Bước đệm để giáo viên làm quen chương trình mới

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT sửa đổi, bổ sung Quy chế đánh giá, xếp loại HS THCS, THPT; trong đó thể hiện rõ quan điểm đổi mới về hoạt động kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của HS; bảo đảm hoạt động kiểm tra, đánh giá như một hoạt động học tập, vì hoạt động học tập và sự tiến bộ của HS.

Trong giờ học tiếng Pháp tại Trường THPT Chu Văn An – Hà Nội. Ảnh: Hữu Cường
Trong giờ học tiếng Pháp tại Trường THPT Chu Văn An – Hà Nội. Ảnh: Hữu Cường

Tăng cường đánh giá bằng nhận xét

Ông Sái Công Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ GD Trung học (Bộ GD&ĐT), cho biết: Thông tư 26 là bước đệm giúp giáo viên (GV), cán bộ quản lý chuyển dần sang kiểm tra, đánh giá theo hướng hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực người học; từ đó không bỡ ngỡ khi triển khai hoạt động kiểm tra đánh giá trong Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.

Điểm mới đáng chú ý đầu tiên của Thông tư này là tất cả các môn học đều có đánh giá bằng nhận xét, thay vì chỉ đánh giá bằng nhận xét ở một số môn học như trước đây. 

Việc đánh giá bằng nhận xét nhằm hiện thực mục tiêu theo định hướng đánh giá phẩm chất, năng lực người học; hay nói cách khác là đánh giá vì sự tiến bộ của HS. HS sẽ được đánh giá nhiều lần, hình thức đánh giá khác nhau và cho HS có nhiều cơ hội để thể hiện bản thân. Từ đó, kết quả của hoạt động kiểm tra, đánh giá sẽ sát thực với năng lực HS hơn, giúp các em hình thành, phát triển được phẩm chất, năng lực cơ bản cần thiết trong cuộc sống.

Đáng chú ý, không chỉ yêu cầu đánh giá bằng nhận xét chung chung, Thông tư 26 còn quy định cụ thể: Đánh giá bằng nhận xét sự tiến bộ về thái độ, hành vi và kết quả thực hiện các nhiệm vụ học tập của HS trong quá trình học tập môn học, hoạt động giáo dục quy định trong chương trình GDPT do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành.

Trong giờ học Ngoại ngữ tại Trường THPT Phạm Hồng Thái (Hưng Nguyên, Nghệ An). Ảnh: NT
Trong giờ học Ngoại ngữ tại Trường THPT Phạm Hồng Thái (Hưng Nguyên, Nghệ An). Ảnh: NT

“Bộ GD&ĐT đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn về đổi mới kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực của người học, trong đó chú trọng đến nội dung về kỹ thuật đánh giá bằng nhận xét; giúp cho các GV một vài môn học dù phải dạy nhiều lớp vẫn thực hiện tốt hoạt động đánh giá bằng nhận xét. Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục tập huấn hướng dẫn GV đẩy mạnh những hoạt động đa dạng hóa các hình thức kiểm tra, đánh giá; bảo đảm thực hiện thành công hoạt động kiểm tra, đánh giá cho chương trình GDPT hiện hành và Chương trình GDPT 2018” - ông Sái Công Hồng cho hay.

Đa dạng hóa các hình thức kiểm tra đánh giá

Ở Thông tư 26, các hoạt động đánh giá được cụ thể hóa hơn so với Thông tư 58. Trong đó, kiểm tra, đánh giá thường xuyên được thực hiện theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến thông qua: Hỏi - đáp; viết ngắn; thuyết trình; thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập gắn với chủ đề dạy học cụ thể. 

Kiểm tra, đánh giá định kỳ gồm: Kiểm tra, đánh giá giữa kỳ và kiểm tra, đánh giá cuối kỳ, cũng được đa dạng hóa thông qua bài kiểm tra (có thể thực hiện trên giấy, hoặc trên máy tính với thời gian từ 45 đến 90 phút, đối với môn chuyên tối đa là 120 phút); bài thực hành; dự án học tập. 

Đánh giá học sinh bằng hình thức nhận xét phù hợp với xu hướng GD mới. Ảnh minh họa
Đánh giá học sinh bằng hình thức nhận xét phù hợp với xu hướng GD mới. Ảnh minh họa 

Nhấn mạnh việc lần đầu tiên hình thức kiểm tra viết có thể thực hiện trên máy tính, ông Sái Công Hồng cho rằng: Điều này nhằm tận dụng thế mạnh của công nghệ thông tin (CNTT)  trong giảng dạy nói chung và hoạt động kiểm tra, đánh giá nói riêng. Khi ứng dụng CNTT trong kiểm tra đánh giá hợp lý sẽ đẩy mạnh hoạt động đánh giá vì sự tiến bộ của HS và đặc biệt phát triển rất tốt năng lực tự học của người học. Hơn nữa, hoạt động này sẽ giúp HS làm quen với làm bài kiểm tra trên máy tính, làm tiền đề cho việc các địa phương đủ điều kiện có thể tổ chức thi tốt nghiệp THPT trên máy tính những năm tới đây. 

Một điểm nhấn khác của Thông tư 26 là đề kiểm tra được xây dựng dựa trên ma trận, đặc tả của đề, đáp ứng theo mức độ cần đạt của môn học, hoạt động giáo dục quy định trong chương trình GDPT do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành. Theo ông Sái Công Hồng, việc xây dựng đề kiểm tra cho các bài kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ dựa trên ma trận và đặc tả theo chuẩn kiến thức kỹ năng quy định sẽ đánh giá sát thực hơn việc học tập đáp ứng chuẩn đầu ra của HS và tạo công bằng cho HS giữa các lớp, các trường, các vùng miền. 

“Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ triển khai tập huấn, hướng dẫn thống nhất việc xây dựng, sử dụng ma trận, đặc tả bài kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ cho các môn học. Bảo đảm chuẩn đánh giá các bài kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ theo mức độ cần đạt của các môn học thống nhất trong toàn quốc” – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học thông tin.

Thông tư 26 cũng quy định cụ thể hơn về đánh giá HS khuyết tật; bổ sung nội dung xét lên lớp đối với HS khuyết tật. Theo đó, việc đánh giá kết quả giáo dục của HS khuyết tật được thực hiện theo nguyên tắc động viên, khuyến khích sự nỗ lực và tiến bộ của người học. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 11/10/2020.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.