Sẵn sàng thay đổi
Cuối năm học 2020-2021, dịch bệnh Covid-19 tại thành phố Vĩnh Yên có diễn biến rất phức tạp. Khi đó, thành phố đã phải phong tỏa một thời gian để kiểm soát, dập dịch. Cùng với đó, các trường học trên địa bàn thành phố phải cho học sinh nghỉ học hoặc chuyển sang dạy - học trực tuyến.
Để trang bị kỹ năng cho trẻ trước khi vào lớp 1, các trường mầm non trên địa bàn thành phố đã chủ động xây dựng video hướng dẫn những kỹ năng cơ bản và kết hợp với phụ huynh học sinh giúp trẻ tự tin khi chuyển cấp.
Chia sẻ về công tác giáo dục của nhà trường, nhất là việc trang bị những kỹ năng cần thiết cho trẻ lớp 5 tuổi trước khi vào lớp 1, Hiệu trưởng Hoàng Thị Hồng Minh cho biết: Trường mầm non Tích Sơn đóng trên địa bàn khu phố Vĩnh Thịnh 2 - phường Tích Sơn, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Hiện, nhà trường có 10 lớp với 267 trẻ, trong đó có 60 trẻ lớp 5 tuổi. Chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ của nhà trường luôn được duy trì ổn định và phát triển bền vững.
Thông thường, trước khi trẻ vào lớp 1, các con được trang bị khoảng 13 kỹ năng. Ngoài việc học thuộc bảng chữ cái, biết đếm số, các con còn thuộc nhiều bài hát. Được trang bị kỹ năng giao tiếp, chia sẻ với người khác, trò chuyện cùng người nhà. Hay các kỹ năng chăm sóc bản thân, hoàn thành công việc hoặc nhận biết thức ăn có lợi cho sức khỏe…
"Trong năm học 2020-2021, có thời điểm trẻ phải dừng đến trường nên nhà trường đã xây dựng kế hoạch chăm sóc – giáo dục trẻ và triển khai tới từng tổ, từng giáo viên. Từ đó, xây dựng bài học phù hợp với đặc điểm của trẻ ở lớp mình, quay các video hướng dẫn trẻ những kỹ năng cần thiết khi trẻ vào lớp 1.
Bước sang năm học 2021-2022, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, ngay từ đầu năm học, nhà trường có sự thay đổi kế hoạch chương trình nội dung và các giải pháp về kỹ năng sống cho trẻ phù hợp với độ tuổi như giáo dục kỹ năng sống cho trẻ thông qua tiết học, các hoạt động vui chơi; giáo dục kỹ năng qua ngày hội, ngày lễ. Tăng cường công tác phối kết hợp giữa gia đình và nhà trường. Sẵn sàng xây dựng, triển khai các video hướng dẫn trẻ những kỹ năng cần thiết khi có tình huống xấu về dịch bệnh xảy ra khiến trẻ phải dừng đến trường" - Cô Hoàng Thị Hồng Minh chia sẻ thêm.
Cần kết nối tốt giữa thầy cô và cha mẹ
Trường Mầm non thị trấn Yên lạc (huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc) hiện có 458 trẻ, trong đó, trẻ 5 tuổi là 141 em. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn nên từ ngày 5/11 đến nay, nhà trường đã thông báo cho trẻ nghỉ học.
Bà Nguyễn Thị Văn – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trong thời gian nghỉ dịch, nhà trường chỉ phân công BGH, giáo viên, nhân viên trực tại trường còn lại nghỉ tại nhà. Thời gian này, nhà trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm thường xuyên liên hệ với phụ huynh học sinh thông qua nhóm zalo của lớp để nắm bắt tình hình sức khỏe của học sinh. Đồng thời, nhà trường trao đổi với phụ huynh về công tác nuôi dưỡng chăm sóc trẻ thông qua các video.
“Riêng đối với trẻ lớp 5 tuổi, giáo viên chủ nhiệm gửi video cho phụ huynh học sinh các video làm quen các chữ cái, nhận biết các chữ số theo chương trình của Bộ GD&ĐT đã qui định. Sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát và có kế hoạch của Phòng, nếu trẻ được đi học trở lại thì nhà trường dự kiến sẽ không tổ chức ăn bán trú.
Cùng với đó là giãn cách số học sinh trong lớp, mỗi lớp chỉ khoảng 10 trẻ. Trong đó, trẻ lớp 4-5 tuổi sẽ học buổi sáng và trẻ 3 tuổi, nhà trẻ sẽ học buổi chiều. Lúc đó, nội dung học sẽ tập trung vào các hoạt động chính, các hoạt động ngoại khóa, hoạt động ngoài trời sẽ dừng. Đối với lớp 5 tuổi, đảm bảo cho các em thuộc được bảng chữ cái và nhận biết số trong phạm vi 10…” – cô Nguyễn Thị Văn chia sẻ thêm.
Là giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm và đã trải qua thời gian đón học sinh vào lớp 1 trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp, thầy Đào Chí Mạnh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hội Hợp B (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) cho rằng:
Trong tình hình dịch bệnh đang còn diễn biến phức tạp, ở một số nơi học sinh đã phải dừng tới trường để phòng chống dịch bệnh thì vai trò của BGH các nhà trường là rất quan trọng trong việc lựa chọn những nội dung dạy học phù hợp, cốt lõi để vừa đảm bảo chống dịch, vừa giúp các con có những chuẩn bị cần thiết cho hành trang của lớp cuối bậc mầm non.
Đối với những nơi học sinh vẫn có thể tới trường, các cô cần lựa chọn những nội dung theo thứ tự ưu tiên (có thể linh hoạt sắp xếp chương trình phi truyền thống) chủ động phù hợp với học sinh lớp mình nhằm tận dụng tối đa thời gian vàng để trang bị những nội dung quan trọng trước cho các con.
Đối với những nơi mà học sinh bị gián đoạn tới trường thì vẫn có thể giúp các em có những trải nghiệm thú vị và tiếp thu kiến thức, kỹ năng qua việc tạo các video phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi để các em được tiếp thụ kiến thức kỹ năng... Điều này các nhà trường mầm non đang thực hiện rất tốt.
Cả hai bối cảnh trên có một điều rất quan trọng đó là công tác tuyên truyền, kết nối với gia đình học sinh: Tuyên truyền để mỗi phụ huynh là một cô giáo ở nhà, để cha mẹ đồng hành cùng cô trong việc chuẩn bị hành trang cho con vào lớp 1. Thêm nữa là tuyên truyền để ta cùng có một kế hoạch tương tác chứ không gây áp lực theo mùa vụ (nghĩa là sắp sửa vào lớp 1 mới lo). Điều này là rất cần thiết và nó mang nhiều lợi ích cho trẻ nếu làm tốt.
Nếu biết linh hoạt lựa chọn nội dung và hình thức dạy học phù hợp, biết kết nối tốt giữa thầy cô và cha mẹ thì chắc chắn có thể vượt qua giai đoạn khó khăn và con vẫn có những năng lực giá trị trong hành trang vào lớp 1.