Trường MN lấy trẻ làm trung tâm: “Cú hích” tổng thể cho giáo dục mầm non

GD&TĐ - Sau 5 năm triển khai chuyên đề “Xây dựng trường mầm non (MN) lấy trẻ làm trung tâm” tại Lào Cai, chất lượng giáo dục có bước chuyển biến tích cực trên nhiều phương diện.

Tăng cường cơ sở vật chất trường lớp trong quá trình triển khai “xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”. Cô và trò HS Trường MN Việt Hà (thành phố Lào Cai - Lào Cai).	Ảnh: NTCC
Tăng cường cơ sở vật chất trường lớp trong quá trình triển khai “xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”. Cô và trò HS Trường MN Việt Hà (thành phố Lào Cai - Lào Cai). Ảnh: NTCC

Tăng cả chất và lượng

Từ 3 mô hình điểm được triển khai năm học 2016 – 2017, đến nay 100% cơ sở giáo dục MN đã thực hiện chuyên đề. Có 30 trường, 195 nhóm, lớp thực hiện điểm về chuyên đề. 100% phòng GD&ĐT huyện, thị xã, thành phố và trường MN đã nhận thức được tầm quan trọng, hiệu quả của việc triển khai chuyên đề để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện quy hoạch gọn các điểm trường; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng học tập và huy động được sự tham gia của phụ huynh, cộng đồng trong xây dựng, cải tạo môi trường giáo dục và phối hợp chăm sóc, giáo dục trẻ.

Bà Nguyễn Thị Thơm – Trưởng phòng GDMN (Sở GD&ĐT) Lào Cai còn chỉ ra những kết quả đáng kể như: Tạo được phong trào thi đua xây dựng cảnh quan trong các nhà trường, môi trường giáo dục có sự thay đổi rõ nét.

Nhiều đơn vị đã tận dụng được nguyên liệu sẵn có của địa phương để thiết kế đồ chơi tự tạo và tạo môi trường phong phú cho trẻ khám phá, trải nghiệm, góp phần nâng cao chất lượng thực hiện chương trình GDMN.

Đội ngũ cán bộ quản lý, GV xây dựng kế hoạch, lựa chọn nội dung giáo dục theo chương trình giáo dục MN một cách linh hoạt, phù hợp với sự phát triển của trẻ và điều kiện thực tế của địa phương….

Đặc biệt để triển khai “Xây dựng trường MN lấy trẻ làm trung tâm”, các trường đã huy động được nguồn xã hội hóa để cải tạo, xây dựng môi trường, góp phần tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học. Tăng cường sự phối kết hợp giữa phụ huynh HS với nhà trường trong hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ.

Theo bà Nguyễn Thị Thơm, trẻ được trải nghiệm các hoạt động theo nhu cầu, hứng thú trong môi trường giáo dục đa dạng, phong phú sẽ mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp, hình thành và phát triển các năng lực, kỹ năng sống và phát huy được khả năng của mỗi cá nhân…

Cô Trịnh Thị Én – Hiệu trưởng Trường MN Hoa Đào (huyện Sa Pa – Lào Cai) khẳng định: Xây dựng trường MN lấy trẻ làm trung tâm giúp trẻ được hoạt động, tự tin trong giao tiếp. Trước đây, GV nói nhiều, HS thụ động tiếp nhận thì nay phương pháp này bị loại bỏ hoàn toàn. Trẻ được đặt vào trung tâm mọi hoạt động giáo dục khiến chất lượng tăng lên đáng kể theo từng năm… 

HS được trải nghiệm nhiều mô hình giáo dục mới tại Trường MN Việt Hà (TP Lào Cai - Lào Cai). Ảnh: NTCC
HS được trải nghiệm nhiều mô hình giáo dục mới tại Trường MN Việt Hà (TP Lào Cai - Lào Cai). 
Ảnh: NTCC

Tiếp tục phát huy

Bà Nguyễn Thị Thơm cho rằng: Hiện vẫn còn một bộ phận cán bộ quản lý, GV chưa nhận thức đầy đủ về vai trò và hiệu quả của chuyên đề. Cùng đó, việc triển khai chuyên đề ở một số đơn vị chưa quan tâm nhiều tới các điểm trường lẻ và cơ sở GDMN có điều kiện khó khăn.

Một số trường ở các huyện vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn diện tích sân vườn và lớp học còn hẹp, ảnh hưởng đến việc xây dựng và cải tạo, sắp xếp môi trường giáo dục theo định hướng bộ tiêu chí quy định.

Bên cạnh đó, còn tình trạng cán bộ quản lý triển khai, thực hiện hình thức, chưa vận dụng phù hợp các tiêu chí với thực tiễn; chưa tổ chức được nhiều hoạt động cho trẻ trải nghiệm và khám phá môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Kỹ năng thực hành tổ chức hoạt động của một số GV trẻ, GV người dân tộc thiểu số trong tổ chức hoạt động giáo dục theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm còn hạn chế.

Theo bà Nguyễn Thị Thơm, giai đoạn tới 2021 - 2025, ngành GD-ĐT Lào Cai tiếp tục xây dựng kế hoạch thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường MN lấy trẻ làm trung tâm”; Đổi mới công tác tham mưu, tuyên truyền và phối hợp; Nâng cao năng lực đội ngũ và chất lượng chăm sóc, giáo dục; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng đồ chơi và nâng cao hiệu quả công tác xã hội hóa giáo dục, hội nhập và hợp tác quốc tế…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