Nhiều giáo viên mầm non phải làm công nhân, nghỉ việc
Cô Trần Thị Mỹ Duyên (quê Đồng Tháp), giáo viên (GV) Trường MN Mặt Trời Nhỏ- quận Bình Tân, TP.HCM chia sẻ, những tháng đầu dịch bùng phát cô có tham gia tình nguyện chống dịch.
Khi thành phố hết giãn cách, đầu tháng 10, cô xin làm công nhân tại công ty nhựa ở khu công nghiệp. Thời gian làm từ 6h sáng – 18h, thu nhập được hơn 4,7 triệu và bao chi phí ăn uống. Hiện có 3 đồng nghiệp GV làm chung với cô, còn một số khác đã về quê.
"Lúc mới bùng phát dịch nhà trường trợ cấp được 2 triệu đồng. Hiện nay trường hết kinh phí nên chỉ đóng BHXH. Tôi đành tạm thời làm công nhân đợi trường mở cửa thì sẽ quay lại đi dạy.
Mong được đi dạy học trở lại để ổn định công việc lắm. Giáo viên khi làm công nhân ở nhà máy không quen, cũng khó khăn vất vả nhiều. Nhưng mà giờ dịch bệnh phải cố gắng thôi”, cô Duyên tâm sự.
Tương tự cô Hoàng Mỹ (quê Tiền Giang), GV Trường MN Mặt Trời Nhỏ, cũng xin làm công nhân tại Khu công nghiệp Tân Tạo để kiếm thu nhập, trang trải cuộc sống.
"Tôi làm việc tại công ty nhựa, khi có những bao hàng nặng, phải khuân vác khá là nhọc nhằn. Thời gian làm việc ở đây từ 6h sáng đến 18h, chỉ được có nửa tiếng để ăn cơm trưa, ăn xong là lại phải làm tiếp, công việc chưa quen nên rất vất vả”, cô Mỹ nói.
Còn cô Đỗ Thị M.H (quê Cần Thơ), GV Trường MN tư thục ở quận Gò Vấp chia sẻ, ra trường cô đi dạy cũng được hơn 2 năm. Thu nhập hàng tháng được tầm 6 triệu và chủ trường có đóng BHXH. Lúc dịch bắt đầu vào tháng 5, cô nhận thêm bé trông ở nhà, chăm được 1 – 2 tuần thì bùng dịch, không trông được nữa. Từ đầu tháng 6, cô phải ở nhà tránh dịch. Thời gian đó chỉ nhận được 1 khoản phụ cấp bên bảo hiểm khoảng 1,6- 1,8 triệu.
"Tôi mong muốn sớm được trở lại trường dạy để có thu nhập lo cho gia đình, trang trải sinh hoạt hàng ngày và đóng tiền trọ...” - cô M.H tâm sự.
Nghỉ dài, các trường không "gánh nổi" tiền thuê nhà
Chủ hệ thống Trường MN Tây Thạnh, chị Nguyễn Thị Cẩm Đan cho biết, hiện chị có 2 trường ở quận Bình Tân và quận Tân Phú. Tổng 2 trường gồm 700 trẻ, 80 nhân viên, chi phí rất nhiều. Một trường có sức chứa 300 – 400 bé là phải rộng, nhiều phòng và phải là mặt tiền đường.
Nói về khó khăn khi phải gánh các chi phí lúc đại dịch Covid-19 "ập" đến, chị Đan chủ trường cho biết, khoản chi phí tiền thuê mặt bằng 2 cơ sở mất khoảng 500triệu/tháng. Khoản chi 500 triệu/tháng bao gồm chi phí cho điện, nước, bảo vệ, bảo dưỡng,...
Trường chỉ "gồng gánh" được tháng 5, 6, 7, đến tháng 8 là không còn khả năng chi trả nữa. Chị đã thương lượng chủ nhà giảm được 30%. Tháng 9 giảm được 50%. "Đến tháng 10 là không còn khả năng trả, phải nợ lại. Hiện nay là cạn kiệt tài chính...", chị Đan chia sẻ.
Do dịch dài nên các GV của trường đều phải đi làm việc khác để trang trải cuộc sống như bán online, bán hàng siêu thị,... Trường cũng chỉ trả lương GV được tháng 5, các tháng sau đều không có lương. “Sợ rằng khi các GV đã làm quen với công việc mới họ không muốn quay lại ngành MN nữa, nguy cơ thiếu nhân lực là rất lớn”, chị Đan bày tỏ.
