Trường học Trung Quốc khan hiếm ký túc xá

GD&TĐ - Các trường đại học Trung Quốc đang đối mặt với khủng hoảng thiếu ký túc xá từ đầu năm học 2022 - 2023 do số lượng học viên cao học tăng vọt.

Phòng ký túc xá của một trường đại học tại tỉnh Tứ Xuyên vào năm 2013.
Phòng ký túc xá của một trường đại học tại tỉnh Tứ Xuyên vào năm 2013.

Sinh viên, học viên của ít nhất 5 trường đại học Trung Quốc đã phản ánh tình trạng trường thiếu ký túc xá. Nhiều người phải chuyển vào ở trong những khu nhà ở thay thế do trường cung cấp nhưng thiếu các dịch vụ cần thiết như nhà ăn, thư viện. Điều này gây ảnh hưởng đến điều kiện sinh hoạt và học tập của các em.

Đơn cử, hàng trăm sinh viên năm nhất tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hồ Nam, thành phố Xiangtan, phàn nàn ký túc xá đang sửa chữa và ở trong tình trạng tồi tàn. Những bức ảnh được sinh viên chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy trần ký túc xá bị thủng và tường bị bong tróc.

Các chuyên gia giáo dục nhận định tình trạng thiếu ký túc xá gây ra bởi xu hướng người trẻ đăng ký học thạc sĩ tăng vọt vì triển vọng việc làm thu hẹp. Các số liệu chính thức được Trung Quốc công bố vào tháng 8 cho thấy, 1/5 cư dân trẻ thành phố không có việc làm.

Năm 2020, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã thúc giục các trường đại học tăng chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo hệ thạc sĩ, đồng thời cam kết bổ sung cơ sở hạ tầng như ký túc xá. Tỷ lệ ứng viên đăng ký học sau đại học vào năm 2021 đã tăng 28% so với năm 2019.

Các chuyên gia dự kiến, năm 2022 sẽ chứng kiến con số kỷ lục là 4,57 triệu người đăng ký thi tuyển thạc sĩ.

Ni Yiling, học viên thạc sĩ tại Trường Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, cho biết: Chi phí thuê nhà gần trường đại học đã tăng lên do các trường mở rộng tuyển sinh, làm tăng nhu cầu nhà ở. Từ năm 2020, hàng tháng, tôi phải chi 2.900 tệ (khoảng 10 triệu đồng) để thuê phòng trọ nhưng bây giờ, giá phòng tương tự có lẽ đã tăng hơn 3.500 tệ.

“Tình trạng này phản ánh sự sùng bái bằng thạc sĩ. Nhiều người vẫn đăng ký học thạc sĩ dù trường không đủ ký túc xá vì mọi người coi trọng tấm bằng này”, Yiling bày tỏ.

Tháng trước, Trường Đại học Giao thông Tây Nam thông báo tạm thời sử dụng một trong những cơ sở của trường với khoảng 200 phòng ở và thuê các căn hộ gần đó làm chỗ ở cho sinh viên, học viên chưa được bố trí phòng. Trường đại học lý giải số lượng gia tăng đáng kể học viên cao học đã dẫn đến tình trạng khan hiếm phòng ở.

Trong bối cảnh tuyển sinh cao học tăng vọt, việc xây dựng ký túc xá diễn ra chậm chạp. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, từ năm 2000 đến năm 2019, diện tích sàn của các tòa nhà đại học chỉ gia tăng ở mức trung 3,35%. Con số này thấp hơn mức tăng tuyển sinh thạc sĩ trung bình hàng năm là 12,6%.

Ông Xiong Bingqi, Giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục thế kỷ 21, cho rằng cần giới hạn số lượng ký túc xá dành cho học viên thạc sĩ. Từ đó, các trường có thể kiểm soát số lượng học viên, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục ngang bằng với chất lượng của các nước thu nhập cao.

“Cần hướng tới xu hướng chung là sinh viên thuê nhà ngoài khuôn viên trường. Chính quyền địa phương nên cung cấp các khoản trợ cấp cần thiết, kết hợp phân bố nhà ở công cộng hoặc nhà ở giá rẻ cho nhóm đối tượng này”, ông Bingqi bình luận.

Theo Sixth Tone

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