TP Hồ Chí Minh: Xây dựng, triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với bối cảnh Covid-19

GD&TĐ - Ngày 29/10, Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021 - 2022.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Lương Thế Vinh, Quận 1 tiêm vắc xin phòng Covid-19 vào ngày 27/10. Ảnh minh họa
Học sinh lớp 12 Trường THPT Lương Thế Vinh, Quận 1 tiêm vắc xin phòng Covid-19 vào ngày 27/10. Ảnh minh họa

Theo đó, năm học 2020-2021, ngành giáo dục Thành phố đã hoàn thành mục tiêu kép là vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 vừa hoàn thành kế hoạch năm học.

Trong thời điểm học sinh tạm dừng đến trường vì dịch bệnh, các trường đã tổ chức dạy học trực tuyến với nhiều hình thức khác nhau như ghi hình bài giảng, đăng tải lên website trường định kỳ theo tuần, tổ chức các hoạt động dạy học trực tuyến qua các công cụ Zoom, Microsoft Teams, Facebook livestream, giao bài tập qua zalo, viber…

Quang cảnh lễ tổng kết năm học 2020-2021 của ngành GD-ĐT TP.HCM
Quang cảnh lễ tổng kết năm học 2020-2021 của ngành GD-ĐT TP.HCM

Tính đến cuối năm 2020, tổng số trường học trên địa bàn TP là 2.366 trường (tăng 40 trường so với năm học trước), trong đó bậc mầm non chiếm tỷ lệ cao nhất với 1.374 trường (tăng 28 trường so với năm học trước). Kế đến là tiểu học với 507 trường (tăng 7 trường so với năm học trước), THCS có 283 trường và THPT có 202 trường.

Tổng số học sinh toàn TP là 1.682.908 em, giảm 2.811 học sinh so với năm học trước. Áp lực dân số cơ học tăng cao đã tạo áp lực về cơ sở hạ tầng tại một số quận, huyện, dẫn đến sĩ số học sinh/lớp còn cao, chưa đáp ứng được nhu cầu học 2 buổi/ngày.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM phát biểu tại lễ tổng kết năm học
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM phát biểu tại lễ tổng kết năm học

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, năm học 2021-2022, toàn ngành tiếp tục nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, công tác quản lý nhà nước, đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục.

Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục xây dựng và triển khai kế hoạch giáo dục linh hoạt, phù hợp với diễn biến của dịch Covid-19, trong đó việc đảm bảo an toàn, phòng ngừa hiệu quả dịch bệnh là mục tiêu hàng đầu trong quá trình triển khai nhiệm vụ năm học.

Song song đó, cơ sở giáo dục tận dụng tối đa thời gian dạy - học trực tiếp, nâng cao chất lượng dạy - học trên mạng internet, trên truyền hình, tăng cường kỹ năng tự học cho học sinh, xây dựng kho học liệu điện tử mở, hỗ trợ người học mọi lúc mọi nơi, làm nền tảng xây dựng xã hội học tập.

Năm học 2021-2022, toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện chuyển đổi số để tổ chức dạy học qua internet và phần mềm phục vụ việc triển khai phiếu học tập cho các đối tượng học sinh.

Đặc biệt, ngành giáo dục xây dựng kế hoạch, phương án đào tạo, bồi dưỡng để có đủ giáo viên, đảm bảo chất lượng dạy học các môn học bắt buộc theo chương trình, đặc biệt đối với các môn tin học và ngoại ngữ, thực hiện bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục để triển khai Chương trình GDPT 2018 theo lộ trình.

Học sinh Trường THCS-THPT Thạnh An, huyện Cần Giờ đi học trực tiếp từ ngày 20/10. Ảnh minh họa
Học sinh Trường THCS-THPT Thạnh An, huyện Cần Giờ đi học trực tiếp từ ngày 20/10. Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ thêm, thời gian qua TP có hơn 1.500 trường học được trưng dụng trong công tác phòng chống dịch. Hiện nay, Ban chỉ đạo phòng chống dịch các quận, huyện đã chuyển giao lại hơn 250 trường để chuẩn bị cho việc học trực tiếp. Dù đang học trực tuyến nhưng luôn trong tư thế sẵn sàng để chuyển sang trạng thái học trực tiếp.

Theo ông Hiếu, đầu tháng 12 tới, khi học sinh trong độ tuổi quy định được tiêm đủ 2 mũi vắc xin, Sở GD-ĐT sẽ xây dựng phương án và đề xuất với UBND TP.HCM cho học sinh tiêm đủ 2 liều vắc xin phòng Covid-19 đi học trực tiếp, ưu tiên trước là lớp 9, lớp 12. 

Kế hoạch cụ thể sẽ căn cứ vào việc từng quận, huyện rà soát, đánh giá cấp độ dịch của địa phương để trình lên UBND quyết định cho học sinh học trực tiếp trở lại.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.HCM cũng cho biết, về việc tổ chức đi học lại, Sở sẽ xây dựng kế hoạch lấy ý kiến của các sở ngành và phụ huynh học sinh. "Việc trở lại trường phải trên quan điểm, đến trường là phải an toàn và an toàn thì mới đến trường", ông Hiếu nói. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.