Trường sư phạm trước yêu cầu đổi mới: Chủ động làm mới mình

GD&TĐ - Luật GDĐH (sửa đổi) mang lại nhiều cơ chế và đổi mới trong quản lý cho các trường. Với trường đào tạo sư phạm, ngoài việc tự thân đổi mới cũng phải thích nghi với cơ chế tự chủ và để thoát khỏi tư duy lãnh đạo thời bao cấp ngân sách. Làm mới mình là yêu cầu bắt buộc với các trường sư phạm nếu không muốn tụt lại phía sau.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đích thân tham gia các hoạt động tư vấn, tuyển sinh, trao đổi với học sinh.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đích thân tham gia các hoạt động tư vấn, tuyển sinh, trao đổi với học sinh.

Đưa hình ảnh mới mẻ, năng động đến thí sinh

Với cơ chế có tính đặc thù, trong nhiều năm, các trường đào tạo sư phạm như ĐH Sư phạm TP HCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, ĐH Sài Gòn hay ĐH Thể dục Thể thao không mấy chú ý đến việc tạo điểm nhấn, sức hút và đưa hình ảnh nhà trường đến với thí sinh.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, khi cơ chế tự chủ được xem là “chìa khóa” để nâng cao chất lượng đào tạo, nâng tầm hệ thống GDĐH, việc “tiếp thị” hình ảnh của trường đến với công chúng, người học được các trường chú trọng nhiều hơn.

ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM - đơn vị theo cơ chế tự chủ khá sớm có nhiều cách làm mới bên cạnh chính sách học bổng, khuyến học, hỗ trợ tài chính linh hoạt của mình. Không chỉ mọi cán bộ, chuyên viên tuyển sinh mà giảng viên cũng thấm nhuần yêu cầu này. 

“Trong bối cảnh hiện nay, nếu chỉ thụ động chờ thí sinh tìm hiểu và tự đến với trường bằng thương hiệu, uy tín đào tạo là suy nghĩ sai lầm. Đặc biệt, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển như vũ bão, nếu chúng ta thụ động, không đổi mới tư duy quản trị và không biết tận dụng những thành tựu của công nghệ vào nội lực và sức mạnh của đơn vị, chắc chắn sẽ thụt lùi. Sáng tạo là yếu tố sống còn trong kỉ nguyên số ở mọi mặt với các trường hiện nay”, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM chia sẻ. 

Nhận thức được sự chuyển dịch, làm mới hình ảnh đơn vị là yếu tố để nâng mình theo hệ thống, thời gian gần đây Trường ĐH Sư phạm TP HCM  chú tâm đến việc lan tỏa hình ảnh, thông điệp và mục tiêu đào tạo của mình đến với thí sinh, phụ huynh thông qua nhiều hoạt động marketing online, tư vấn trực tuyến, giao lưu đối thoại với học sinh qua các buổi hướng nghiệp do trường thực hiện, cũng như phối hợp với các báo.

Sự có mặt của GS.TS Huỳnh Văn Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM  tại nhiều buổi tư vấn hướng nghiệp, tham vấn tâm lý cho thấy các trường sư phạm đang cố gắng dịch chuyển, mang hình ảnh đơn vị đến với người học. 

Nhìn nhận việc marketing hình ảnh đóng vai trò quan trọng trong việc tương tác với người học, TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM cho rằng: Việc cởi bỏ tư duy quản trị của người quản lý đơn vị trường sư phạm trong bối cảnh mới hết sức quan trọng. 

“Chúng ta đều nhìn thấy điều đó từ Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, ĐH Sư phạm TP HCM và nhiều trường CĐ sư phạm tại các địa phương thời gian qua. Bối cảnh mới với cơ chế tự chủ toàn diện buộc nhà trường phải tự thân vận động và thay đổi.  Anh thay đổi, tư duy khác, thậm chí “ngược dòng” trong việc định vị thương hiệu, tất yếu giá trị tích cực của sự thay đổi ấy sẽ lan tỏa mạnh mẽ trong từng cán bộ, giảng viên” - TS Lý cho biết.

Đồng hành cùng người học

“So với quy định hiện hành, HS -  SV sư phạm vẫn được hỗ trợ toàn bộ học phí, chỉ thay thế phương thức cấp bù học phí sư phạm cho các cơ sở đào tạo thành kinh phí hỗ trợ học phí trực tiếp cho đối tượng thụ hưởng. Đồng thời theo quy định, SV sư phạm sẽ được hỗ trợ sinh hoạt phí để bảo đảm mức sống tối thiểu và yên tâm  học tập”.
GS.TS HUỲNH VĂN SƠN 

Thực tế nhu cầu nguồn lực giáo viên hiện nay chưa khớp với sản phẩm và số lượng đào tạo (nơi dư, nơi thiếu), nên việc quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm trên cả nước đang được Bộ GD&ĐT tích cực trển khai, nhằm khơi thông “dòng chảy” nhân lực theo hướng cầu đủ cung. 

Điều đó đặt ra nhiều thách thức cho các trường sư phạm khi vừa phải “nắn” mình vào dòng chảy tự chủ chung, vừa phải xây dựng được chiến lược và kế hoạch phù hợp nhằm thu hút học sinh giỏi vào trường. 

Tâm sự của trưởng phòng đào tạo một trường sư phạm, ngoài việc xây dựng mức học phí phù hợp, có tính cạnh tranh với các trường cùng khu vực thì, trường sư phạm phải “gỡ” được rào cản tâm lý học xong… rơi vào thất nghiệp nơi thí sinh, phụ huynh vì hiện không còn cơ chế “bao cấp” đầu ra như trước. 

Để tạo sức hút cho mình, các trường  sư phạm vẫn có những chính sách riêng để “hút” người giỏi thông qua các quỹ học bổng dành cho sinh viên. Đơn cử, Trường ĐH Sư Phạm TPHCM dành khoảng 10 tỉ học bổng để hỗ trợ cho 800 - 850 sinh viên nghèo vượt khó/năm. Trường ĐH Sư Phạm Kỹ thuật TPHCM cũng có hàng loạt chính sách hỗ trợ sinh viên với Quỹ học bổng lên tới hàng chục tỉ đồng từ nhiều nguồn.  

Ở tầm vĩ mô, Dự thảo Nghị định quy định chính sách hỗ trợ HS -SV sư phạm hướng đến mục tiêu quan trọng là thu hút nhiều người học ngành sư phạm. GS.TS Huỳnh Văn Sơn nhận định: Dự thảo Nghị định quy định chính sách hỗ trợ HS - SV sư phạm về cơ bản chỉ thay đổi phương thức hỗ trợ tiền cho HS - SV sư phạm. 

Cụ thể, HS - SV sẽ được hỗ trợ hai khoản kinh phí là học phí và sinh hoạt phí. Mức hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi HS - SV sư phạm theo học nhưng tối đa không vượt mức trần học phí theo quy định của Chính phủ.

Mức hỗ trợ sinh hoạt phí 3,63 triệu đồng/tháng để bảo đảm chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường tương đương với mức hỗ trợ sinh hoạt phí của lưu học sinh Lào, Campuchia đang theo học tại Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