Trường học xanh nâng cao hiệu quả giáo dục

GD&TĐ - TPHCM có nhiều cách làm hay xây dựng trường học xanh...

Trường Tiểu học Hoà Bình luôn nỗ lực xây dựng môi trường học tập thân thiện.
Trường Tiểu học Hoà Bình luôn nỗ lực xây dựng môi trường học tập thân thiện.

Cùng với việc đẩy mạnh và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, trường học trên địa bàn TPHCM còn tích cực tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường, xây dựng “trường học xanh”, qua đó nâng cao hiệu quả giáo dục.

Nhiều cách làm hay

Trường Tiểu học Lê Văn Việt (TP Thủ Đức) có khuôn viên rộng rãi, thoáng mát và nhiều cây xanh như sa kê, bàng, phượng, hoàng nam… Ngoài ra, ngôi trường này còn có 2 khu vườn rộng 900 mét vuông, được trồng các loại rau và hoa rất phong phú để học sinh học tập ngoại khóa, học thực tế. Những năm qua, nhà trường đã đầu tư hệ thống trồng rau bằng phương pháp thuỷ canh và vừa trồng rau xanh vừa kết hợp nuôi cá (Aquaponics) theo mô hình giáo dục STEM. Trường cũng có hệ thống vòi nước sạch kết hợp rửa tay với tưới cây giúp tiết kiệm nước.

Cô Đặng Thị Ánh Minh, Hiệu phó nhà trường chia sẻ: “Với phong trào ‘Chống rác thải nhựa’, nhà trường không dừng lại ở việc tuyên truyền về tác hại của túi ni-lông đối với môi trường mà còn bằng hành động cụ thể. Ban giám hiệu đã vận động thầy cô và học sinh sử dụng vật dụng dùng nhiều lần để mang đồ ăn sáng tới trường. Đầu tiên cán bộ, giáo viên đã gương mẫu, tiên phong thực hiện. Đến nay, hầu hết giáo viên, học sinh không sử dụng hộp xốp và túi ni-lông”.

Đặc biệt, để giúp học sinh hiểu được giá trị và biết tái sử dụng rác thải, Trường Tiểu học Lê Văn Việt đã phát động thi đua sáng tạo tái chế rác thải rắn trở thành vật dụng hữu ích. Theo đó, thầy cô giáo và học sinh tận dụng vỏ lốp xe hơi cũ, vỏ can nhựa… trang trí thành các sản phẩm phục vụ học sinh học tập môn Giáo dục thể chất, vui chơi và làm thành các bồn để trồng rau, trồng hoa…

Tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quận 1), cô Đặng Bích Trâm, giáo viên chủ nhiệm lớp 1/3 đã triển khai mô hình “lớp học xanh, sạch, đẹp” từ năm học 2021 - 2022. Theo đó, cô Trâm kết hợp với hoạt động trải nghiệm trong Chương trình GDPT 2018 ở chủ đề 8 Quê hương xanh, sạch, đẹp.

Học sinh được thực hiện ngay tại lớp những việc làm, hành động làm như: Trồng cây, nhặt lá sân trường, vệ sinh sạch sẽ lớp học... Ngoài ra, trước tiết học, cô còn giao cho học trò làm sản phẩm tái chế từ đồ vật đã qua sử dụng để trồng cây, tạo mảng xanh cho lớp học, đồng thời giúp giảm thiểu rác thải nhựa cho môi trường.

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm chăm sóc cây cảnh tại không gian trước lớp học.

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm chăm sóc cây cảnh tại không gian trước lớp học.

Mang lại cảm xúc tích cực

Cô Tống Thị Mai Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoà Bình (Quận 1) cho biết, trong những năm qua, nhà trường nỗ lực xây dựng trường học xanh, sạch, đẹp, nhà vệ sinh thân thiện nhằm tạo ra môi trường học tập thân thiện. Với mục tiêu đó, trường đã phủ xanh phần lớn diện tích sân trường, trồng thêm cây xanh dọc theo hành lang, khuôn viên lớp học. Trường đã tăng số lượng nhà vệ sinh, đảm bảo mỗi tầng (từ 6 - 7 phòng học) có hệ thống nhà vệ sinh riêng cho học sinh và giáo viên. Ngoài ra trường còn có 10 phòng học có nhà vệ sinh riêng cho học sinh nam và nữ.

Bên cạnh việc tổ chức tốt hoạt động giáo dục theo nội dung chương trình chính khóa, Trường Tiểu học Hoà Bình còn hướng tới môi trường xanh và thân thiện, khoa học, đổi mới. Các thầy cô giáo trong trường thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền và giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên thông qua các buổi sinh hoạt dưới cờ. Đồng thời, trường tổ chức lồng ghép bài học về tái chế rác thải nhựa, tiết kiệm điện, giảm thiểu sử dụng đồ nhựa, sử dụng nguyên liệu thân thiện… theo nhiều hình thức như trò chơi, thử thách trong hoạt động, sự kiện diễn ra trong năm học.

“Nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động như: Thực hiện phân loại rác thải, chăm sóc mảng xanh trong sân trường, lớp, tổng vệ sinh sân trường, lớp học... Qua đó tạo điều kiện để học sinh chia sẻ suy nghĩ, kinh nghiệm và thảo luận cách thức giúp môi trường sống ngày càng xanh - sạch - đẹp, nâng cao nhận thức và trách nhiệm, ý thức với cộng đồng”, cô Hương cho hay.

Ở Trường THCS Lương Định Của (TP Thủ Đức), việc thực hiện mô hình “trường học xanh” được duy trì thường xuyên và liên tục. Hàng năm nhà trường phân công bộ phận chuyên trách theo dõi, kiểm tra, đôn đốc. Công tác chăm sóc cây cảnh, tỉa cành cây lớn, hạ bớt ngọn được thực hiện thường xuyên nhằm đảm bảo mỹ quan cũng như an toàn trong mùa mưa và an toàn trường học. Vì vậy, khuôn viên ngôi trường luôn xanh tốt, đơm bông giúp cảnh quan nhà trường thêm đẹp và thân thiện.

Theo chia sẻ của cô Vũ Thị Minh Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lương Định Của, thành quả lớn nhất khi thực hiện mô hình “trường học xanh” là học sinh có sự thay đổi từ nhận thức đến hành động, hình thành thói quen bảo vệ môi trường. Những việc này không cần sự giám sát của nhà trường, thầy cô và phụ huynh. Đặc biệt việc xây dựng “trường học xanh” đã góp phần đổi mới không gian dạy học giúp mang lại cảm xúc tích cực cho cả giáo viên lẫn học sinh.

Học tập trong không gian xanh, em Lê Quyên, học sinh lớp 1/3, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm bày tỏ: “Chúng em được thỏa sức sáng tạo làm bình hoa từ vỏ chai nhựa tái chế để tăng thêm cây xanh trong lớp học, giúp không gian học tập trở nên thân thiện”.

“Không chỉ có học sinh mà cả phụ huynh cũng có thể tham gia vào hoạt động xây dựng ‘trường học xanh’. Bố mẹ trải nghiệm cùng các con, từ đó lan tỏa mô hình trường học, lớp học xanh, sạch, đẹp”, cô Đặng Bích Trâm chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