Từ mái trường này, biết bao học trò đã trưởng thành và giữ những chức vụ trọng yếu của huyện, của tỉnh, của quốc gia. Đó là phần thưởng lớn nhất, vinh dự nhất cho các thầy cô và cho ngôi trường THPT Yên Dũng số 2.
Những tháng năm gian khó buổi đầu thành lập
Yên Dũng là một vùng đất cổ có bề dày lịch sử văn hoá và truyền thống khoa bảng. Nơi đây tự hào là một miền quê hiếu học, từ xưa đã sinh ra và đào tạo cho đất nước nhiều hiền tài mà điển hình là hai cha con tiến sĩ Đào Toàn Mân và Trạng nguyên Đào Sư Tích (xã Song Khê), có chốn tổ Vĩnh Nghiêm (xã Trí Yên) của thiền phái Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông sáng lập từ thế kỷ XIII, chùa được coi là trường Đại học Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam.
Trước năm 1972, trên địa bàn huyện Yên Dũng chỉ có một trường cấp ba được xây dựng ở bờ Nam sông Thương. Con em của 8 xã khu Đông Bắc của huyện hàng ngày đi học phải đi đò qua sông và trải qua rất nhiều khó khăn.
Trước thực tế đó, ngày 18 tháng 9 năm 1972, Phó chủ tịch ủy ban hành chính tỉnh Hà Bắc đã ký quyết định thành lập trường phổ thông cấp 3 Tân An (tiền thân của trường THPT Yên Dũng số 2 ngày nay).
Trường THPT Yên Dũng số 2 đã ra đời từ đó, vào giữa những năm tháng ác liệt của cuộc chiến tranh chống Mĩ cứu nước, giặc điên cuồng ném bom miền Bắc, nên vừa mới chào đời, trường đã phải sơ tán về khu rừng Chuông thuộc thôn Trung xã Tân An (nay là thị trấn Tân Dân).
Ngôi trường thủa sơ khai ấy tuy chẳng hề có một bức hình lưu lại, nhưng vẫn rõ mồn một trong kí ức của những người thầy đầu tiên.
Ngày mới thành lập trường có 4 lớp tổng số 197 học sinh |
Thầy hiệu trưởng Vũ Đức Dục bồi hồi nhớ lại và kể rất chính xác tỉ mỉ: “Ngày mới thành lập trường có 4 lớp tổng số 197 học sinh trong đó có 2 lớp 8 với 115 học sinh; 01 lớp 9 với 48 học sinh tách từ trường Yên Dũng số 1; 01 lớp 8 của trường cấp 3 Ngô Sỹ Liên chuyển về. Lúc đó, cơ sở vật chất của nhà trường hầu như chưa có gì.
Nhiệm vụ trước mắt của thầy và trò nhà trường là trong hai tháng phải xây xong lớp học. Thầy và trò khẩn trương bắt tay vào công việc xây dựng trường.
Những ngày đó giặc Mĩ điên cuồng ném bom miền Bắc, để đảm bảo an toàn mỗi lớp học được xây như một chiếc hầm tránh bom. Mỗi hầm có 2 lối thoát hiểm ra hệ thống giao thông hào, hầm tránh bom được đào xung quanh lớp học.
Được sự giúp đỡ của chính quyền, nhân dân và phụ huynh học sinh, sau 2 tháng lao động vất vả thầy trò nhà trường đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đã xây dựng được 4 phòng học, 1 phòng ở cho thầy cô. Ngày 15 tháng 9 năm 1972, toàn thể 16 thầy cô, nhân viên nhà trường cùng 197 học sinh hân hoan đón chào ngày khai giảng đầu tiên trên ngôi trường mới – trường cấp 3 Tân An”.
Giữa rừng Chuông, ngôi trường đơn sơ vẫn đều đặn tiếng trống vang lên mỗi buổi, học trò vẫn đội mũ rơm ngồi trong lớp và dù vừa học vừa tránh bom, nhiệm vụ của thầy trò vẫn hoàn thành trên tinh thần: giặc ném bom cứ ném, ta ngồi học cứ học.
Được sự giúp đỡ của chính quyền, nhân dân, phụ huynh học sinh, sau 2 tháng lao động vất vả thầy trò nhà trường đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đã xây dựng được 4 phòng học, 1 phòng ở cho thầy cô. |
Khi giặc Mĩ thôi bắn phá miền Bắc, trường chính thức trở về nơi được đặt cơ sở theo quyết định thành lập, là địa điểm bây giờ. Đầu 1973, nhà trường đã xây dựng được 7 phòng học, một nhà văn phòng.
