Trường làng có những sân bóng đẹp như Tây

GD&TĐ - Nhờ thực hiện thành công xã hội hóa giáo dục, Trường THPT Quỳnh Thọ (Quỳnh Phụ, Thái Bình) đã có cơ sở vật chất hiện đại với 2 sân bóng đá cỏ nhân tạo, và sân bóng chuyền, bóng rổ, cầu lông, đáp ứng được nhu cầu rèn luyện sức khỏe của giáo viên và học sinh trong trường.

Trường làng có những sân bóng đẹp như Tây

Thầy Nguyễn Ngọc Tú- Hiệu trưởng Trường THPT Quỳnh Thọ cho biết: Nằm trên địa bàn nông thôn nên khu vực vui chơi giải trí, văn hóa, văn nghệ thể dục thể thao còn thiếu thốn. Ngân sách hạn chế nên khó có thể xây dựng hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho công tác giảng dạy cũng như rèn luyện thể dục thể thao trong nhà trường bởi chi phí mua sắm các thiết bị thể dục thể thao là rất lớn.

Nhưng bằng những ý tưởng và giải pháp mang tính đột phá, hiện nay nhà trường đã có một cơ sở vật chất hiện đại. Lãnh đạo nhà trường là những người thực sự tâm huyết phát triển chất lượng giáo dục cũng như xây dựng hệ thống cơ sở vật chất khang trang giúp học sinh có điều kiện tốt nhất trong quá trình học tập.

Khu phòng học của trường THPT Quỳnh Thọ - Quỳnh Phụ - Thái Bình
 Khu phòng học của trường THPT Quỳnh Thọ - Quỳnh Phụ - Thái Bình
Lãnh đạo trường đã có những buổi tiếp xúc trao đổi với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, kêu gọi sự tài trợ của các “mạnh thường quân” và đặc biệt kêu gọi các cựu học sinh có những đóng góp tích cực trong quá trình xây dựng và phát triển nhà trường.

Từ những cuộc nói chuyện này, ý tưởng xây dựng và khai thác 2 sân bóng mini cỏ nhân tạo trong khuôn viên 10.000 m2 đất của nhà trường đã được triển khai giữa nhà trường và hai “mạnh thường quân” là hai cựu học sinh.

Về mặt nguyên tắc, sân bóng thuộc quyền quản lý của nhà trường, các em học sinh được toàn quyền sử dụng sân bóng trong giờ hành chính. Đổi lại, chủ đầu tư khai thác thu lợi nhuận vào những giờ còn lại.

Sân tập bóng chuyền của Trường THPT Quỳnh Thọ (Quỳnh Phụ - Thái Bình)
Sân tập bóng chuyền của Trường THPT Quỳnh Thọ  (Quỳnh Phụ - Thái Bình)

Ngoài ra lãnh đạo trường tạo điều kiện cho phía chủ đầu tư mở 1 căng tin với mục đích mang lại thêm nguồn thu ngoài sân bóng. Tuy nhiên, mọi hoạt động vẫn chịu sự quản lý của nhà trường.

Cách làm này trước tiên mang lại một cảnh quan đẹp cho nhà trường, thứ hai mang đến cho các em học sinh trong trường điều kiện vô cùng lý tưởng để học bộ môn GDTC, thứ ba là thúc đẩy phong trào rèn luyện sức khỏe thể dục thể thao trong địa bàn toàn huyện khi có thêm sân bóng cỏ nhân tạo mới.

Với những ý tưởng và giải pháp mang tính đột phá như trên, hiện tại trường THPT Quỳnh Thọ được đánh giá là một trong những trường có hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho công tác GDTC, rèn luyện thể dục thể thao hoàn thiện nhất.

Sân tập bóng rổ của trường THPT Quỳnh Thọ - Quỳnh Phụ - Thái Bình
 Sân tập bóng rổ của trường THPT Quỳnh Thọ - Quỳnh Phụ - Thái Bình

Những năm gần đây, hệ thống cơ sở vật chất của nhà trường ngày càng khang trang với 3 khu phòng học 3 tầng, lắp đặt hệ thống camera xung quanh trường, các phòng máy chiếu, thực hành đều được trang bị đầy đủ. Thư viện nhà trường đạt chuẩn quốc gia với rất nhiều các đầu sách, đặc biệt là những cuốn sách về kỹ năng sống.

