Trường học vùng lũ khẩn trương khắc phục thiệt hại, ổn định nền nếp dạy học

GD&TĐ - Ngay sau khi lũ rút, các trường học trên địa bàn vùng lũ tỉnh Bình Định đã khẩn trương huy động lực lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên tập trung khắc phục hậu quả do mưalũ gây ra. 

Ngay sau khi lũ rút, cán bộ, giáo viên, nhân viên trường học vùng lũ khẩn trương dọn dẹp phòng lớp học, khắc phục thiệt hại.
Ngay sau khi lũ rút, cán bộ, giáo viên, nhân viên trường học vùng lũ khẩn trương dọn dẹp phòng lớp học, khắc phục thiệt hại.

Chính quyền địa phương, cùng các lực lượng chức năng nhanh chóng thực hiện công tác đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh trường lớp nhằm phòng tránh những bệnh truyền nhiễm và phát sinh các loại mầm bệnh sau mưa bão.

Trường học tan hoang sau lũ

Đến các trường vùng lũ Bình Định, nhìn những ngôi trường là tài sản, công sức nỗ lực xây dựng của biết bao thế hệ cán bộ giáo viên, là niềm tự hào của biết bao thế hệ học trò, nay bỗng chóc chìm trong nước, xác xơ, tan hoang, đổ nát, khiến chúng tôi không khỏi bàng hoàng, đau xót.

Có về tận nơi, chứng kiến tận mắt thì mới cảm nhận được nỗi xót xa, thương tiếc của những người giáo viên nơi đây. Đứng giữa những phòng học với tài liệu, sách vở, thiết bị dạy học hư hỏng nằm ngổn ngang, cô Nguyễn Thị Bích Hải – Hiệu trưởng Trường TH số 1 Cát Trinh (thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát, Bình Định) - thẫn thờ nói: “Lũ lên nhanh quá, tất cả tài sản đều mất hết cả rồi! Toàn bộ thiết bị phòng Âm nhạc, Tin học đều bị hư hỏng nặng. Tường rào, cổng ngõ, nhà xe sập đỗ ngổn ngang, trở thành đóng gạch vụn”.

Trường TH số 1 Cát Trinh là một trong những trường chịu thiệt hại lớn nhất trong đợt mưa lũ tại Bình Định. Theo nhiều giáo viên nhà trường kể lại, lúc khoảng hơn 5 giờ chiều thì nước lũ làm sập hệ thống tường rào, bất ngờ tràn vào trường học. Khi đó cán bộ, giáo viên, nhân viên túc trực nhưng chỉ đứng nhìn lũ “lộng hành” tàn phá tài sản của công sức hàng chục năm gây dựng.

Cô Nguyễn Thị Liên - ngậm ngùi: “Nhìn khối lượng tài sản mà chính quyền cùng nhà trường tích cóp xây dựng bao năm bỗng chóc tan theo mưa lũ. Xót lắm!”.

Nói về những thiệt hại mà các trường học gánh chịu trong đợt mưa lũ này, giọng thầy Nguyễn Tấn Hưng – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định) - đượm buồn: Không riêng gì Trường TH số 1 Cát Trinh bị thiệt hại do mưa lũ, mà tất cả 30 trường học trên địa bàn huyện Phù Cát đều bị mưa lũ tán phá một cách nặng nề. Mặc dù, trước khi có mưa lũ, ngành GD&ĐT địa phương, các trường đều có phương án chuẩn bị đề phòng, tuy nhiên không ai ngờ lại xảy ra lũ chồng lũ như vậy.

Hiện nay lũ đã bắt đầu rút, nhưng nhiều trường học vẫn còn ngập sâu trong nước, nhiều nơi học sinh chưa thể đến trường vì địa bàn bị cô lập, chia cắt. Hậu quả do mưa lũ gây ra quá lớn nên đến thời điểm này nhiều trường học vẫn chưa khắc phục xong thiệt hại để triển khai lại hoạt động dạy học.

Ðiều lo lắng nhất hiện nay của chúng tôi là làm sao khắc phục hậu quả mưa lũ gây ra một cách nhanh nhất để không ảnh hưởng hoạt động dạy học. Số còn lại, có lẽ phải đến hết tuần này học sinh mới tiếp tục được đến trường.

Khẩn trương khắc phục thiệt hại

Ông Nguyễn Huỳnh Huyện – Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát -cho hay: Nhằm giúp các trường học nhanh chóng ổn định nền nếp dạy học, UBND huyện Phù Cát đã chỉ đạo chính quyền địa phương, các lực lượng đoàn thể chung sức cùng đội ngũ cán bộ, giáo viên khắc phục thiệt hại do mưa lũ.

Trong đó, đặc biệt quan tâm đến công tác vệ sinh phòng trừ dịch bệnh có thể phát sinh trong dân cư, trường học; trường học khắc phục hậu quả thiệt hại, khẩn trương ổn định nề nếp, tiếp tục triển khai công tác dạy học; tuyệt đối không để học sinh đến trường học tập khi điều kiện an toàn chưa đảm bảo.

Đối với những gia đình học sinh bị thiệt hại nặng, học sinh thuộc đối tượng gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn, chính quyền địa phương đều có sự thăm hỏi, hỗ trợ kịp thời nhằm giúp các em sớm ổn định cuộc sống, trở lại trường học tập.

Nói về những khó khăn trước mắt của các trường học, thầy Nguyễn Tấn Hưng trăn trở: “Sau lũ, việc các trường sẽ thiếu đồ dùng, trang thiết bị dạy học là thực trạng chung vì số phòng học bị hư hỏng là rất lớn. Việc khắc phục, sửa chữa không thể làm trong ngày một ngày hai nên rất cần sự chung sức của toàn thể xã hội, đặc biệt là các ban, ngành, đoàn thể chức năng để tái tạo lại hệ thống cơ sở vật chất trường lớp.

Trước mắt, các trường khẩn trương khắc phục thiệt hại, tu sửa lại trường lớp. Ở đâu, kiểm tra phòng học thấy đảm bảo an toàn thì mới tổ chức dạy học trở lại. Trường nào thiếu phòng học thì bố trí học tạm tại các phòng chức năng, hoặc những nơi có thể thuê mượn tạm.

Theo thầy Đào Đức Tuấn – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Định, để các trường sớm khắc phục thiệt hại do mưa lũ, Sở GD&ĐT đã tham mưu chính quyền địa phương và đề ra nhiều phương án nhằm tìm giải pháp hỗ trợ các trường nhanh chóng hậu quả do bão gây ra. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị chủ động thực hiện các phương án khắc phục thiệt hại, nhanh chóng triển khai dạy học theo đúng chương trình, thời gian.

Bởi vậy, ngay sau khi lũ rút, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường học trên địa bàn chạy đua với thời gian, “căng mình” khắc phục thiệt hại. Hiện tại, công tác khắc phục đang rất khẩn trương, tuy nhiên, ít nhất phải đến giữa tuần các hoạt động của nhà trường mới bắt đầu trở lại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.