Hiệu trưởng Trường MN Mặt Trời Nhỏ thuộc Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, Lê Ái Sơn Hà cho biết, thời gian nghỉ dịch từ tháng 5 đến giờ, Ban giám đốc nhà trường hỗ trợ tháng 5, 6 được 100% lương, tháng 7, 8 được 50%, từ tháng 9 đến giờ chỉ duy trì BHXH. Các GV hầu hết đều ở nhà trọ, dịch cũng không về quê được, các cô phải đi làm công nhân kiếm tiền trang trải chi phí thuê nhà trọ.
Trường có 46 GV, tổng nhân viên là 90 người, hàng tháng đóng BHXH cho 90 nhân viên đã phải chi khoảng 200 triệu. Lương tạp vụ cộng luôn BHXH là 6 triệu, lương giáo viên là khoảng 7 -8 triệu cộng luôn BHXH.
Khi TP mở cửa từ tháng 10, các cô không dám về quê vì sợ về phải cách ly tập trung rồi phải trả phí cách ly, nên phải bám trụ lại TP làm công nhân, chờ ngày trường được mở lại. "Quận Bình Tân hiện là vùng cam, nên việc đi học lại cũng khó khăn. Tôi xin kiến nghị Nhà nước có thể hỗ trợ 3 tháng lương cơ bản cho GV, giống các giáo viên công lập", cô Hà nói.
Chủ trường Mầm non tư thục ở quận Bình Thạnh, ông Nguyễn Minh Tuấn chia sẻ, gánh nặng chi phí mặt bằng, nhân sự khiến các cơ sở Mầm non gặp khó khăn. Với tình hình diễn biến dịch phức tạp nên việc cho các bé đi học lại chưa biết như thế nào. "Có những trường không thương thảo được chủ nhà giảm tiền nên đành phải đóng cửa", ông Tuấn cho biết.
Nhiều chủ cơ sở đồng ký đơn kiến nghị, mong được hỗ trợ
Mới đây, nhiều chủ trường Mầm non tư thục ở TP.HCM đã gửi thư kiến nghị mong Chính phủ có các chính sách hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục MN tư thục trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh kéo dài...
Cụ thể, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong ngành giáo dục MN tư thục gồm nhiều điểm như:
Tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục MN tư thục đáp ứng đủ Bộ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch trong trường học của Sở GD&ĐT TP.HCM được sớm hoạt động trở lại.
Tổ chức đối thoại giữa đại diện các cơ sở giáo dục MN tư thục và đại diện Sở GD&ĐT TP.HCM, Sở Y tế, UBND TP.HCM để thảo luận các phương án nhằm tháo gỡ khó khăn, đóng góp ý kiến đảm bảo môi trường lớp học an toàn trong mùa dịch và bảo vệ sức khỏe của học sinh, ví dụ tổ chức xét nghiệm định kỳ…
Hỗ trợ các gói vay tín dụng để doanh nghiệp trang trải các chi phí cơ bản như tiền thuê nhà, tiền lương các bộ phận túc trực tại khuôn viên trường, chi phí sửa chữa cơ sở vật chất sau thời gian dài không sử dụng; hỗ trợ giãn nợ, khoanh nợ đối với các khoản vay tín dụng cho doanh nghiệp hoặc cho các chủ nhà thế chấp tài sản cho ngân hàng là địa điểm trường học...
Miễn giảm chi phí điện, nước, Internet phát sinh trong thời gian ngưng hoạt động; miễn giảm phí BHXH, y tế; miễn giảm các loại thuế phải đóng như thuế thu nhập cá nhân của người lao động, thuế thu nhập doanh nghiệp...
Còn đối với cán bộ, nhân viên GV ngành mầm non tư thục, các trường kiến nghị cơ quan chức năng hỗ trợ ưu tiên tiêm vắc xin cho GV, cán bộ và nhân viên từ địa phương khác quay trở lại TP.HCM làm việc.
Đề xuất Chính phủ có gói hỗ trợ riêng dành cho GV và công nhân viên làm việc trong ngành giáo dục...