Trường sư phạm trước yêu cầu đổi mới: Sức hấp dẫn riêng

GD&TĐ - Với thành tích học tập xuất sắc ở phổ thông, nhiều HS dù đủ điều kiện tuyển thẳng vào trường ĐH hot với điểm đầu vào cao ngất ngưởng, nhưng vẫn quyết tâm chọn sư phạm (SP). Điều này cho thấy, dù có thời điểm khó khăn trong tuyển sinh, nhưng trên thực tế, sức hấp hẫn của trường SP chưa bao giờ “nguội”.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 trong giờ thực hành. Ảnh: Thiên Thanh
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 trong giờ thực hành. Ảnh: Thiên Thanh

Học sinh giỏi chọn sư phạm

Nguyễn Thuận Hưng - Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế 2019 – lựa chọn tuyển thẳng vào Trường ĐHSP Hà Nội với ước mơ trở thành giáo viên dạy Toán, đã tạo nên dấu ấn đẹp trong tuyển sinh SP năm 2019.

Cũng năm đó, chiếc máy cái trong đào tạo giáo viên của cả nước còn đón nhận hơn 100 thí sinh đoạt giải HS giỏi quốc gia tuyển thẳng vào trường. Đó là con số vô cùng ý nghĩa, nhất là trong bối cảnh dư luận xã hội trăn trở vì khó thu hút được người giỏi vào SP.

Giành giải Nhất HS giỏi quốc gia môn Toán năm 2018, Phạm Huỳnh Khánh Duy chọn Trường ĐHSP, ĐH Đà Nẵng theo học. “Dù SP không phải ngành hot, nhưng em vẫn lựa chọn theo đam mê của mình” – chia sẻ điều này, chàng trai trẻ còn có suy nghĩ xa hơn khi cho rằng giáo dục là một trong những vấn đề cốt lõi để giúp xây dựng và phát triển đất nước. “Để đào tạo được một thế hệ HS tài năng cần phải có thầy giỏi, nên em không ngần ngại góp một phần sức lực của mình vào đó” – Khánh Duy nói.

Trong gần 1 năm học tập và trải nghiệm tại Trường ĐHSP Đà Nẵng (ĐH Đà Nẵng), Duy càng thấy quyết định của mình đúng đắn, bởi được tiếp thu thêm nhiều kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực mình lựa chọn cũng như kỹ năng giảng dạy. “Có người nói học SP nhàn rỗi, nhưng em lại không thấy như vậy.

Ngành SP vẫn có thách thức và sự thú vị riêng, và những thứ đó càng bồi đắp thêm cho em niềm đam mê với sự nghiệp giảng dạy trong tương lai. Bên cạnh đó, các chính sách của trường đối với sinh viên SP rất tốt, giúp em rất nhiều trong quá trình học tập”,  Khánh Duy cho hay.

Theo ông Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐHSP (ĐH Đà Nẵng), nhiều năm qua, nhà trường vẫn tuyển đủ chỉ tiêu sinh viên ngành SP với hàng trăm tân sinh viên là HS giỏi quốc gia, cấp tỉnh/thành phố và các sinh viên được tuyển thẳng theo diện HS trường chuyên đạt học lực giỏi 3 năm. Những sinh viên này sau khi tốt nghiệp đều thành công với công tác giảng dạy, rất nhiều người như vậy đang là giảng viên của trường.

“Xã hội thay đổi, có những ngành nghề mới được sinh ra và cũng có ngành nghề bị mất đi. Tuy nhiên, nghề giáo đã tồn tại hàng nghìn năm và chắc chắn không bao giờ mất đi. Người làm nghề giáo từ xưa đến nay vẫn luôn được xã hội tôn trọng, chính vì vậy, theo tôi sức hấp dẫn của trường SP chưa bao giờ mất đi.

Nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận thực tế, người học có nhiều lựa chọn nghề nghiệp trong thời đại hiện nay, nên những người giỏi có quyền lựa chọn nghề nghiệp theo sở thích của mình. Vấn đề là chúng ta phải hun đúc được niềm đam mê trao truyền kiến thức cho thế hệ trẻ” – ông Nguyễn Vinh San chia sẻ.