Trong năm học 2017-2018, nhà trường cùng với 2 mạnh thường quân là cựu học sinh đã kết hợp xây dựng khu giáo dục thể chất rộng 10.000 m2 bao gồm 2 sân bóng mini cỏ nhân tạo, hai đường chạy, sân bóng rổ, cầu lông với mục đích phục vụ cho các hoạt động giảng dạy bộ môn GDTC, Quốc phòng cũng như nâng cao phong trào rèn luyện sức khỏe thể dục thể thao trong học sinh và giáo viên.

Đặc biệt 2 sân bóng cỏ nhân tạo đã trở thành điểm nhấn trong cảnh quan nhà trường, phục vụ thiết thực cho các hoạt động thi đấu bóng đá trong học sinh, giáo viên.

Sân bóng đá cỏ nhân tạo được khai thác từ công tác xã hội hóa giáo dục
Sân bóng đá cỏ nhân tạo được khai thác từ công tác xã hội hóa giáo dục 

Về những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục, đặc biệt là đối với GDTC, thầy Tú chia sẻ: Để thu hút được nhiều phụ huynh, nhiều tổ chức tham gia nhiệt tình vào công tác XHHGD, nhà trường phải làm thật tốt công tác tuyên truyền, quan điểm của nhà trường xác định để cho phụ huynh hiểu rõ: Làm cho ai? Làm như thế nào? Hiệu quả của việc làm?

Những việc làm thiết thực vì học sinh sẽ là những việc thu hút được nhiều người tham gia nhất, góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững cho mỗi nhà trường, cho sự phát triển toàn diện của người học.

Tiếp theo, cần áp dụng nguyên tắc về lợi ích hai chiều. Mỗi hoạt động hợp tác, phối hợp đều phải xuất phát từ nhu cầu và lợi ích của hai phía: Nhà trường và cộng đồng.

Sân bóng đá cỏ nhân tạo được xây dựng từ nguồn xã hội hóa giáo dục
Sân bóng đá cỏ nhân tạo được xây dựng từ nguồn xã hội hóa giáo dục

Cần quán triệt nguyên tắc lợi ích 2 chiều trong việc triển khai các biện pháp cụ thể phải đảm bảo rằng kết quả của việc xã hội hóa giáo dục không chỉ mang lại lợi ích cho giáo dục, cho nhà trường mà còn mang lại lợi ích thiết thực cho những người tham gia, cho cộng đồng, cho địa phương thì biện pháp đó mới khả thi và có sức sống.

Trong lãnh đạo nhà trường phải thực sự tâm huyết, trong hội đồng sư phạm nhà trường phải có sự đồng thuận, thống nhất cao. Trong quá trình thực hiện các công trình từ xã hội hóa cần phải công khai, minh bạch về mặt tài chính.

Cuối cùng cần phải có những ý tưởng mang tính sáng tạo, những giải pháp mang tính đột phá nhưng phải phù hợp với luật pháp, đặt quyền lợi của học sinh lên hàng đầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Dù nhận thêm loạt vũ khí mới nhưng Ukraine chưa thể ngăn được đà tiến của quân đội Nga.

Đột phá Semyonovka mang đến cơ hội nào?

GD&TĐ - Bộ Quốc phòng Nga hôm 29/4 thông báo quân đội từ Trung tâm Battlegroup đã hoàn thành việc kiểm soát khu định cư Semyonovka ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk.
Một góc quần đảo Nam Du. Ảnh: TG

Dạy học nơi đầu sóng

GD&TĐ - Quần đảo Nam Du gồm hơn 20 đảo lớn, nhỏ nằm sát nhau, thuộc sự quản lý của 2 xã: An Sơn và Nam Du (Kiên Hải, Kiên Giang).