Đội quân khỉ đuôi lợn được dạy hái dừa ở ngôi làng nhỏ Padang Halban thuộc bang Kelantan phía bắc Malaysia. Con khỉ giật mạnh quả dừa bằng một đoạn dây cho đến khi quả dừa rơi xuống đất. Nó là học sinh ở ngôi trường chuyên huấn luyện khỉ thu hoạch trái cây cho nông dân.
Hàng nghìn con khỉ được dạy công việc này trong 4 thập kỷ qua bởi người đàn ông tên Wan Ibrahim Wan Mat. Với khoản phí nhỏ, mọi người trên khắp cả nước gửi khỉ đến ngôi trường nổi tiếng. Tại đó, chúng đeo sợi xích nhỏ giống như xích chó và học cách trèo cây hái dừa.
Trong quá khứ, dạy khỉ hái trái cây bị nhiều tổ chức bảo vệ quyền động vật phản đối, nhưng ông Wan nhấn mạnh ông đối xử tốt với bầy khỉ.
"Chúng giống như con của chúng tôi. Khi chúng thả trái cây xuống, chúng tôi thể hiện tình yêu thương với chúng. Chúng tôi vỗ về chúng", người đàn ông 63 tuổi tâm sự.
Ông Wan huấn luyện khỉ đuôi lợn phương nam, loài khỉ kích thước trung bình phân bố gần như khắp Malaysia, Indonesia và phía nam Thái Lan.
Chúng tập trung ở vùng rừng nhiệt đới, nhưng do môi trường sống tự nhiên bị phá hủy bởi hoạt động chặt phá gỗ và sự xâm lấn của con người, chúng đi lạc ngày càng nhiều vào những ngôi làng và thành phố.
Wan lần đầu tiên hứng thú với huấn luyện khỉ ở tuổi 20 khi ông trông thấy chúng trèo lên cây dừa để hái quả. Wan bắt đầu huấn luyện chúng như sở thích nhưng khi ông cải thiện kỹ năng, danh tiếng lan xa và mọi người từ nơi khác bắt đầu gửi khỉ tới nơi ông sống.
Kinh doanh dừa rất phát đạt ở xứ sở nhiệt đới như Malaysia. Với sản lượng 700 triệu quả mỗi năm, đất nước này có vô số người kinh doanh nhỏ lẻ, một số người chuyên dùng khỉ để thực hiện công việc thu hoạch tốn sức lao động.
Để con khỉ hái dừa thuần thục cần từ vài ngày đến vài tháng. Nhưng sau khi huấn luyện kỹ lưỡng, con khỉ có thể hái 800 quả dừa một ngày, kết quả xứng đáng với chi phí 39 USD cho khóa huấn luyện, theo ông Wan.
Khóa huấn luyện khỉ gồm vài bước. Đầu tiên là dạy con khỉ giật rơi dừa buộc bằng dây vào hàng rào gỗ nhằm mô phỏng hái quả trên cây. Sau đó, con khỉ sẽ tập giật quả dừa từ tấm ván gỗ ở cách mặt đất vài mét. Bước cuối cùng là thực hành trèo lên cây để thu hoạch quả.
Ông Wan đã giảm bớt số khóa huấn luyện sau lần bị tai biến cách đây hai năm khiến ông phải chống nạng. Không ai trong 5 người con của ông muốn kế nghiệp nhưng Wan cho biết những người huấn luyện khỉ khác ở Myanmar sẽ tiếp tục công việc khi ông về hưu.
Shenaaz Khan, chủ tịch Hiệp hội Phúc lợi Động vật Myanmar, chia sẻ bà không phản đối huấn luyện khỉ nếu đó không phải là hành vi tàn ác. Tuy nhiên, Khan lo ngại những con khỉ không được giám sát đầy đủ sau khi trở về với chủ. "Khi bạn sử dụng chúng như lực lượng lao động, chúng không được bảo vệ. Ai sẽ trông chừng chúng?", Khan nói.