Trường học vùng lũ: Thầy trò học nhờ, ở tạm

GD&TĐ - Mùa mưa bão mới bắt đầu nhưng ngành GD-ĐT các tỉnh miền Trung đang chịu ảnh hưởng nặng nề khi lũ chồng lũ. Lãnh đạo các địa phương đã trao quyền chủ động cho hiệu trưởng quyết định cho HS nghỉ học và lên kế hoạch dạy bù để bảo đảm tiến độ chương trình.

Đồ dùng của HS tại khu KTX của Trường Võ Chí Công được thu dọn và chuyển về nơi ở mới để HS học tạm tại Trường THPT Tây Giang. Ảnh: Đình Hiệp
Đồ dùng của HS tại khu KTX của Trường Võ Chí Công được thu dọn và chuyển về nơi ở mới để HS học tạm tại Trường THPT Tây Giang. Ảnh: Đình Hiệp

Chạy lũ

Dãy phòng học 3 tầng của Trường THPT Võ Chí Công (huyện Tây Giang, Quảng Nam) đang đứng trước nguy cơ sẽ bị hàng tấn bùn đất của quả đồi phía sau trường đổ xuống bất cứ lúc nào. Thầy Nguyễn Công Tươi, Hiệu trưởng Trường THPT Tây Giang: Mưa lớn những ngày qua khiến đất từ taluy dương của trường sạt lở nặng và vùi lấp khu nội trú của học sinh. 

Sau khi khảo sát thực tế các địa điểm và phương án cho việc di dời, bố trí chỗ ăn, ở và các điều kiện học tập của học sinh và giáo viên, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam, thống nhất phương án chuyển HS Trường THPT Võ Chí Công về học tại Trường THPT Tây Giang cách đó 40km. 

Trường THPT Tây Giang sẽ giao 7 phòng học và một phòng làm việc để Ban giám hiệu Trường THPT Võ Chí Công bố trí nơi học tập và làm việc. UBND huyện giao trụ sở làm việc của Ban Tuyên giáo Huyện ủy để làm khu nội trú cho 277 HS và GV. Về địa điểm tổ chức ăn nội trú, trước mắt, UBND huyện hợp đồng thi công nhà lắp ghép với diện tích 150m2 - 180m2 để làm bếp ăn cho học sinh tại khoảng sân trước trụ sở làm việc của Ban Tuyên giáo. Dự kiến, kinh phí khoảng 150 – 200 triệu đồng do UBND huyện Tây Giang làm chủ đầu tư. Trong trường hợp di chuyển học sinh về Trường THPT Tây Giang nhưng công trình lắp ghép nhà ăn chưa hoàn thành, tạm thời sử dụng chung nhà ăn của Trường THPT Tây Giang. 

Ngày 13/10, Huyện đoàn Tây Giang cùng đoàn thanh niên Ban chỉ huy Quân sự huyện, Đồn Biên phòng A Nông tiến hành di chuyển giường chiếu, chăn màn, vật dụng của HS đến nơi ở mới. Dự kiến, sau ngày 15/10 sẽ chuyển HS của trường xuống học tại Trường THPT Tây Giang.

Trong đợt mưa lũ vừa qua, ngoài Trường THPT Võ Chí Công buộc phải di chuyển toàn bộ HS, huyện Tây Giang còn có 21 điểm trường bị sạt lở ở các xã. Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lý Tự Trọng, (xã Axan) nước tràn vào khu nhà bán trú học sinh. Toàn bộ học sinh nội trú phải chuyển qua Đồn biên phòng A Xan ở tạm. 

Tương tự, nhiều đơn vị tại Nghệ An đã chủ động cho HS nghỉ học. Tối ngày 13/10, nhiều trường học tại TP Vinh thông báo cho học sinh mầm non, tiểu học và THCS nghỉ học. Một số trường khác thông tin đến phụ huynh, do diễn biến bão số 7, 8 phức tạp nên lịch học có thể thay đổi đột xuất.

Ông Trần Xuân Nhương – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quỳnh Lưu cho biết: Phòng có văn bản đề nghị các trường thực hiện các phương án bảo đảm an toàn tài sản, cơ sở vật chất, các công trình, lớp học.

Tại thị xã Cửa Lò, ông Phùng Đức Nhân - Trưởng phòng GD&ĐT trao đổi: Địa bàn chưa chịu ảnh hưởng nhiều của cơn bão số 7 nhưng phòng đã ra thông báo để tất cả các trường mầm non trên địa bàn thị xã nghỉ học. Riêng bậc tiểu học và THCS học sinh sẽ học hết buổi sáng và nghỉ buổi chiều (ngày 14/10).

Đề phòng ảnh hưởng bão gây mưa lớn, lũ lụt, nhiều trường học các huyện đồng bằng, vùng hạ lưu sông Lamcũng thông báo cho học sinh nghỉ học từ chiều ngày 14/10. Theo ông Lê Trung Sơn – Trưởng phòng GD&DDT huyện Nam Đàn, sáng 14/10, học sinh trên địa bàn huyện vẫn học bình thường. Tuy nhiên, phòng đã yêu cầu các trường cho học sinh nghỉ học buổi chiều. Phòng cũng cử cán bộ xuống một số trường có cơ sở vật chất khó khăn như Trường Mầm non, Tiểu  học Xuân Hòa, Tiểu học Vân Diên hoặc trường đang xây dựng như THCS Vân Diên để kiểm tra, có giải pháp phòng chống bão thích hợp.

Quả đồi phía sau Trường THPT Võ Chí Công bị nứt và có một số vị trí đã sạt lở, vùi lấp khu KTX của trường.
Quả đồi phía sau Trường THPT Võ Chí Công bị nứt và có một số vị trí đã sạt lở, vùi lấp khu KTX của trường. 

Chủ động xây dựng kế hoạch dạy bù

Bà Lê Thị Kim Vân – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tây Giang (Quảng Nam) cho biết: Tùy vào số ngày nhà trường cho HS nghỉ học do ảnh hưởng bởi mưa bão, các trường chủ động xây dựng kế hoạch dạy bù. Trường tiểu học sẽ dạy bù vào ngày thứ 7, THCS dạy bù vào ngày Chủ nhật. Nếu thời gian nghỉ học 1 - 2 ngày, chỉ cần dạy bù trong 1 - 2 tuần là đủ. Nếu nghỉ học dài hơn sẽ tổ chức dạy bù vào các ngày cuối tuần cho đến khi kịp tiến độ chương trình chung. 

Cũng theo bà Vân, với HS bán trú, do bị kẹt bão không kịp quay trở lại trường để học vào đầu tuần, nhà trường sẽ phụ đạo thêm cho HS vào ban đêm. “Việc phụ đạo thuận tiện vì các em ở tập trung tại khu ký túc xá của các trường”, bà Vân nhận định. 

Ngày 14/10, các trường học ở xã Đại Lãnh và trường tiểu học, mầm non ở xã Đại Hưng (huyện Đại Lộc, Quảng Nam), HS vẫn phải nghỉ học do ảnh hưởng bởi mưa lũ. Bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Phó Trưởng phòng GD&ĐT Đại Lộc cho biết: “Với các trường tổ chức hoạt động trở lại, phòng GD&ĐT lưu ý cần bảo đảm các điều kiện vệ sinh và an toàn trường học, nhất là hệ thống điện. Các trường tiểu học nếu chưa đủ điều kiện thì không tổ chức bán trú. Nếu có bán trú, kể cả bậc học mầm non cần siết chặt khâu an toàn vệ sinh thực phẩm”. 

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.