Trường nghề tuyển sinh quanh năm vẫn thiếu người học

GD&TĐ - Mặc dù tuyển sinh quanh năm không theo mùa nào, mở thêm nhiều ngành mới, hình thức đào tạo hấp dẫn… nhưng nhiều trường nghề vẫn thiếu học viên.

Sinh viên Trường CĐ Du lịch Hải Phòng.
Sinh viên Trường CĐ Du lịch Hải Phòng.

Quanh năm tuyển sinh

Năm 2021 là một năm cực kỳ khó khăn đối với công tác tuyển sinh của các trường nghề, rất hiếm các trường đạt chỉ tiêu tuyển sinh đăng ký. Do đó, khi vừa bước sang năm 2022, các trường đã bắt đầu tuyển sinh cho năm học mới

Theo bà Lương Kim Anh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Đại Việt, công tác tuyển sinh quyết định đến hiệu quả hoạt động của hầu hết các trường nghề. Bởi nhiều trường phải sống bằng nguồn thu từ học phí. Do đó, tuyển sinh luôn là công tác quan trọng được các trường nghề thực hiện xuyên suốt trong năm chứ không theo mùa nào.

Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Bạc Liêu cho biết, nhà trường đã có thông báo tuyển sinh năm 2022 với hình thức xét tuyển thường xuyên. Cụ thể, trường tuyển sinh trình độ cao đẳng với các ngành Quản trị kinh doanh; Nuôi trồng thủy sản; Kế toán; Công nghệ thông tin; Thú y. Đối tượng tuyển sinh là học sinh đã tốt nghiệp THPT hoặc tương đương trở lên.

Từ cuối tháng 1, Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn cũng thông báo bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển tuyển sinh cao đẳng các ngành như Công nghệ thực phẩm; Quản trị bán hàng; Tiếng Hàn; Thiết kế đồ họa; Chăm sóc sắc đẹp…

Trường CĐ Kiên Giang thông báo bắt đầu mùa tuyển sinh 2022 với phương thức xét tuyển dành cho học sinh THPT. Cụ thể, trường xét bằng điểm trung bình cả năm lớp 12 hoặc xét điểm trung bình cả năm lớp 11 và học kỳ I lớp 12. Trường tuyển sinh đa dạng các ngành thuộc đủ mọi lĩnh vực như: Công nghệ, Kỹ thuật, Tiếng Anh, Du lịch, Khách sạn, Kinh tế, Luật, Nông nghiệp và Công nghệ thực phẩm…

Khác với mọi năm, năm nay Trường CĐ Công nghệ thông tin TPHCM chủ động đẩy mạnh tuyển sinh ngay từ đầu năm 2022. Hiện, trường đang nhận hồ sơ cho đợt 1 với cả hệ cao đẳng và trung cấp thuộc 14 ngành từ Công nghệ thông tin, Thiết kế đồ họa, Lập trình máy tính đến các ngành thuộc khối kinh tế như Kế toán, Tài chính ngân hàng...

Đại diện nhà trường cho biết năm 2021, dịch Covid-19 ảnh hưởng rất nhiều đến kế hoạch và số lượng tuyển sinh của trường. Vì vậy năm nay, trường dồn sức tuyển ngay từ đầu năm và sẽ mở thêm nhiều đợt xuyên suốt năm để đủ chỉ tiêu.

Đại diện Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật TPHCM cho biết, ngoài những đợt tuyển sinh quan trọng hằng năm là vào tháng 7 và tháng 10, năm nay trường chú trọng hơn đợt tuyển ngay sau Tết. Mục đích là nhằm đón được các bạn trẻ còn ở quê chưa nhập học trường nào từ năm 2021 đến nay.

Dự kiến, các lớp của đợt 1 sẽ bắt đầu học từ tháng 3/2022. Trong đó một số ngành được trường xem là chiến lược như Logistics hay Công nghệ ô tô. Đây là những ngành được đánh giá là đang thiếu hụt lao động, nhất là lao động có tay nghề cao, đã qua đào tạo.

Nhiều hình thức mới để chiêu sinh

Để đẩy mạnh hiệu quả tuyển sinh, các trường phải có hoạt động thích nghi theo thời điểm, mở hệ đào tạo thích hợp theo tình hình mới.

Cụ thể như Trường Cao đẳng Nghề Vĩnh Long đã thông báo chiêu sinh khóa học ngắn hạn cấp chứng chỉ nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Đó là các ngành Điện công nghiệp, Điện lạnh, Kỹ thuật gò, Hàn hồ quang điện. Theo đó, để đáp ứng các đơn đặt hàng, trường miễn hoàn toàn học phí với thời gian đào tạo chỉ 1 tháng và luyện tập thực hành tại công ty 3 tháng.

Để tuyển sinh, Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn cho biết đã xin phép được mở một số ngành mới trong kỳ tuyển sinh năm nay nhằm thu hút thêm nhiều người học, đồng thời đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động.

Chẳng hạn, ngành Điện tử nông nghiệp sẽ trang bị cho sinh viên những kiến thức và kỹ năng có thể tham gia các hoạt động số hóa quá trình vận chuyển, thu mua hay giao dịch các sản phẩm nông nghiệp trên không gian số. Sinh viên có thể sáng tạo những sàn thương mại điện tử để đưa lên các sản phẩm nông nghiệp của gia đình, địa phương, qua đó giúp tăng các kênh tiêu thụ trong nước…

Mặc dù có nhiều mã ngành mới, hình thức đào tạo hấp dẫn, chi phí thấp nhưng nhiều trường nghề vẫn thiếu chỉ tiêu. Một số trường chỉ tuyển được 40% học viên. Vì vậy, công tác tuyển sinh được thực hiện thường xuyên, liên tục quanh năm. Bên cạnh đó, nhiều trường đã duy trì được số lượng thì chú trọng đẩy mạnh đào tạo nghề chất lượng cao đáp ứng thị trường lao động.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn đang phối hợp với hàng nghìn doanh nghiệp. Đồng thời hợp tác, liên kết với các cơ sở đào tạo ở nước ngoài để tổ chức đào tạo nghề theo hướng hiện đại, phù hợp với chuẩn khu vực, quốc tế.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn cho biết, sở đã hướng dẫn các nhà trường tổ chức giảng dạy theo hướng linh hoạt, phù hợp với bối cảnh có dịch Covid-19. Theo đó, các nhà trường chủ động tổ chức giảng dạy song song hai hình thức trực tiếp và trực tuyến, bảo đảm 100% học sinh, sinh viên có thể theo học.

Giáo viên chưa tiêm ít nhất 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19 chỉ tham gia giảng dạy trực tuyến, không giảng dạy trực tiếp. Về phía người học, những trường hợp thuộc đối tượng F0 bắt buộc học theo hình thức trực tuyến.

Ngoài ra, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội tổ chức các đoàn để kiểm tra việc dạy và học song hành với công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Điều này nhằm bảo đảm người học được học tập trong môi trường an toàn.

Hiện, thành phố có 370 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hoạt động giáo dục nghề nghiệp với hơn 120 nghìn học sinh, sinh viên, học viên theo học. Các nhà trường được phép chủ động tổ chức đón học sinh, sinh viên trở lại trường học tập trực tiếp. Nhiều cơ sở đã thực hiện cho sinh viên đi thực tập tại doanh nghiệp ngay sau khi được phép mở cửa trường học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.