Trưởng phòng quên mất mình có chồng vì bệnh 'nhớ nhớ - quên quên'

GD&TĐ - Đối với người trẻ tuổi, tình trạng “nhớ nhớ - quên quên” nếu không được can thiệp sớm và đúng cách có thể khiến bệnh diễn tiến nặng, khó điều trị.

Dấu hiệu đãng trí ở người trẻ thường biểu hiện qua những việc nhỏ như quên thẻ xe, quên chìa khóa xe và quên vị trí những vật dụng thường xuyên sử dụng
Dấu hiệu đãng trí ở người trẻ thường biểu hiện qua những việc nhỏ như quên thẻ xe, quên chìa khóa xe và quên vị trí những vật dụng thường xuyên sử dụng

Tình trạng suy giảm trí nhớ không còn là căn bệnh xảy ra ở người già mà hiện xảy ra khá phổ biến ở người trẻ tuổi.

Nguyên nhân có thể bắt nguồn từ những căng thẳng, áp lực trong cuộc sống, công việc, học tập.

“Nhớ nhớ - quên quên”, quên cả mình có chồng

Là trưởng phòng kế toán của một công ty tại TP.HCM, chị Hoàng Linh (35 tuổi, quê Hà Tĩnh) chia sẻ, sau thời gian nghỉ thai sản, chị Linh cảm thấy bản thân không còn phù hợp với nghề kế toán nữa vì thường xuyên sai số, quên lịch, chậm deadline.

Theo chị Linh, thời gian gần đây, mặc dù đã ghi chép lịch làm việc cụ thể, chị Linh vẫn thường xuyên quên lịch hẹn với đối tác; công việc trì trệ, sổ sách tính không chuẩn xác làm chị Linh cảm thấy rất nản.

“Tôi không thể tập trung được vào công việc vì rất lo con nhỏ ở nhà khát sữa, đòi mẹ. Tình trạng kéo dài khiến tôi không cân bằng được giữa công việc và cuộc sống. Tôi thường xuyên mất ngủ và trễ hạn nộp báo cáo với sếp”, chị Linh tâm sự.

Người trẻ “nhớ nhớ - quên quên”, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống

Người trẻ “nhớ nhớ - quên quên”, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống

Đáng nói, có hôm đi làm về chị Linh quên mất mình đã có chồng, có con nên khi bạn bè rủ đi du lịch sau giờ làm, theo thói quen lúc chưa có gia đình, chị quyết định lên xe và đi.

Thấy đi làm về trễ, gia đình gọi hỏi chị mới tá hỏa ra mình “quên mất đã có chồng”.

“Cảm thấy cơ thể bất thường nên tôi quyết định đi khám và được các bác sĩ tư vấn điều trị bệnh trầm cảm sau sinh; tạm ngưng công việc, tôi ở nhà chăm con và điều trị bệnh”, chị Linh kể.

Cũng rơi vào tình trạng “nhớ nhớ - quên quên”, anh Minh Lân (30 tuổi, quê Lâm Đồng) thường xuyên phải đi tiếp khách với sếp nên hay uống rượu bia đến khuya.

Anh Lân kể, thời gian gần đây anh liên tục kiếm chìa khóa xe, chìa khóa nhà và các vật dụng cá nhân thường sử dụng.

“Tôi cứ nghĩ do say quá nên quên hoặc mệt nên không nhớ, nhưng tình trạng trở nặng khi tôi ra ngoài mà không khóa cửa nhà hoặc bỏ chìa khóa xe vào cốp khiến tôi bắt buộc phải đi khám.

Các bác sĩ nhận định tôi sử dụng chất độc hại, chất kích thích quá nhiều gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh”, anh Lân nói.

Cần phát hiện và điều trị sớm

Liên quan đến bệnh “nhớ nhớ - quên quên” gặp ở người trẻ tuổi, BS.CKI Hoàng Thị Phượng, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (tỉnh Đồng Nai) cho biết, nguyên nhân người trẻ suy giảm trí nhớ có thể do áp lực cuộc sống, công việc, học tập.

