Với những đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ và nhân dân xã nhà đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng LLVT Nhân dân trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Tuy nhiên do hoàn cảnh của đất nước và điều kiện của địa phương, nên đến những năm 60 của thế kỷ trước, con em xã Giao Phong vẫn còn phải lăn lội đường sá, dãi dầu mưa nắng sang tận các xã lân cận như Giao Thịnh, Quất Lâm, Giao Yến… để theo học Cấp 2, nay là Trung học cơ sở (THCS). Một ngôi trường Cấp 2 ngay tại xã nhà cho con em quê hương học hành thuận lợi là nguyện vọng tha thiết của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Giao Phong. Và vào tháng 9 năm 1969, ước mơ ấy đã được thực hiện.
Học sinh Trường THCS Giao Phong vui chơi trước giờ chào cờ đầu tuần |
Buổi đầu, Trường Cấp 2 Giao Phong - nay là Trường THCS Giao Phong - được thành lập tại xóm Lâm Hồ, giữa bốn bề cát trắng, cây cỏ dại um tùm, với khoảng 150 học sinh do thầy Nguyễn Văn Mạnh, quê ở Ý Yên làm hiệu trưởng. Cái buổi ban đầu khai sinh ấy, trường học chỉ là dãy nhà làm bằng tranh, tre; vách được đắp đất trộn rơm, ngăn chia thành 4 phòng học. Bảng đen và bàn ghế được làm từ gỗ cây đa đầu làng hạ xuống. Liền kề bên các lớp học là hệ thống giao thông hào, hầm chữ A... chứng tích cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất bằng không quân của đế quốc Mỹ.
Ngày ấy, học sinh đến trường đôi khi không có bữa sáng, nhiều người phải đi chân đất, sách giáo khoa chung nhau mấy người một bộ, ngồi học phải sẵn sàng chạy xuống hầm ẩn nấp máy bay… Các thầy cô giáo cũng ăn đói, mặc vá, đi dép lốp, đội mũ rơm, xe đạp cà tàng, ở nhờ nhà dân, soạn bài dưới ánh đèn phòng không ám muội...
Tuy khó khăn chồng chất nhưng bằng tình thương yêu trách nhiệm với sự nghiệp “trồng người”, thầy cô nhà trường vừa dạy học vừa trực tiếp lao động góp sức xây dựng trường, lớp. Không phụ tấm lòng của thầy cô, cha mẹ và lãnh đạo địa phương, học sinh các lớp ra sức học tập rèn luyện, vượt khó vượt khổ để phấn đấu trở thành những con ngoan, trò giỏi. Kết thúc năm học đầu tiên, toàn trường không có học sinh bỏ học giữa chừng.
Ngôi trường THCS Giao Phong, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định hôm nay |
Những năm tiếp theo, chất lượng dạy và học của trường ngày mỗi nâng cao, đạt nhiều thành tích phấn khởi, nhiều năm liên tục tỷ lệ tốt nghiệp đạt 100%. Đặc biệt, Đội tuyển học sinh giỏi Văn của trường luôn giành vị trí nhất - nhì huyện trong mỗi kỳ thi. Trong đó, có kỳ thi Đội tuyển Toán của trường đọat giải 3 toàn tỉnh; cùng đó là nhiều gương mặt xuất sắc làm rạng danh nhà trường, như Cao Đức Bôn đạt giải 3 toàn miền Bắc, Nguyễn Nam Tiến đạt giải 3 của huyện v.v...
Nối tiếp thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Mạnh cùng các thầy cô giáo là những người vinh dự đặt “nền móng” đầu tiên cho mái trường THCS Giao Phong, là biết bao thầy cô thuộc các thế hệ như thầy Đặng Xuân Hy, thầy Lê Huy Đàn, cô Phạm Thị Lan, thầy Phạm Tiến Hỹ, cô Nguyễn Thị Huệ, thầy Cao Thắng Cảnh, thầy Cao Văn Tiến, thầy Đặng Gia Oai... đã góp công sức, trí tuệ và tình cảm để xây đắp tô thắm thêm truyền thống của trường THCS Giao Phong thân yêu qua các thời kỳ. Các thầy cô đã làm tròn sứ mệnh thiêng liêng là truyền thụ kiến thức, lòng nhiệt huyết, nhân cách sống cho lớp lớp học sinh thân yêu.
Những tấm gương mẫu mực mô phạm và tinh thần “Tất cả vì học sinh thân yêu” của các thế hệ thầy cô, cùng truyền thống hiếu học của quê hương, đã “truyền lửa” cho các thế hệ học sinh con em Giao Phong. Từ mái trường thân yêu này, nhiều học sinh của nhà trường đã tiếp tục phấn đấu, trưởng thành về mọi mặt, trở thành những cán bộ lãnh đạo và quản lý ở các cấp; những tướng lĩnh, nhà khoa học, doanh nhân... giữ các trọng trách trong Quân đội, các cơ quan, doanh nghiệp...