Phòng học được quây kín bằng tường đất, lợp mái rơm. Cơ sở vật chất, số phòng học tạm đáp ứng được nhu cầu học tập của 7 lớp học: 4 lớp 8; 2 lớp 9 và 1 lớp 10. Trường dần ổn định, chất lượng dạy và học từng bước được đảm bảo. Trong kì thi học sinh giỏi cấp tỉnh đầu tiên mà trường tham gia, trường đã đoạt một giải nhì môn Văn.
Sau năm 1975, đất nước thống nhất, trường vẫn nghèo khi đất nước rất nghèo. Hậu quả chiến tranh còn nặng nề chưa khắc phục xong, lại phải lo thêm cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc. Người cầm bút phải sống cả tinh thần người cầm súng.
Nhiệm vụ xây dựng đất nước đặt nặng lên đôi vai của những người thầy phải đào tạo nên con người mới, và những người trò phải kiến thiết tương lai. Ý thức rõ sứ mệnh đó, thầy kiên trì khoai sắn thay cơm vẫn đủ năng lượng nhiệt huyết trong từng bài dạy, trò vượt khó, áo vá chân đất đến trường vẫn hớn hở tươi cười trong những tiết học vui.
Là thầy hiệu trưởng đầu tiên, thầy Vũ Đức Dục - lấy tâm đức mà giáo dục học trò, thầy Nguyễn Văn Bích, Thầy Ngô Quang Ấm, những hiệu trưởng không quản ngại chia sẻ những gian khó buổi đầu. Là các thầy cô giảng dạy: thầy Lê Quốc Khánh, cô Phạm Phương Nga, cô Nguyệt yêu nghề thương trò…
Và những quả đầu mùa của những người gieo trồng ấy là: Đại tá - Giáo sư - tiến sĩ - Hướng Xuân Thạch; Nhà giáo Ưu tú - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang - Nguyễn Đức Hiền; Thiếu tướng tư lệnh quân khu I - Ngô Minh Tiến; Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng - Trần Văn Dũng…, và còn biết bao những học trò thủa ban đầu ấy không nhớ hết tên tuổi trưởng thành từ ngôi trường này đã và đang cống hiến cho quê hương, đất nước.
Trường THPT Yên Dũng số 2 đã ra đời và lớn lên trong gian khó, gắn số phận mình cùng số phận của dân tộc, thực hiện yêu cầu của giáo dục nước nhà: vì lợi ích trăm năm, phải trồng người.
Hoàn thành nhiệm vụ của giai đoạn khởi đầu chủ yếu dựa trên tình yêu nghề yêu người và ý chí vượt khó kiên cường của thế hệ thầy trò tiên phong, mở đường. Đó là nền móng vững chắc cho sự vươn cao của ngôi trường trong những giai đoạn sau.
Hội đồng giáo dục nhà trường tháng 4/1985 |
Vươn mình trở thành ngôi trường của uy tín và chất lượng
Vượt qua thử thách của thời kì đổi mới và những khủng hoảng kinh tế của thập niên 80-90, nhà trường vẫn giữ vững truyền thống dạy và học, được nhân dân trong huyện tin cậy, được ghi nhận với rất nhiều bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh Hà Bắc trong nhiều năm liên tục.
Cũng trong đoạn này, nhiều học sinh ưu tú của trường có mặt trong các kì thi cấp Tỉnh, cấp Quốc gia và đạt giải cao.
Hàng nghìn học sinh đã trưởng thành và trở thành những công dân ưu tú, giữ những chức vụ quan trọng trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, chính trị, quân sự, tiêu biểu như: anh Ngô Chí Vinh, học sinh khóa 1983 - 1986, hiện là Phó Giám đốc sở Khoa Học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang; anh Phan Thế Tuấn, học sinh khóa 1985 - 1988, hiện là Phó bí thư thường trực huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Yên Dũng; anh Phạm Văn Tác, học sinh khóa 1986 - 1989, hiện là Phó Tổng giám đốc Tổng công ty nhựa Việt Nam..., cùng rất nhiều những học sinh ưu tú khác đã góp phần không nhỏ trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước và làm rạng danh cho ngôi trường THPT Yên Dũng số 2.
