Giáo dục an toàn giao thông trong nhà trường tại Cần Thơ: Tấm gương từ cha mẹ, thầy cô

GD&TĐ - Nội dung về an toàn giao thông (ATGT) không còn là tiết học khô cứng, bó hẹp trong không gian lớp học mà được mở rộng, mọi lúc mọi nơi. Ngoài hệ thống biểu hiện được treo ở vị trí dễ thấy, các trường học ở

Công an quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) tuyên truyền ATGT tại trường học.
Công an quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) tuyên truyền ATGT tại trường học.

Nội dung về an toàn giao thông (ATGT) không còn là tiết học khô cứng, bó hẹp trong không gian lớp học mà được mở rộng, mọi lúc mọi nơi. Ngoài hệ thống biểu hiện được treo ở vị trí dễ thấy, các trường học ở TP Cần Thơ lồng ghép tuyên truyền, nhắc nhở HS về an toàn giao thông tại buổi sinh hoạt dưới cờ, hoạt động trải nghiệm. Song song đó, các trường còn tổ chức cuộc thi tìm hiểu về Luật ATGT, đưa ra tình huống giao thông để HS xử lý... 

“Kéo” phụ huynh vào cuộc

Tại Trường Tiểu học Võ Trường Toản (quận Ninh Kiều), nhà trường đã chủ động xây dựng sân trường thành mô hình công viên giao thông. Các tiết dạy về giao thông thay vì bó hẹp trong không gian lớp học được thầy cô đưa ra trải nghiệm, giúp các em hình dung được thực tế với vai trò là người tham gia giao thông. Anh Phan Văn Vui, Trưởng ban đại diện phụ huynh HS Trường Tiểu học Võ Trường Toản chia sẻ: Quãng thời gian dài đồng hành cùng nhà trường, trải nghiệm trồng rau, làm bánh dân gian… đến nay là mô hình công viên giao thông đã đem lại kỹ năng sống thiết thực. HS nhận biết và tham gia giao thông đúng luật, an toàn.

Theo ông Võ Hồng Lam, Phó trưởng Phòng GD&ĐT quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ), hằng năm, phòng đều có văn bản chỉ đạo các trường học trên địa bàn thực hiện tuyên truyền giáo dục cho toàn thể cán bộ, GV, nhân viên và HS khi tham gia giao thông. Đặc biệt, yêu cầu GV, HS đi đúng phần đường, làn đường quy định, tránh lạng lách, đánh võng, bấm còi, rú ga, điều khiển xe quá tốc độ quy định; Tuyệt đối không uống rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện giao thông. Phòng cũng yêu cầu nhà trường nhắc nhở và phối hợp với phụ huynh cam kết không giao xe máy cho HS chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe. HS ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm cài quai đúng quy cách; chấp hành tín hiệu điều khiển giao thông...

Từ thực tiễn giáo dục ATGT, theo ông Võ Hồng Lam, để tăng cường ý thức tham gia giao thông cho HS và nhận thức cho các bậc phụ huynh, cần sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Trong đó, đòi hỏi nhà trường phải chủ động giáo dục ATGT, phát triển các kỹ năng tham gia giao thông cho HS. Nhà trường cần đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT theo hướng tăng tính chủ động, sáng tạo và lồng ghép hiệu quả với các phong trào, hoạt động trong trường học. 

Phụ huynh cần được trang bị kiến thức ATGT để chấp hành đúng quy định khi tham gia giao thông. Dừng, đỗ đúng chỗ khi đưa - đón con tới trường. Phụ huynh  đội mũ bảo hiểm, tuân thủ đèn tín hiệu giao thông… là minh chứng rõ nhất để dạy trẻ về Luật ATGT…

HS tiểu học quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) tham gia trải nghiệm tham gia giao thông tại sân trường.
HS tiểu học quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) tham gia trải nghiệm tham gia giao thông tại sân trường.

Linh động hình thức

Tại khu vực nội ô TP Cần Thơ, mỗi khi tan trường, hình ảnh phụ huynh và học sinh chen chúc nhau trước cổng trường khá phổ biến. Lượng người và phương tiện thường lưu thông đông, không gian cổng trường lại không đủ rộng. Thêm vào đó, ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông vẫn còn hạn chế, nhiều người đỗ xe và lái xe trong khu vực cấm, gây ách tắc giao thông…

Là một trong những trường học nằm ở khu vực “điểm nóng” giao thông giờ tan trường, thầy Trương Vĩnh Khoa - Hiệu trưởng Trường THCS Đoàn Thị Điểm, quận Ninh Kiều cho biết: Công tác bảo đảm an toàn cho HS luôn được nhà trường chú trọng. Hàng tuần, tại buổi sinh hoạt dưới cờ, nhà trường đều lồng ghép tuyên truyền, nhắc nhở và giáo dục pháp luật cho các em khi tham gia giao thông. Ngoài ra, nhà trường còn phối hợp với Đoàn thanh niên và Ban ATGT quận tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Luật ATGT; đưa ra tình huống trong giao thông để HS tìm giải pháp xử lý.

Cô Trần Ngọc Hân - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Thuỷ, quận Bình Thủy chia sẻ: Hàng năm, nhà trường đều phối hợp với Công an quận tổ chức những buổi tuyên truyền cho HS và phụ huynh trong việc bảo đảm ATGT. Ngoài ra, nhà trường còn phối hợp với Ban ATGT quận, Công ty Honda Hồng Đức tổ chức những chuyên đề kỹ năng đeo nón bảo hiểm, tham gia giao thông an toàn… cho HS tại trường.

Ngoài ra, các trường còn phối hợp với ban đại diện cha mẹ HS thường xuyên nhắc nhở, giáo dục con em tự giác chấp hành quy định của pháp luật khi tham gia giao thông. Thầy cô nhắc nhở HS đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện…; Các em không chở quá số người quy định, không điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe; Không tham gia trên các phương tiện giao thông không bảo đảm quy định như xe tự chế, xe ô tô hết niên hạn… 

Theo số liệu của Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, 100% trường học trên địa bàn đã tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, đặc biệt là giáo dục ATGT. Bên cạnh việc lồng ghép, tích hợp kiến thức pháp luật vào bài dạy chính khóa và thực hành thông qua hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, ngành Giáo dục Cần Thơ còn chỉ đạo, triển khai Cuộc thi “Giao thông học đường”; Cuộc thi “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai”; triển khai bộ tài liệu Giáo dục “Văn hóa giao thông” cho HS tiểu học, THCS.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.