Các anh chị là niềm tự hào của nhà trường và của quê hương, tiêu biểu là những tấm gương thành đạt, như: Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng – Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Tổng cục CNQP; Thiếu tướng Bùi Văn Hạnh - Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đại biểu Quốc hội khóa 12, 13; Doanh nhân Nguyễn Nam Tiến - Nguyên Tổng Giám đốc Công ty Vinalink; Tiến sĩ Trần Thế Truyền - Giảng viên Đại học DEAKIN (Australia); Đồng chí Nguyễn Văn Cừ - Thư ký Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Thượng tá tiến sĩ Cao Văn Tình - Chủ nhiệm bộ môn tại Học viện KTQS; Tiến sĩ Nguyễn Chủ - Trưởng khoa giải phẫu bệnh viện K Trung ương; Doanh nhân Cao Văn Kiên - Phó Tổng giám đốc tập đoàn CEO…
50 năm xây dựng và trưởng thành cùng đất nước, các thế hệ thầy và trò Trường THCS Giao Phong luôn ghi nhớ và biết ơn sự quan tâm, giúp đỡ về tinh thần lẫn vật chất, cùng những tình cảm trân quý của Đảng bộ, chính quyền xã Giao Phong, Phòng GD&ĐT huyện Giao Thủy và các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và nhân dân xã nhà để nhà trường có bước trưởng thành toàn diện, có một cơ ngơi trường lớp như hôm nay.
50 năm qua, trường THCS Giao Phong luôn thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Từ mái trường Giao Phong đã có hơn 6.500 học sinh tốt nghiệp PTCS. Sự nghiệp giáo dục của Giao Phong nhiều năm xếp tốp đầu xuất sắc của tỉnh và huyện. Gần đây nhất là năm 2013, trường được UBND tỉnh và Sở GDĐT tỉnh Nam Định công nhận trường đạt chuẩn quốc gia; Năm 2015 được Sở GDĐT công nhận trường chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn.
Nhà trường cũng liên tục đạt danh hiệu trường tiên tiến, được UBND huyện tặng nhiều bằng - giấy khen. Chi bộ nhà trường luôn giữ vững danh hiệu trong sạch vững mạnh. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên yêu ngành yêu nghề, giỏi chuyên môn, thương yêu học sinh. Nhiều thầy cô của trường là giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Học sinh luôn chăm ngoan, lễ phép, học giỏi; hàng năm 100% học sinh tốt nghiệp lớp 9. Số học sinh thi đỗ vào các trường PTTH đạt và vượt tỉ lệ bình quân của tỉnh.
Nửa thế kỷ đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng của đất nước và quê hương, Trường THCS Giao Phong đã trải qua những lần di dời vị trí, những cuộc sát nhâp – chia tách mô hình biên chế theo chủ trương chung, nhưng xu thế của nhà trường vẫn luôn luôn phát triển.
Từ một ngôi trường tranh tre nứa lá nằm khiêm nhường bên quốc lộ 56 chạy qua xã nhà, đến một ngôi trường khang trang với dãy nhà cao tầng mang dấu ấn của tình hữu nghị quốc tế Việt Nam-Canada, cùng đó là công trình nhà đa năng sắp hoàn thành và dự án các phòng học mới theo tiêu chuẩn quốc gia sắp triển khai xây dựng; Từ một tập thể ban đầu chỉ 4 lớp học với 10 thầy cô giáo luôn hết lòng vì học sinh thân yêu, đến một ngôi trường đủ 4 khối với 12 lớp học gần 500 học sinh và 23 thầy cô giáo vừa hồng vừa chuyên… Đó là nền tảng cơ sở vững chắc để thầy và trò trường THCS Giao Phong hôm nay vững bước tới tương lai.
Đặc biệt, truyền thống dạy tốt, học tốt của nhà trường từng được ghi nhận bằng những phần thưởng cao quý của Bộ GD & ĐT, UBND tỉnh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh… sẽ là nguồn động lực to lớn để nhà trường tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được trong thời gian tới, thực hiện đầy đủ và xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ mà ngành đã giao cho. Trước mắt là trong những năm học tới, nhà trường phấn đấu tiếp tục được công nhận “Trường đạt kiểm định chất lượng”, giữ vững danh hiệu “Trường chuẩn Quốc gia” và danh hiệu “Nhà trường xanh-sạch-đẹp-an toàn”.
Kỷ niệm 50 năm xây dựng và phát triển là dịp để truyền thống đoàn kết, hiếu học và phẩm chất đạo đức, kỷ luật của nhà trường được nâng lên một tầm cao mới; để trường THCS Giao Phong mãi mãi là ngôi trường có nếp sống văn hóa, trường học thân thiện, học sinh tích cực; mãi mãi xứng đáng với danh hiệu “Trường tiên tiến xuất sắc”, là một điểm sáng về văn hóa-giáo dục của huyện Giao Thủy và tỉnh Nam Định.