“Đại sứ nhí” trường học không rác
Đà Nẵng có 5 trường học tham gia chương trình “Vì mái trường xanh” Do Hội đồng đội Trung ương và Nhãn hàng dụng cụ học sinh Điểm 10 (Tập đoàn Thiên Long) phối hợp tổ chức. Mỗi trường học có một Công trình măng non để HS bỏ rác thải nhựa tái chế vào.
Chương trình “Vì mái trường xanh” được tổ chức với mục đích trao học bổng cho các em học sinh Tiểu học và THCS hiếu học, có hoàn cảnh khó khăn thông qua hoạt động phân loại rác thải nhựa tái chế và các dụng cụ học tập Thiên Long đã qua sử dụng ngay tại trường.
Bảo Ngân - Học sinh Trường Tiểu học Phù Đổng) chia sẻ: “Trong chương trình “Vì môi trường xanh”, chúng em sẽ được tham gia bảo vệ môi trường bằng những việc làm cụ thể. Rác thải nhựa đã qua sử dụng sẽ được thu gom lại để tái chế chứ không vứt bỏ ra môi trường.
Từ những việc làm này, chúng em sẽ góp phần xây dựng quỹ học bổng dành tặng cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn, giúp bạn vượt khó vươn lên trong học tập. Chúng em sẽ chung tay xây dựng, bảo vệ môi trường sống, môi trường học tập an toàn và lành mạnh từ những việc làm nho nhỏ này”.
HS Trường Tiểu học Lê Lai (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) còn tham gia “kiểm toán” rác. Nhà trường có một nhóm tình nguyện viên là HS tham gia việc phân loại rác tại trường. Các em sẽ phân chia từng loại hộp sữa dựa trên thành phần nhựa hoặc giấy, tháo riêng ống hút, phân loại bao ni lông có màu và không màu…
Hoàng Việt chia sẻ: “Việc phân loại rác rất khó và mất nhiều thời gian hơn là việc xả rác. Ngồi phân loại rác thế này, con thấy đúng là vất vả. Con nghĩ con sẽ hạn chế xả rác thải ra môi trường và cũng sẽ góp ý với ba mẹ con và người thân, bạn bè giảm thiểu sử dụng ni lông, hộp nhựa, hộp xốp đựng thức ăn”.
Trường Tiểu học Lê Lai là một trong số các trường đang tham gia dự án Trường học không rác do Liên minh Toàn cầu các giải pháp thay thế đốt rác (GAIA) tài trợ, với sự hướng dẫn triển khai của Liên hiệp Các hội Khoa học kỹ thuật TP Đà Nẵng, Trung tâm nghiên cứu xây dựng năng lực thích ứng (CAB), Liên minh Không rác Việt Nam (VZWA), dự án Green Building & Refill Station (UNDP).
Các điều phối viên sẽ giúp các trường kiểm toán tác dụng để đánh giá đầu vào truyền thông, xây dựng giải pháp can thiệp, cho HS thực hành phân loại rác tại trường, hướng dẫn tái chế và làm phân từ rác hữu cơ. Dự án dồng hành cùng các trường hướng đến mục tiêu giảm 30% lượng rác thải nói chung và 20% lượng rác thải nhựa nói riêng.
Thảm xanh trường học
Trường TH Núi Thành (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) là trường học đầu tiên được thành phố Đà Nẵng trao bằng công nhận Trường học xanh năm 2016. Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng trường, cho biết, để có được ngôi trường xanh, sạch, đẹp, ngoài sự hỗ trợ từ Phòng GD và ĐT quận Hải Châu, là sự nỗ lực hết mình của toàn thể cán bộ, giáo viên, HS và phụ huynh nhà trường. Nếu không có sự chung tay, góp sức của mọi người thì nhà trường không thể xây dựng được không gian xanh.
Ngoài những chậu cây dây leo được trồng tại các cửa sổ lớp học, hệ thống cây xanh của Trường Tiểu học Núi Thành được lựa chọn, sắp xếp hợp lý, đúng các tiêu chuẩn theo quy định của thành phố.
Tham gia những hoạt động từ chương trình Trường học xanh, HS Trường Tiểu học Núi Thành dần hình thành ý thức, thái độ sống tích cực. Như cô Thu Nguyệt chia sẻ, trước đó, dù được chăm chút cẩn thận nhưng các bồn hoa xung quanh trường thường bị HS nhổ sạch.
“Gần sát Tết Nguyên đán, nhà trường tổ chức cho chính các em trồng hoa ngay sau tiết mục Phát động chương trình Trồng cây mùa xuân trong tiết sinh hoạt dưới cờ. Được tự tay trồng cây, tưới nước, chăm sóc cây, ý thức bảo vệ cây xanh của các em sau đó khác hẳn, không còn hiện tượng HS bẻ, nhổ cây như trước” – cô Thu Nguyệt nhận xét.
Phong trào xây dựng Trường học xanh đã góp phần tạo dựng cảnh quan, môi trường sư phạm xanh – sạch – đẹp, nâng cao chất lượng dạy học. Từ đó, HS hình thành những thói quen sống xanh như bảo vệ cây xanh, không vứt rác bừa bãi, hạn chế rác thải nhựa để góp phần bảo vệ môi trường sống.