Trường học và giao thông

GD&TĐ - Ngôi trường THCS nơi con tôi học nằm gần kề với Quốc lộ 1. Đường đôi.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Dải phân cách cứng bê tông chạy giữa mở lối rẽ thứ nhất qua đường cách con đường nhánh dẫn vào trường độ chừng trăm mét. Lối rẽ thứ hai thì xa hơn, cách đường nhánh gần nửa cây số. 

Học sinh đi học từ phần đường bên kia muốn đi vào trường đúng luật giao thông phải bỏ qua lối rẽ thứ nhất, chạy tiếp đến lối rẽ thứ hai; sau đó qua đường và đi ngược lại. Đi xa hơn độ chừng cây số nhưng an toàn. Vậy nhưng ngày ngày chở con đi học, dường như tôi là một trong số rất ít người đi theo cái “lộ trình hợp pháp” ấy.

Hầu hết, các em học sinh (kể cả phụ huynh) đều chọn “đi lụi” qua lối rẽ thứ nhất. Kiểu “đi lụi” này gần hơn thật; nhưng thập phần nguy hiểm bởi phải đi ngược chiều gần 100m trên trục đường giao thông chính, giờ cao điểm nườm nượp các loại xe tải xe khách lưu thông với tốc độ cao. 

Đi ngược chiều, không dám đi ra làn đường ô tô nên chen lấn nhau trên làn đường dành cho xe thô sơ, xe máy. Đôi khi còn cự nự cả với những người đang tham gia giao thông xuôi chiều đúng luật (!).

Chưa xảy ra vụ tai nạn giao thông nào nghiêm trọng; nhưng sự phiền nhiễu của kiểu đi “bất chấp luật pháp” này đã khiến không ít cư dân địa phương và người tham gia giao thông (đúng luật) bức xúc. 

Dân phản ánh với ban giám hiệu; trường mở đợt vận động tuyên truyền giáo dục (thậm chí răn đe) học sinh về ý thức chấp hành luật khi tham gia giao thông; nhất là chuyện không “đi ngược” trên đường một chiều. Đỡ đỡ được vài bữa, nhưng hết đợt tuyên truyền xong đâu lại hoàn đấy. 

Chưa hết, cách trường THCS hơn cây số lại là một ngôi trường THPT có hơn 80% học sinh đi học bằng xe gắn máy. Tiếng rằng xe gắn máy nhưng nhìn mẫu mã “nhái” không khác gì các loại mô tô phân khối lớn và tốc độ, nói thật, cũng chẳng kém cạnh là bao.

Đi trên đường, không ít lần tôi phát hoảng bởi nghe tiếng rú của chúng từ phía sau, sau đó là vụt vèo qua mặt một “giặc lái” mặc đồng phục học sinh; mũ bảo hiểm khi có khi không; còn tốc độ thì chắc chắn là đã từ lâu vượt ngưỡng 40km/h, cái tốc độ tối đa cho phép chạy trong khu dân cư đối với xe gắn máy! 

Điều đáng sợ nhất ở đây là ý thức xem thường luật pháp được manh nha hình thành ngay từ những mầm non của đất nước: Những hành vi trái luật lè lè như vậy, hậu quả (nguy cơ) chết người như vậy mà các em vẫn cứ “phạm” một cách vô tư, thản nhiên, xem như… chuyện nhỏ!

Tệ hơn, có em còn “mù” luật tới mức không biết mình đang đi sai; bởi “em thấy mọi người đều đi như vậy mà (!?)”. Thử hỏi những công dân tương lai mai kia bước vào đời với kiến văn giao thông, ý thức giao thông như vậy - liệu sẽ giữ được an toàn giao thông cho mình, cho người tới mức nào khi ngồi sau tay lái? 

Không thể phủ nhận thời gian qua Nhà nước và các cơ quan hữu quan đã nỗ lực rất nhiều cho mục đích an toàn giao thông: Nâng cấp hạ tầng, tuyên truyền nâng cao ý thức tham gia giao thông trong cộng đồng, chế tài mạnh tay bằng xử phạt...

Vậy nhưng các biện pháp kia dường như chỉ mới nhắm vào đối tượng người lớn là chính mà “quên mất” (hoặc lưu tâm chưa đúng mức) tới việc giáo dục ý thức giao thông cho những công dân tương lai, tức các em học sinh dưới mái học đường.

Nên chăng, ngành Giáo dục (và các bộ ngành liên quan) cần có đối sách quyết liệt hơn: Đưa an toàn giao thông thành một bộ môn chính thức được giảng dạy trong trường học; kèm theo đó tăng cường các biện pháp chế tài đối với lỗi vi phạm của học sinh khi tham gia giao thông?

Xe cộ, hạ tầng tốt đến mức nào thì hiểu biết, ý thức của người tham gia giao thông vẫn cứ quan trọng hàng đầu trong việc gìn giữ an toàn giao thông. Chỉ có “mạnh tay” như vậy thì mới mong đất nước tương lai có được những thế hệ công dân ra đường hiểu rõ luật giao thông. Và quan trọng hơn, biết thượng tôn pháp luật!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.