Trường học vùng cao chắt chiu nước duy trì hoạt động dạy học

GD&TĐ - Nhiều trường học vùng cao đang bước vào mùa khô hạn, từng hạt nước để giáo viên (GV), học sinh (HS) sử dụng sinh hoạt hàng ngày đều được chắt chiu, tiết kiệm.

Tích trữ nước thải sinh hoạt để tái sử dụng tại Trường PTDTBT TH Tả Gia Khâu (Mường Khương – Lào Cai). Ảnh: NTCC
Tích trữ nước thải sinh hoạt để tái sử dụng tại Trường PTDTBT TH Tả Gia Khâu (Mường Khương – Lào Cai). Ảnh: NTCC

Vượt lên khó khăn chung, các trường đã sáng tạo trong sử dụng nước để duy trì hoạt động dạy học.

Khát khao từ vùng đất “khát”

Với địa chất đặc thù núi đá, huyện Mường Khương (Lào Cai) thường xuyên đối diện với  tình trạng thiếu nước trầm trọng. Thầy Phùng Thế Tùng – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Tả Gia Khâu chia sẻ: Mùa mưa diễn ra từ tháng 6 - 9 hàng năm, thời gian còn lại là mùa khô. Để có được can nước 20 lít, người dân phải xếp hàng cả ngày và đi xa 5 - 7 km. Thậm chí, nước từ vách đá chảy xuống cũng phải xếp hàng từ sáng sớm để hứng. Người dân phải đi bộ, xe máy xuống sông dưới chân thung lũng để tắm giặt. Nước đọng ở mương mángđược tận dụng giặt quần áo, tưới cây…

Các trường học đóng chân trên địa bàn Tả Gia Khâu nói chung, Trường PTDTBT Tiểu học Tả Gia Khâu nói riêng 100% các thầy cô dùng nước mưa để sinh hoạt, nấu ăn. Bể chứa nước mưa của nhà trường tích được bao nhiêu, GV và HS sử dụng bấy nhiêu. Tiết kiệm nước trở thành phản xạ, ý thức với GV, HS song nước luôn trong tình trạng thiếu và tái sử dụng theo nhiều cách. 

“Điều mong mỏi, khát khao lớn nhất của GV, HS huyện Mường Khương bao năm nay vẫn là được hỗ trợ xây thêm những bể ngầm chứa nước, tặng téc đựng nước inox. Tưởng là việc nhỏ nhưng lại không dễ dàng bởi bể ngầm hay téc nước đều có giá thành từ vài triệu tới trăm triệu.Trong khi, xã hội hóa giáo dục không dễở vùng đất này …” – thầy Phùng Thế Tùng chia sẻ.

Xã Bát Đại Sơn (huyện Quản Bạ - Hà Giang) cũng là vùng đất “khát” khi nguồn nước khan hiến gần như quanh năm. Mùa khô tại xã Bát Đại Sơn diễn ra từ tháng 7 năm trước đến cuối tháng 4 thậm chí vắt sang đầu tháng 5 năm sau. Những tháng còn lại tuy có mưa nhưng lượng nước không nhiều, chỉ bảo đảm phần nào cho đời sống sinh hoạt của cán bộ, GV, HS 3 trường MN, tiểu học, THCS đóng trên địa bàn xã. 

Thầy Bùi Quang Hòa- Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Bát Đại Sơn chia sẻ: Nước sinh hoạt hàng ngày của gần 400 HS và cán bộ, GV nhà trường chủ yếu trông vào nguồn nước từ những khe núi và hồ treo xây dựng đã lâu của xã. Tuy nhiên, trải qua thời gian, hồ treo có dấu hiệu hỏng, nước trữ bị ngấm khiến lượng nước không đủ đáp ứng sinh hoạt cho người dân, cơ quan, trường học, đơn vị quân đội. Đặc biệt,nếu thời điểm hanh khô và thiếu mưa diễn ra từ tháng 10 thì chỉ đến tháng 12 lượng nước sẽ cạn kiệt. Trong khi đó, tháng 4 năm sau mùa mưa ở Bát Đại Sơn mới bắt đầu. 

