Trường nội trú cho trẻ mới biết đi

GD&TĐ - Ở Lesotho, quốc gia miền Nam châu Phi, không khó để bắt gặp những khu nhà nhỏ với khoảng 10 đứa trẻ mặc đồng phục học sinh chạy chơi trong sân.

Bên trong một trường nội trú dành cho trẻ mới biết đi tại Lesotho.
Bên trong một trường nội trú dành cho trẻ mới biết đi tại Lesotho.

Tại Lesotho, mô hình trường học nội trú cho trẻ mới biết đi đang phát triển rộng rãi, gây ra tranh cãi về ảnh hưởng của phương pháp giáo dục này lên thế hệ tương lai.

Ở Lesotho, quốc gia nằm ở miền Nam châu Phi, không khó để bắt gặp những khu nhà nhỏ với khoảng 10 đứa trẻ mặc đồng phục học sinh chạy chơi trong sân. Nhiều trẻ chỉ mới chập chững biết đi. Những khu nhà này là trường nội trú, mô hình giáo dục dành riêng cho trẻ từ 2 – 12 tuổi.

Trong những năm gần đây, mô hình trường nội trú cho trẻ mới biết đi trở nên phổ biến tại Lesotho trong đó, một số trường chưa được cấp phép. Tuy nhiên, đây được xem là lựa chọn an toàn cho phụ huynh thuộc tầng lớp lao động có ít lựa chọn và tài chính thấp.

Chi phí thuê một bảo mẫu toàn thời gian là khoảng 86 USD một tháng, chưa kể các chi phí bổ sung cho thực phẩm, sinh hoạt và học phí trẻ em. Do đó, lựa chọn trường nội trú, với một chi phí thống nhất, là lựa chọn khả thi hơn đối với nhiều người.

Một giáo viên tại Trung tâm hướng dẫn trẻ em (CGC) Mathapelo Phalatse chia sẻ: “Học phí của CGC là 144 USD một tháng, bao gồm học phí, chỗ ở, thức ăn và chăm sóc chung. Đây là mức chi phí hợp lý cho các phụ huynh khi so sánh với thuê bảo mẫu hoặc nhờ họ hàng chăm sóc”.

Nguyên nhân khác là do khả năng tài chính. Từ năm 2018 – 2023, chỉ 10% trong số 2,3 triệu dân Lesotho được tuyển dụng vào nhà nước, còn lại phải làm những công việc lương thấp. Quốc gia này nằm trong nhóm 10 nước bất bình đẳng nhất thế giới. Vì vậy, nhiều người lao động lựa chọn rời quê hương ra nước ngoài làm việc để tìm kiếm cơ hội tốt hơn.

Ông Thapelo Khasela - Tổng Giám đốc của Tổ chức Tình nguyện Action Lesotho chia sẻ: “Cùng là vị trí công nhân nhà máy, ở Lesotho bạn chỉ có thể kiếm được 144 USD. Trong khi đó, tại các nhà máy khác ở Nam Phi, mức lương này tối thiểu là 231 USD. Bên cạnh đó, lao động không có kỹ năng tương đối dễ dàng được tuyển dụng ở Nam Phi hơn là ở Lesotho”.

Trong hoàn cảnh này, họ gửi con cái lại nhà cho ông bà hoặc hàng xóm chăm sóc. Tuy nhiên, ông bà già yếu, hàng xóm không có thời gian, những đứa trẻ được gửi vào trường nội trú. Khi số lượng người bỏ ra nước ngoài ngày một cao, nhu cầu trường nội trú sẽ càng tăng.

Các trường nội trú cũng phổ biến với phụ huynh trong nước.

Chị Bongiwe Zihlangu, nhà báo có con trai theo học trường nội trú từ năm 4 tuổi, cho biết: “Công việc của tôi không theo giờ giấc và phải di chuyển thường xuyên. Khi con trai lên 4, tôi chọn thuê bảo mẫu. Tuy nhiên, tôi đã thấy những người giúp việc, bảo mẫu đối xử với trẻ em không tốt nhưng ở trong trường học, con tôi sẽ được an toàn và yêu thương”.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc sống xa bố mẹ khi còn quá nhỏ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ. Theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc vào năm 2024, không nên cho trẻ em dưới 14 tuổi vào trường nội trú. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra tác hại của việc xa cha mẹ khi còn quá nhỏ đối với sự phát triển của trẻ em và các mối quan hệ gia đình.

Để giải quyết gốc rễ vấn đề trên, các chuyên gia khuyến nghị Chính phủ Lesotho tăng trợ cấp thu nhập, cải thiện tình hình kinh doanh trong cộng đồng và tạo điều kiện tiếp cận nguồn tài trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Từ đó, phụ huynh Lesotho có thể vừa lao động, vừa chăm sóc con cái.

Bà Matlheleko Tsatsi - chuyên gia về sức khỏe và dinh dưỡng, cho biết: “Việc xa cha mẹ ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ mới biết đi và trẻ mẫu giáo. Hậu quả có thể kể đến như rối loạn lo âu, sức khỏe kém và tâm trạng nhớ nhà”.

Theo Al Jazeera

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