Mùa cá cháo bãi ngang
7 giờ sáng, những chuyến tàu đầu tiên đã cập bờ tại âu thuyền Thịnh Lộc (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh). Trên bờ, người mua kẻ bán chen chúc nhau để tìm được nguồn hàng ưng ý nhất. Dù chỉ là một âu thuyền nhỏ nhưng lượng người đổ về đây luôn tấp nập chẳng kém bất kỳ cảng cá nào tại Hà Tĩnh.
Khệ nệ vác những mẻ cá trắng ngần bám đầy trên lưới, anh Lê Doãn Hùng (thôn Yên Điềm, xã Thịnh Lộc) hào hứng: “Sáng nay, dân Thịnh Lộc trúng luồng rồi. Thuyền nào cũng được vài dăm ba yến (30kg - 50kg) cá cháo”.
Cá cháo vẫn được người dân vùng biển bãi ngang xem là “món đặc sản mùa lạnh”. Đây là loại cá thân mềm, tập trung sống chủ yếu ở vùng nước nông. Ngư dân thường sử dụng lưới 2 (mắt lưới khoảng 2cm - 4 cm) để đánh bắt.
Cá cháo vùng bãi ngang có đặc điểm màu trắng trong, nhỏ con nhưng thân mình chắc mẩy và ngọt thịt. Cá thường xuất hiện vào tháng 9 âm lịch và kết thúc vào tháng 12 âm lịch. Đang vào chính vụ, nhưng sản lượng cá cháo năm nay giảm so với năm trước.
Anh Hùng cho biết: “Năm ngoái, vào thời điểm này thời tiết nắng ấm hơn, cá cũng xuất hiện nhiều đợt. Trung bình, mỗi thuyền chúng tôi đánh bắt được vài tạ/ngày. Tuy nhiên, năm nay thời tiết thất thường quá. Chưa kịp nắng, sóng chưa lặng đã chuyển sang mưa rét dài ngày, nên số lần đánh bắt và sản lượng cá kém hẳn.
Gần 2 tháng qua, ngư dân chúng tôi cũng chỉ đánh bắt được khoảng 15 ngày cá cháo. Thuyền nhiều nhất cũng chỉ được chục yến/ngày. Mấy ngày hôm nay trời nắng và sương mù nhiều nên lượng cá cháo cũng cải thiện hơn hẳn”.
Thuyền anh Hùng bắt đầu chuyến đi biển vào lúc 4 giờ sáng. Mùa này, chỉ cần đi 2 - 3 hải lý, sau vài giờ tiếng đánh bắt, ngư dân đã có “lộc biển” đưa về bờ. Chuyến ra khơi đầu tiên trong ngày, anh Hùng được gần 20kg cá cháo. Không riêng gì anh Hùng, nhiều hộ khác cũng tỏ ra phấn khỏi với chuyến đi biển ngày hôm nay.
Chưa kịp gỡ cá khỏi lưới, mẻ cá vừa đánh bắt của vợ chồng ông Nguyễn Văn Hán (51 tuổi, thôn Yên Điềm, xã Thịnh Lộc) đã được các thương lái thu mua ngay tại chân thuyền. “Chuyến này tôi thu về gần 2 triệu đồng, đánh bắt gần bờ nên chi phí không nhiều lắm. Mấy ngày hôm nay thời tiết thuận lợi, hải sản cũng được nhiều hơn, các chủ tàu thuyền cũng tranh thủ ra khơi ngày vài chuyến để kiếm thêm thu nhập”, ông Hán chia sẻ.
Theo ông Hán, cá cháo thường đi theo luồng gần bờ, rất thuận lợi cho ngư dân đánh bắt. Mỗi thuyền chỉ cần khoảng 2 người, khai thác cách bờ từ 3 - 5 hải lý. Cứ đi khoảng ba tiếng phải quay về bán để cá được tươi. Mỗi thuyền thường đánh bắt 2 chuyến mỗi ngày. Mỗi chuyến đi khoảng 3 tiếng đồng hồ có thể kiếm được từ 7 - 10 kg, những ngày trúng đậm kiếm được 30 - 50kg.
