vào điểm trung bình chung học tập.
Trường sư phạm cần có kế hoạch đề nghị hỗ trợ cơ sở vật chất cho các trường thực hành, bồi dưỡng đội ngũ nâng cao trình độ cho giáo viên trường thực hành, có chế độ, kinh phí bồi dưỡng phù hợp để động viên giáo viên hướng dẫn, chỉ đạo của trường thực hành.
Mặt khác, cần thường xuyên tổ chức các hội nghị tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm trong công tác đào tạo nghiệp vụ sư phạm của các trường thực hành.
Còn đối với các trường được lựa chọn làm cơ sở thực hành sư phạm, nên lựa chọn giáo viên dạy giỏi, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, học sinh có nề nếp học tập tốt. Đây không chỉ là hình mẫu lý tưởng cho sinh viên kiến tập và thực tập, mà còn là điều kiện cho sinh viên tôi luyện tay nghề. Thực tế ở các trường thực hành cũng là những hình ảnh đầy tính thuyết phục, có khả năng giáo dục các phẩm chất nghề nghiệp cho sinh viên như lòng yêu nghề, yêu trẻ, tính nghiêm túc, cẩn thận, tính khoa học...
Trường thực hành sư phạm có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với trường sư phạm tổ chức, hướng dẫn, nhận xét, đánh giá, rút kinh nghiệm các hoạt động thực hành của giáo sinh. Giáo viên của trường thực hành tham gia bồi dưỡng giáo viên của trường sư phạm về công tác nghiệp vụ.
Có thể khẳng định rằng: Trường thực hành là phương tiện, công cụ góp phần tạo nên chất lượng dạy nghề cho sinh viên sư phạm, nơi đào tạo cho đội ngũ giảng viên dạy phương pháp nghiệp vụ sư phạm và giảng viên dạy khoa học cơ bản.
Chính vì vậy, các trường sư phạm cần xây dựng mối quan hệ chặt chẽ, khăng khít với các trường phổ thông, mầm non, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên xuống các trường thực hành, kiến tập, thường xuyên tiếp xúc với các công việc giáo viên ở trường phổ thông, mầm non và tiếp xúc với học sinh. Và hiệu quả đào tạo ở các trường sư phạm sẽ còn cao hơn nhiều nếu các trường sư phạm xây dựng được hệ thống các trường thực hành, thực tập đạt chuẩn cần thiết, tạo môi trường thuận lợi cho sinh viên thực hành nghề.
Nếu xác định trường sư phạm là nơi đào tạo nghề cho sinh viên trở thành giáo viên ở các cấp học thì trường thực hành nghề sư phạm phải là nơi rèn nghề, thực hành nghề. Và đã là hoạt động rèn nghề thì phải xác lập quy trình đào tạo và các thao tác gắn với công tác nâng cao tay nghề. Đã là trường thực hành nghề thì đó phải là trường chuẩn để sinh viên học nghề: chuẩn về đội ngũ giáo viên, chuẩn về cơ sở vật chất và các điều kiện khác. |
Hoàng Văn Thái
(Văn phòng UBND tỉnh Bắc Ninh)