BS.CKII Kiều Mạnh Hà – Bệnh viện Quân Y 7A đang thăm khám cho bệnh nhân
BS.CKII Kiều Mạnh Hà – Bệnh viện Quân Y 7A đang thăm khám cho bệnh nhân

“Suy giảm trí nhớ ở người trẻ tuổi khởi phát sớm chủ yếu do lối sống căng thẳng, ngủ ít, mất ngủ, lạm dụng chất kích thích; bên cạnh đó, giới trẻ thường xuyên thức khuya, thiếu ngủ trầm trọng làm não bộ không đủ khả năng phục hồi dẫn đến tình trạng suy giảm trí nhớ”, BS Phượng cho hay.

Theo BS Phượng, thần kinh căng thẳng cũng dễ bị phân tán tư tưởng, giảm trí nhớ. Dấu hiệu nhận biết chứng "nhớ nhớ, quên quên" là kém tập trung, thường xuyên lơ đãng, hay quên mọi thứ, giảm khả năng tư duy.

BS Phượng thông tin thêm, đa số bệnh nhân đến với bệnh viện sẽ được điều trị tại Khoa rối loạn cảm xúc, khoa tâm căn khi để cải thiện về tinh thần và giấc ngủ. Thông thường, dấu hiệu cơ bản của bệnh suy giảm trí nhớ ở người trẻ là suy giảm khả năng phán đoán, nhầm lẫn về thời gian, địa điểm.

Ngoài việc thường xuyên quên vị trí để đồ vật, người bệnh còn giảm khả năng tập trung, lơ đãng hoặc nhắc đi nhắc lại một việc, diễn đạt bị lặp, vòng vo hoặc cảm xúc thay đổi bất thường, dễ vui, dễ buồn, dễ nóng giận, thờ ơ.

Đánh giá về tình trạng suy giảm trí nhớ ở người trẻ tuổi, BS.CKII Kiều Mạnh Hà, Chủ nhiệm khoa Thần Kinh, Bệnh viện Quân y 7A, TP.HCM, nhận định, tình trạng này không hiếm. Tuy nhiên, hiện chưa có thống kê cụ thể về số người trẻ suy giảm trí nhớ.

Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng người trẻ “nhớ nhớ - quên quên”, BS Hà cho rằng, người trẻ gặp tình trạng suy giảm trí nhớ do các thói quen thiếu khoa học như lạm dụng các thiết bị công nghệ, xem tivi, ngồi máy tính quá nhiều, nghiện thuốc lá. Bên cạnh đó, chế độ ăn uống thiếu lành mạnh, lười đọc sách, tác dụng phụ của thuốc mê sau khi phẫu thuật cũng là nguyên nhân.

Bệnh nhân suy giảm trí nhớ thường điều trị tại khoa Rối loạn cảm xúc, khoa Tâm căn tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (tỉnh Đồng Nai)
Bệnh nhân suy giảm trí nhớ thường điều trị tại khoa Rối loạn cảm xúc, khoa Tâm căn tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (tỉnh Đồng Nai)

“Hội chứng suy giảm trí nhớ do sự suy giảm chức năng của não bộ, không phải do quá trình lão hóa theo tuổi tác. Cần phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tránh tình trạng bệnh kéo dài sẽ làm não bộ mất dần sự nhạy bén dẫn đến sa sút trí tuệ”, BS Hà khẳng định.

Theo BS Hà, để phòng ngừa, người trẻ cần thay đổi lối sống lành mạnh, xây dựng chế độ ăn uống đủ các nhóm chất dinh dưỡng, bổ sung vitamin B1 và sắt; không hút thuốc lá, uống rượu bia, dùng chất kích thích.

Dành thời gian nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc 7-9 tiếng, hạn chế thức khuya, tránh làm việc quá sức, tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày.

“Thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bất thường. Những người trẻ có nguy cơ mạch máu như cao huyết áp, đái tháo đường, kèm triệu chứng hay quên sớm hơn 40 tuổi cần đi tầm soát sớm”, BS Hà nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...