Tham dự có đại diện các phòng chuyên môn, nghiệp vụ Sở GD&ĐT; lãnh đạo phòng GD&ĐT thành phố; đại diện lãnh đạo, giáo viên, phụ huynh và học sinh một số trường học trên địa bàn thành phố.
Trước đó, dự thảo Thông tư (lần 2, 08/2020) đã được Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT triển khai đến 100% các đơn vị trường học để cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và gia đình học sinh có điều kiện nghiên cứu, thảo luận. Đặc biệt, thông qua tìm hiểu trên một số trang mạng xã hội, báo chí cũng đã có những ý phân tích, kiến đánh giá về nội dung của dự thảo Thông tư, trong đó có nhiều điểm mới được dư luận hết sức quan tâm như cho học sinh sử dụng điện thoại; cho học sinh nghỉ học tạm thời … vì thế, hầu hết giáo viên, học sinh và gia đình các em đã nắm cơ bản những nội dung dự thảo Thông tư.
Tại buổi trao đổi, đã có hàng chục ý kiến góp ý trực tiếp và nhiều ý kiến góp ý gián tiếp bằng văn bản gửi đến Vụ trưởng Vụ Chính trị công tác HSSV của Bộ GD&ĐT.
“Dự thảo Thông tư đã được Bộ GD&ĐT xây dựng khá sát với thực tế, có nhiều điểm mới vừa tạo điều kiện cho gia đình và giáo viên thực hiện việc quản lý học sinh vừa tạo điều kiện để các học sinh nếu có vi phạm có cơ hội sửa sai” - ông Bùi Ngọc Đức, thành phố Buôn Ma Thuột (có 2 con đang học phổ thông) nêu ý kiến.
Chị Trần Hoàng Diễm Phúc có con học lớp 9A, trường THCS Phan Chu Trinh thì tâm sự, “dự thảo Thông tư đã đưa ra những quan điểm nhân văn, giúp phụ huynh tìm hiểu bản chất vì sao con em vi phạm để thấy căn cứ kỷ luật vì mực đích giúp các em sửa chữa sai sót trong học tập và cuộc sống. Tôi thấy việc cho các cháu tạm dừng học khi vi phạm nặng là rất hay, là dịp để các em và gia đình đánh giá lại chính mình để thực hiện các giải pháp sửa sai. Về việc cho học sinh sử dụng điện thoại, cần có quy định cụ thể cho từng trường hợp, từng tiết học để không ảnh hưởng việc dạy của giáo viên và việc học của các em, nhất là các em sẽ nghiện điện thoại, truy cập thông tin không tốt, gây áp lực cho giáo viên trong quản lý quản lý”.
Cô Ngọc Thúy, giáo viên trường THCS Phan Chu Trinh cho rằng, “dự thảo Thông tư đã đáp ứng được sự hài hòa, hợp lý trong mối liện hệ, trách nhiệm giữa nhà trường và gia đình; tâm đắc nhất là việc học sinh được dừng học để sửa sai (2 tuần)”.
Cô Phạm Thị Minh Trang, Bí thư Chi đoàn trường THCS Phan Chu Trinh thì chia sẻ “Bản thân thấy các hình thức kỷ luật khá nhân văn, kỷ luật mà gắn với quá trình tự giáo dục, tự rèn luyện bằng các hình thức trải nghiệm như yêu cầu học sinh tham gia sinh hoạt các câu lạc bộ; thực hiện tái chế rác thải nhựa thành các sản phẩm hữu ích”.
Em Nguyễn Tiến Đức, học sinh lớp 7c, THCS Phan Chu Trinh cho rằng, “dự thảo Thông tư tạo điều kiện để chúng em sửa đổi nếu lỡ vi phạm nội quy. Thấy sự thành công của các bạn để bản thân cố gắng chăm học, đạt thành tích cao trong học tập”.
Ghi nhận bên lề của buổi trao đổi, góp ý, hầu hết các phụ huynh đều mong muốn Bộ GD&ĐT cần có những quy định chi tiết, cụ thể về việc cho học sinh sử dụng điện thoại làm sao vừa bảo đảm an toàn về thông tin liên lạc; bảo đảm mối liên hệ chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình với xã hội trong quản lý học sinh. Đặc biệt, không muốn con em mình nghiện thiết bị thông minh, ít giao tiếp, trò chuyện với những người xung quanh.
Phát biểu tại buổi làm việc, Vụ trưởng Bùi Văn Linh ghi nhận, biểu dương tinh thần chủ động, tích cực và nghiêm túc trong tiếp thu, nghiên cứu, trao đổi, góp ý vào dự thảo Thông tư của các thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột. Bộ G&ĐT sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý, căn cứ vào thực tế để điều chỉnh, bổ sung và sớm ban hành Thông tư “Quy định về khen thưởng và kỉ luật đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông” góp phần giúp các nhà trường nâng cao chất lượng giáo dục học sinh, bảo đảm tính công khai, minh bạch và công bằng trong giáo dục.