Tạo sức hấp dẫn cho nghề giáo

Tôi vẫn chờ những chính sách rõ ràng cho nghề giáo. Lúc đó người giỏi chỉ cần có đam mê sẽ lựa chọn, gắn bó với sự nghiệp trồng người. Họ cũng tự biết mình phải làm gì để được trò yêu, đồng nghiệp quý. Ông NGUYỄN VINH SAN 

Đồng quan điểm ngành SP vẫn có sức hút riêng, NGƯT.PGS.TS Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (Trường ĐH Đồng Tháp) cho rằng: Để thu hút nhiều hơn nữa người giỏi vào SP, bên cạnh chế độ ưu đãi dành cho sinh viên SP, nên nghiên cứu thực hiện chế độ “phân công nhiệm sở” cho người tốt nghiệp các ngành SP như trước đây đã làm.

Cùng với đó, cải thiện điều kiện, môi trường công tác dành cho nhà giáo ở cơ sở; Từng bước kiến tạo môi trường làm việc cho nhà giáo đủ “sức hấp dẫn”, tương đương, hoặc cao hơn nhiều ngành đang được xã hội lựa chọn; Giảm sĩ số HS trong mỗi lớp, giảm tải từng bước nội dung, chương trình giáo dục;

Đồng thời, có chính sách tiếp tục nâng cao chế độ tiền lương, thu nhập để nhà giáo yên tâm dành hết thời gian, tâm sức cho sự nghiệp “trồng người”. Giao cho các trường sư phạm tổ chức thi tuyển để chọn được HS giỏi, có năng khiếu, tư chất phù hợp với nghề giáo, đam mê thật sự với nghề, sẵn nhiệt huyết và tinh thần cống hiến vào học SP. Nhà nước cần có giải pháp hỗ trợ về cơ chế, ngân sách để tạo điều kiện cho các trường SP tập trung đào tạo đội ngũ nhà giáo có năng lực đáp ứng nhu cầu thực tiễn đổi mới và hội nhập.

“Cần có chiến lược đổi mới quản trị nhà trường từ bậc mầm non, phổ thông, cho đến trung cấp, CĐ, ĐH bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ, kết nối và sáng tạo. Nâng cao chất lượng công tác truyền thông và phối hợp truyền thông của các ngành, địa phương đối với GD-ĐT, lao động, việc làm…” – PGS Nguyễn Văn Đệ nêu quan điểm cá nhân.

Còn theo ông Nguyễn Vinh San, để thu hút sinh viên giỏi vào SP, ngoài hàng rào kỹ thuật của Bộ GD&ĐT là có “điểm sàn” riêng cho khối SP, Nhà nước cần xây dựng chính sách khuyến khích mang tính đặc thù.

Chúng ta đã và đang làm rất tốt các chính sách đầu vào như điểm sàn, miễn học phí và sắp tới là hỗ trợ cho vay tín dụng học tập (học phí, sinh hoạt phí), xóa nợ tín dụng khi phục vụ trong ngành Giáo dục. Tuy vậy, chính sách đầu ra lại đang khá hạn chế, như tiền lương, cơ hội phát triển bản thân, học tập nâng cao trình độ… 

Cũng theo ông Nguyễn Vinh San, công tác định hướng nghề nghiệp tại trường phổ thông rất quan trọng. Giáo viên phải truyền được đam mê nghề giáo cho HS, mỗi thầy cô giáo  là tấm gương về đạo đức, lối sống, ứng xử.

“Tôi và nhiều bạn bè của mình theo nghề giáo bởi lí do đơn giản là yêu quý thầy cô của mình khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Chúng tôi trưởng thành như hôm nay từ các bài giảng, tình yêu thương, sự chỉ bảo của nhiều thế hệ thầy cô giáo. Và tôi nghĩ tất cả chúng ta đều như vậy”, ông Nguyễn Vinh San chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.