Tham dự buổi lễ có nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, đồng chí Lê Hồng Anh nguyên Thường trực Ban Bí thư; GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương-Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh;
Ông Võ Văn Phuông, Phó trưởng ban Thường trực - Ban Tuyên giáo Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phía Nam; về phía Bộ GD&ĐT có Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, cùng các lãnh đạo, giảng viên, học viên của Học viện qua các thời kỳ…
Các đại biểu tham dự kỷ niệm 70 năm truyền thống Trường Đảng miền Nam |
Mở đầu buổi lễ kỷ niệm, PGS.TS Phạm Minh Tuấn, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II đã ôn lại truyền thống vẻ vang của Trường Đảng miền Nam (nay là Học viện Chính trị khu vực II) qua các thời kỳ; cũng như trình bày phương hướng, nhiệm vụ chính trị, đào tạo trong thời kỳ tới.
Theo đó, năm 1949, Hội nghị Xứ ủy Nam Bộ căn cứ tình hình thực tế, quyết định mở các lớp bồi dưỡng chính trị cho cán bộ lãnh đạo của Đảng và các đoàn thể. Quyết định của Xứ ủy Nam Bộ đã đưa đến việc thành lập Trường Đảng miền Nam - là trường lý luận chính trị chính quy đầu tiên của Trung ương tại Nam Bộ.
Dịp này Học viện Chính trị khu vực II vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất |
Tháng 9/1949, khóa I của Trường khai giảng tại xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, tỉnh Rạch Giá (nay thuộc tỉnh Hậu Giang). Các vị lãnh đạo Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Bạch đến dự khai giảng, Xứ ủy Nam bộ trực tiếp chỉ định ông Nguyễn Văn Kỉnh (Nguyễn Thượng Vũ), Phó bí thư Xứ ủy làm Trưởng ban Điều hành trường.
Năm 1961 và 1974 - 1975, Trường vinh dự được Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh trực tiếp làm Hiệu trưởng. Sau khi hòa bình, thống nhất đất nước, trải qua quá trình sắp xếp, hợp nhất và qua nhiều lần đổi tên, đến nay Trường Đảng miền Nam có tên gọi là Học viện Chính trị khu vực II.
PGS.TS Phạm Minh Tuấn, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II đọc diễn văn kỷ niệm 70 năm truyền thống của đơn vị |
Qua quá trình hình thành và phát triển, Học viện đã đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo và quản lý chủ chốt khu vực Nam Bộ có trình độ lý luận, năng lực tổ chức thực tiễn, có bản lĩnh và phẩm chất cần thiết, đáp ứng kịp thời và có hiệu quả những mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược của sự nghiệp cách mạng;
Học viện ngày càng khẳng định được vị thế là trung tâm nghiên cứu lý luận chính trị và tư vấn chính sách cho các địa phương vùng Nam Bộ; Không ngừng đổi mới hệ thống, nâng cao chất lượng, hiệu quả toàn diện các mặt công tác và đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ;
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương-Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu |
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, là Trường Đảng Trung ương hoạt động tại khu vực phía Nam, Học viện có sứ mệnh ưu tiên hàng đầu là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học lý luận chính trị trên địa bàn được phân công; nghiên cứu khoa học lý luận Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý;
Đấu tranh phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, góp phần bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Cùng với nỗ lực chung của toàn hệ thống, Học viện Chính trị khu vực II cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới đồng bộ và phát triển toàn diện; căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và điều kiện của mình để triển khai hiệu quả và cụ thể hoá Chiến lược phát triển Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Rất đông đại biểu đến dự lễ kỷ niệm 70 năm truyền thống Trường Đảng miền Nam |
Ngoài ra cần, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, bám sát phương châm "cơ bản, hệ thống, thực tiễn, hiện đại”, “lấy cả giảng viên và học viên làm trung tâm”...;
Khẳng định vai trò và nâng tầm uy tín trong hoạt động nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn. Hoạt động nghiên cứu khoa học của Học viện phải mang tính ứng dụng cao, phục vụ trực tiếp công tác đào tạo, bồi dưỡng; góp phần xây dựng các định hướng, chính sách phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương vùng Đông Nam bộ và Nam Bộ;
Tham gia hiệu quả đấu tranh phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, củng cố, bảo vệ nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng...
Học viện Chính trị khu vực II phải là một trong những đơn vị đi đầu trong việc kiên quyết khắc phục tình trạng ngại học, lười học lý luận chính trị, học để đối phó, học để lấy bằng, chứng chỉ…; Quan tâm hơn nữa nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của các địa phương; Chủ động thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác xây dựng đảng…
Một tiết mực văn nghệ chào mừng lễ kỷ niệm của các học viên |
Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cũng yêu cầu học viên, cần phải ý thức sâu sắc trách nhiệm, nhiệm vụ học tập để nâng cao kiến thức mọi mặt; nắm vững nguyên lý, phương pháp, kỹ năng để vận dụng sáng tạo, nhất là trong xử lý tình huống của công tác lãnh đạo quản lý trong hoạt động thực tiễn ; rèn luyện phẩm chất, đạo đức tác phong làm việc; tận dụng thời gian học tập, mọi điều kiện để nghiên cứu học tập nâng cao trình độ.
“Tôi tin rằng từ mái trường này sẽ có những cán bộ ưu tú về trí tuệ và đạo đức và sự lan tỏa trong quần chúng nhân dân, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đầu của toàn Đảng”, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng kỳ vọng.
Hiện nay Học viện Chính trị khu vực II có 4 Phó Giáo sư, 50 tiến sĩ, 124 thạc sĩ… và đã đào tạo hơn 167.000 học viên. Đặc biệt, từ 2009 đến tháng 11/2019, Học viện đã khai giảng, đào tạo, bồi dưỡng nhiều hệ lớp, trong đó có 181 lớp cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung với 8.640 học viên và 169 lớp cao cấp lý luận chính trị hệ không tập trung với 17.244 học viên; 12 lớp hoàn chỉnh cao cấp lý luận chính trị với 1.050 học viên.
Bên cạnh đó,trong 10 năm làm nhiệm vụ quốc tế và giúp Campuchia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, huyện, Học viện II đã mở được 41 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho 4.661 học viên Campuchia.
Qua quá trình phát triển Học viện Chính trị khu vực II vinh dự nhận được nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước trao tặng, Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương Độc lập hạng Nhì, hạng Ba