Sự thành công đó có được là nhờ tâm huyết của các thế hệ nhà giáo đã không ngại khó khăn, gian khổ, thiếu thốn để dìu dắt, dạy dỗ, truyền cảm hứng cho học sinh qua từng bài giảng, nhờ vào sự lãnh đạo sáng suốt của chi bộ, Ban giám hiệu nhà trường qua từng thời kì, tiêu biểu như thầy Ngô Quang Ấm, thầy Vũ Tuấn Ổn, thầy Hà Văn Thân... cùng rất nhiều các thầy cô khác.
Tính đến nay, nhà trường đã trải qua một chặng đường phát triển 45 năm, đã thực sự vươn mình lớn mạnh để vừa khẳng định vị thế của một ngôi trường giàu truyền thống vừa nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh nhà.
Từ 4 lớp học với 197 học sinh ngày đầu thành lập, hiện nay nhà trường đã phát triển lên đến 36 lớp học với hơn 1.500 học sinh. Từ 16 thầy cô của buổi đầu, hiện nay đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lí đã lên đến 92 người, nhiều thầy cô đạt trình độ thạc sĩ.
Từ con số nhỏ nhoi, khiêm tốn là 7 phòng học tạm chỉ có tranh, tre, nứa, lá, hiện nay nhà trường đã có 24 phòng học kiên cố, các phòng điều hành, phòng chức năng được trang bị khá tiện nghi. Cảnh quan, môi trường sư phạm nhà trường ngày một đáp ứng yêu cầu Xanh - Sạch - Đẹp.
Từ chỗ chỉ có ba đảng viên, hiện nay Chi bộ nhà trường đã phát triển lớn mạnh, với 48 đảng viên và liên tục trong nhiều năm đạt danh hiệu Chi bộ đảng trong sạch, vững mạnh.
Từ chỗ Công đoàn nhà trường còn mỏng về lực lượng, hiện nay đã thu hút đông đảo cán bộ giáo viên tham gia; Công đoàn nhà trường đã có nhiều hoạt động tích cực chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ giáo viên, được cấp trên ghi nhận và tặng nhiều bằng khen, giấy khen.
Trường THPT Yên Dũng số 2 đã ra đời và lớn lên trong gian khó, gắn số phận mình cùng số phận của dân tộc, thực hiện yêu cầu của giáo dục nước nhà |
Từ chỗ Đoàn thanh niên chủ yếu là giáo viên, hiện nay tổ chức Đoàn trong trường THPT Yên Dũng số 2 đã thực sự là một tổ chức hùng hậu với số lượng trên 1000 đoàn viên và hàng trăm thanh niên. Đoàn thanh niên đã tạo nên những phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp trong các thế hệ học sinh, từ việc học tập cho đến các hoạt động xã hội, từ thiện.
Nhà trường luôn lấy việc phát triển toàn diện cho học sinh làm phương châm giáo dục hàng đầu, vừa chú trọng đến việc nâng cao chất lượng văn hóa, vừa chú trọng phát triển kĩ năng sống cho học sinh và đưa các em hòa nhập vào sự thay đổi nhanh chóng của xã hội.
Chính vì thế, chất lượng văn hóa ngày càng được nâng cao, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp ra trường những năm gần đây luôn đạt trên 95%; tỉ lệ học sinh đỗ đại học, cao đẳng ngày một tăng; chất lượng giáo dục mũi nhọn được giữ ổn định, đứng trong tốp các trường THPT số 1 của tỉnh; các phong trào văn nghệ, thể thao của trường luôn được chú trọng và đạt thành tích cao.
Trường THPT Yên Dũng số 2 nhiều năm được tặng nhiều giấy khen, bằng khen của tỉnh và Sở GD&ĐT, được tặng những phần thưởng cao quý |
45 năm, nhìn lại chặng đường đầy gian nan và thử thách mà thầy và trò trường THPT Yên Dũng số 2 đã vượt qua, chúng ta thật tự hào vì những cố gắng không mệt mỏi của bao thế hệ thầy cô giáo đã nhiệt tình cống hiến cho sự nghiệp chung.
Cũng thật tự hào vì những thành tích học tập của bao thế hệ học trò đã dệt nên truyền thống cho ngôi trường. Để giờ đây, trường THPT Yên Dũng số 2 đã thực sự là một ngôi trường có bề dày truyền thống, có uy tín với nhân dân trong huyện, trong tỉnh.