Hiện giá cá cháo tăng cao nên ngư dân rất phấn khởi. Cá lên bờ sẽ được ngư dân phân loại để bán, loại 1 dao động từ 80.000 - 140.000 đồng/kg, loại 2 dao động từ 40.000 – 50.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí mỗi chuyến ngư dân thu về từ 1 - 3 triệu đồng. Cá vùng bãi ngang ven biển Hà Tĩnh được đánh giá tươi ngon hơn ở những nơi khác nên được thương lái và người dân tìm mua ngay khi vừa lên bờ.
Hối hả phiên biển ngày cuối năm
Một đợt gió mùa Đông Bắc nữa lại chuẩn bị đến báo hiệu mùa đánh bắt hải sản cũng sắp kết thúc. Đây cũng là thời điểm, nguồn thủy hải sản khan hiếm, việc đánh bắt gặp khó khăn. “Ngóng” thời tiết thuận lợi, ngư dân tại xã Thịnh Lộc lại hối hả giong thuyền ra khơi…
Ở những vùng biển bãi ngang như xã Thịnh Lộc, những chuyến biển cuối năm không đầy ắp cá tôm như mong đợi. Ngoài cá cháo còn có thêm những hải sản khác như: Ghẹ xanh, ốc móng tay, cá bạc má… mỗi thứ một ít. Nhưng bù lại, giá cả tăng cao nên hứa hẹn sẽ mang lại thêm nguồn kinh tế để ngư dân có một cái Tết đầm ấm.
Ngư dân Nguyễn Văn Hảo (thôn Yên Điểm) cho biết, hiện nay ghẹ xanh thu mua tại chỗ có giá 220 nghìn đồng/kg, ốc móng tay 80 nghìn đồng/kg… Phần lớn giá hải sản đều tăng từ 20.000 đồng - 30.000 đồng/kg. Mặc dù giá thành cao nhưng tư thương và người dân đều săn đón.
“Mùa này, chúng tôi chủ yếu đánh bắt gần bờ. Nghe tivi thông báo trời tạnh ráo là vươn khơi ngay vì thời tiết mùa này thất thường lắm. Mỗi ngày sẽ có hai chuyến, buổi sáng từ 4 - 7 giờ, buổi chiều bắt đầu từ 10 giờ đến 14 giờ. Phải tranh thủ đi làm không mưa xuống thuyền chỉ biết nằm bờ thôi”, anh Hảo cho hay.
Để kịp “cướp” nắng với trời, mỗi thuyền cá đều tự mang theo nồi niêu song chảo. Thuyền vừa cập bến, họ tranh thủ ăn vội bữa cơm ngay trên bờ biển. Trong khi đàn ông ăn cơm, cánh phụ nữ lại ve lưới, gỡ hải sản bán cho thương lái. Mẻ lưới đầu tiên chỉ kịp cập bờ vài ba tiếng rồi lại tiếp tục cho chuyến vươn khơi thứ 2.
Ông Nguyễn Khắc Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc cho biết: “Toàn xã có 118 tàu thuyền đánh bắt với công suất dưới 24CV. Các phương tiện chủ yếu khai thác gần bờ. Trong khoảng một tuần nay, ngư dân liên tục bắt được nhiều luồng cá cháo, ước tính sản lượng đạt hơn 10 tấn. Ngoài ra, các nguồn hải sản khác cũng đưa lại thu nhập khá cho ngư dân vào dịp này”.
Với ngư dân, những chuyến vươn khơi cuối năm đã trở thành cái hẹn với biển cả. Tranh thủ những ngày trời yên, sóng lặng, ngư dân lại tất tả chạy đua với thời tiết để mót lộc biển. Những con tàu trở về đầy cá, tôm mang theo niềm hy vọng của bà con ngư dân về một cái Tết no ấm.