Trường sư phạm đổi mới để đào tạo người “truyền cảm hứng“

GD&TĐ - Ngày nay, vai trò của giáo viên không chỉ là truyền thụ kiến thức mà còn là người tổ chức, dẫn dắt và truyền cảm hứng. Do đó, chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy ở trường sư phạm chắc chắn sẽ phải thay đổi.

Sinh viên Trường ĐH Đồng Tháp
Sinh viên Trường ĐH Đồng Tháp

Cần đưa vào nội dung đào tạo các kiến thức thực tiễn

Khẳng định trường sư phạm đã và phải tiến hành đổi mới đồng bộ các yếu tố cơ bản của chương trình đào tạo theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực của người giáo viên, PGS,TS. Nguyễn Văn Đệ - Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp - nhấn mạnh:

Những thay đổi cụ thể là đổi mới mạnh mẽ mục tiêu, nội dung, phương pháp đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng giáo viên và đánh giá kết quả học tập, rèn luyện trong đào tạo, bồi dưỡng theo yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục, trách nhiệm, đạo đức nhà giáo và năng lực nghề nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu mới của giáo dục phổ thông.

Trước hết, chương trình đào tạo phải được đổi mới theo mục tiêu chung. Do đó, các trường cần tiếp tục hoàn thiện các quy định trong quy chế đào tạo theo hệ thống tín chỉ một cách phù hợp với đối tượng, bối cảnh và vùng văn hoá; trong đó quan tâm đổi mới quản lý: quản lý dạy học, quản lý chất lượng, quản lý người học; quản lý bằng hệ thống văn bản quy phạm trong nhà trường…

Tiếp theo, để có thể đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của xã hội và nền kinh tế thị trường đối với nguồn nhân lực, các trường cần chú trọng trang bị cho sinh viên sư phạm phương pháp học, phương pháp nghiên cứu, phương pháp tư duy, phương pháp áp dụng kiến thức đã học vào công việc cụ thể;

Đồng thời, rèn luyện các kỹ năng nghề, kỹ năng sống, kỹ năng bảo vệ môi trường, đạo đức nghề nghiệp cho người học, từng bước góp phần phát triển năng lực tư duy và khát vọng cống hiến của sinh viên sư phạm. Những điều này phải được cụ thể hóa ở chuẩn đầu ra các ngành đào tạo.

Bên cạnh đó, theo PGS.TS Nguyễn Văn Đệ, các trường cũng cần đưa vào nội dung đào tạo các kiến thức thực tiễn từ các cơ sở giáo dục; các ngành đào tạo giáo viên gắn kết chặt chẽ với chương trình phổ thông; phải khắc phục triệt để tình trạng “chưa được biết thấu đáo cái cần biết, biết sai cái cần biết hoặc biết cái chưa cần biết”; tạo động lực học tập và nghiên cứu đối với người học, nhằm chủ động trước một bước đối với nhu cầu và yêu cầu tuyển dụng giáo viên trong từng giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

"Bên cạnh đó, chương trình đào tạo, cơ chế quản lý, phương pháp giảng dạy… cũng cần kết hợp hiệu quả với vai trò của người thầy, chỉ khi ấy thì công cuộc đổi mới đạt kết quả như mong muốn.

Về vai trò của người thầy, lãnh tụ Lê-nin đã từng phát biểu rất hình tượng và ý nghĩa: “…Chỗ dựa vững chắc cho nhà nước Xô Viết trước hết là chiến sĩ Hồng quân, tiếp theo là thầy cô giáo”. Chúng ta cũng có thể liên tưởng đến vai trò này của người thầy trong công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay" - Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp nhấn mạnh.

Cần chính sách thu hút người giỏi vào trường sư phạm

PGS.TS Nguyễn Văn Đệ cho rằng, trong thời gian đầu triển khai thực hiện đổi mới, căn bản toàn diện GD&ĐT, có thể bước đầu, các trường sư phạm cũng sẽ gặp một số khó khăn như: Sức ì trong nhận thức của một bộ phận giảng viên và cán bộ quản lý, do “quán tính cũ” trong một thời gian dài; nguồn lực vật chất và tài chính còn hạn hẹp; chưa tuyển được những người có năng lực phù hợp vào ngành sư phạm; vấn đề giải quyết việc làm cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp …

Để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, theo PGS Nguyễn Văn Đệ, trước mắt các trường sư phạm cần sự trợ giúp từ các cơ quan quản lý về các vấn đề sau:

Trong điều kiện kinh tế có nhiều biến động, đề nghị được tăng vốn đầu tư từ trung ương, tăng kinh phí chi thường xuyên và giảm kinh phí đối ứng của các trường, nới rộng cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm đối với các trường sư phạm.

Đề nghị Bộ GD&ĐT tham mưu đổi mới cơ chế trong quản lý giáo dục, cơ chế tài chính, tích cực và ưu tiên đầu tư hơn nữa cho các cho các trường, các khoa sư phạm.

Đề nghị cho phép liên kết vùng trong đào tạo đối với các trường đại học trực thuộc Bộ để tận dụng và phát huy thế mạnh của các trường. Đồng thời, nhà nước cần có chính sách mới nhằm thu hút người giỏi vào học các ngành sư phạm, tập trung quy hoạch lại hệ thống trường đào tạo sư phạm, cải thiện hơn nữa chế độ đối với giáo viên, tạo cơ chế để tăng cơ hội việc làm đối với sinh viên sư phạm khi tốt nghiệp.

"Trường ĐH Đồng Tháp đã phát triển Kế hoạch chiến lược phát triển Nhà trường giai đoạn 2011 – 2020, xác định và bổ sung nhiệm vụ đổi mới theo chủ trương chung. Đồng thời, Chương trình hành động của Trường triển khai Kế hoạch hành động của ngành giáo dục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo cũng tập trung thực hiện hệ thống các giải pháp đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Cụ thể, Trường ĐH Đồng Tháp đã và đang xây dựng, phát triển bộ chuẩn đầu ra cho các ngành đào tạo theo hướng tiếp cận năng lực để chuẩn bị cho kế hoạch phát triển chương trình đào tạo sau năm 2015. Hình thức kiểm tra, đánh giá mới đã được cập nhật vào môn học của các ngành đào tạo giáo viên".

PGS.TS. Nguyễn Văn Đệ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