HS Trường PTDTBT TH Tả Gia Khâu trên đường lấy nước sinh hoạt. Ảnh: NTCC
HS Trường PTDTBT TH Tả Gia Khâu trên đường lấy nước sinh hoạt. Ảnh: NTCC

Vượt lên thách thức

Thầy Bùi Quang Hòa cho biết: Các trường trong xã nhiều năm nay tăng cường xây bể ngầm và xin hỗ trợ bể inox để tích trữ nước mưa. Cùng đó, kết hợp với bơm nước hàng ngày từ hủm và khe núi và hồ treo lên sử dụng. Lượng nước dùng trong ngày luôn phải cân đối, tiết kiệm để làm sao cân đối với lượng nước bơm về.

Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sinh hoạt, các trường học tại xã Bát Đại Sơn đều chú trọng vào củng cố hệ thống đường dẫn và máy bơm nước từ các hủm, hồ treo để tăng cường lượng nước sinh hoạt hàng ngày cho GV, HS. Mặt khác, trường nào có diện tích rộng thì đào đất xây bể chứa nước. Trường có mặt bằng nhỏ hẹp  tăng cường mua téc dự trữ nước mưa.

Tuy nhiên, nước nấu ăn và uống cho HS, GV vẫn phải mua nước sạch đóng bình vận chuyển từ dưới xuôi. GV, HS thường mang quần áo sạch mặc trong cả tuần, cuối tuần mang quần áo bẩn về nhà giặt. Trong mùa khô cạn nước, HS được nhà trường khuyến khích tắm tại nhà. 

Thầy Phùng Thế Tùng trao đổi: Nhiều năm nay nhà trường phải khắc phục tình trạng thiếu nước vào mùa khô bằng cách đào bể chứa nước mưa, sử dụng nước tích từ mùa mưa. Với nước thải sinh hoạt, trường tận dụng tối đa bằng cách đào hố, lót áo mưa tránh bị thấm hút. Khi nước thải sinh hoạt lắng xuống sẽ dùng tưới cây cảnh, vườn rau HS. 

22 cán bộ, GV, hơn 100 HS tại điểm trường chính đến nay vẫn mang quần áo, chăn màn về nhà giặt vào cuối tuần. Đầu tuần trở lại trường mang quần áo sạch mặc cho cả tuần và đặc biệt sau xe mỗi thầy cô giáo, HS đều trở thêm can nước sạch để tăng cường phục vụ sinh hoạt hàng ngày.    

“Cũng bởi đặc thù nằm ở địa bàn thiếu nước sinh hoạt nên trong những bài học giáo dục kĩ năng sống cho HS, GV Trường PTDTBT Tiểu học Tả Gia Khâu luôn phải lồng ghép cả nội dung sử dụng tiết kiệm nước. Thậm chí, nhà trường cắt cử GV giám sát việc sử dụng nước sinh hoạt hàng ngày để nước sinh hoạt được tiết kiệm tối đa...” – thầy Tùng bày tỏ.

Thầy Nguyễn Trường Sơn – Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Bát Đại Sơn (Quản Bạ - Hà Giang) cũng cho biết: HS từ khi vào trường đã được GV hướng dẫn cách tắm giặt, đánh răng, rửa mặt, lau sàn nhà... sao cho tiết kiệm nước mà vẫn  bảo đảm vệ sinh. 

Ngoài ra, các thầy cô phụ trách bán trú cũng lên lịch tắm giặt cho HS hợp lý trong tuần và theo mùa. Nước thải sinh hoạt được tận dụng lại để dọn rửa nhà vệ sinh. Dùng tro bếp lấp bề mặt hố tiêu và khử mùi bằng các loại thuốc bột hóa học thay nước... 

Nước sinh hoạt trong các trường học vùng cao huyện Quản Bạ hiện tại mới đáp ứng được yêu cầu cấp thiết. Còn chất lượng nước thì chưa bảo đảm bởi tất cả đều sử dụng nước giếng khoan, sông, suối để lắng và không qua kiểm định. Cách khắc phục nước sinh hoạt với trường vùng cao trong mùa khô chủ yếu vẫn là tiết kiệm chi tiêu ngân sách, kêu gọi hỗ trợ từ cá nhân và xã hội để lắp đặt téc trữ nước, đầu tư hệ thống máy bơm, đường dây dẫn nước… - Ông Lê Trung Thành – Trưởng phòng GD&ĐT Quản Bạ 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.