Đắk Lắk: Yêu cầu các hiệu trưởng gương mẫu trong quản lý và dạy học

GD&TĐ - Ngày 23/9, Sở GD&DDT Đắk Lắk tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2020-2021 đối với Giáo dục Trung học.

Ông Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk phát biểu chỉ đạo Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2020-2021.
Ông Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk phát biểu chỉ đạo Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2020-2021.

"Muốn thực hiện thành công nhiệm vụ năm học 2020-2021 và đổi mới giáo dục theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW, trước hết phải đổi mới tư duy của người đứng đầu, bao gồm đổi mới công tác quản lý, đổi mới cách tiếp cận vấn đề giáo dục, cách xây dựng chương trình hành động cho từng tháng, năm và giai đoạn; thủ trưởng đơn vị phải là người nắm chắc, biết rõ các thông tư, nghị định, chính sách về giáo dục, nhất là phải nắm thật chắc nội dung Chương trình giáo dục phổ thông 2018;

gắn việc quản lý tốt với trách nhiệm nêu gương về đổi mới dạy học, đã là hiệu trưởng thì phải dạy, phải đứng lớp các môn học mình được đào tạo, áp dụng kiến thức được học, được tích lũy vào dạy học theo mô hình trải nghiệm – sáng tạo (STEM) sát với thực tế địa phương, đơn vị để giáo viên làm theo; xóa bỏ các loại hồ sơ, sổ sách mang tính hành chính để giáo viên tập trung vào chuyên môn dạy - học nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn; chú trọng công tác phân luồng học sinh tạo điều kiện cho người học phát triển tốt nhất phẩm chất, năng lực…”. TS. Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk nêu yêu cầu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2020-2021 đối với Giáo dục Trung học, vừa được tổ chức vào ngày 23/9/2020.

Được biết, năm học 2019-2020 vừa qua ngành GD Đắk Lắk đã tích cực, chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp, giải pháp mang tính đột phá về công tác quản lý, dạy học; áp dụng hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật của khoa học - công nghệ vào đổi mới phương pháp dạy học; gắn dạy học lý thuyết với trải nghiệm sáng tạo thông qua mô hình giáo dục STEM …

Các đại biểu tập trung nghiên cứu kế hoạch, nhiệm vụ năm học 2020-2021 đối với GDTrH

Các đại biểu tập trung nghiên cứu kế hoạch, nhiệm vụ năm học 2020-2021 đối với GDTrH

Đặc biệt, sau học kỳ I của năm học, đại dịch Covid-19 bùng phát, dịch bạch hầu quay trở lại buộc ngành GD&ĐT phải điểu chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học, Sở GD&ĐT Đắk Lắk đã chỉ đạo các đơn vị, trường học chuyển trạng thái từ “dạy học trực tiếp” sang “dạy học trực tuyến, dạy học theo hình thức giao bài tại nhà …” nhằm thực hiện mục tiêu “ngừng đến trường nhưng không ngừng học”, các đơn vị trường học từ THCS đến THPT trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành kế hoạch, nhiệm vụ năm học 2019-2020 với những kết quả, thành tích đáng ghi nhận,

Hệ thống trường, lớp học tiếp tục được đầu tư xây dựng khang trang, trong đó có 56,84% trường THCS và 31,58% trường THPT đạt chuẩn quốc gia;

Chất lượng đội ngũ được nâng cao cả về trình độ chuyên môn và nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo, trong đó 100% cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo, có 75,1% cán bộ, giáo viên THCS và 14,5% cán bộ, giáo viên THPT đạt trên chuẩn trình độ đào tạo;

Công tác phổ cập giáo dục được duy trì theo hướng nâng cao mức độ đạt chuẩn, đến năm 2020 có 04 huyện, thị xã đạt chuẩn mức độ 2, 11 huyện, thành phố đạt chuẩn mức độ 1, tỉnh Đắk Lắk đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 1;

Công tác dạy học 2 buổi/ ngày được chú trọng, trong đó 100% trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày;

Chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn tiếp tục duy trì và nâng cao so với các năm trước, có 51,84% học sinh THPT và 98,65% học sinh THCS được xếp loại học lực khá – giỏi; 06 trường THPT có 100% học sinh đậu tốt nghiệp; có 39 học sinh đạt học sinh giỏi quốc gia cấp THPT; có 01 dự án đạt giải Ba tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia; có 01 học sinh đạt giải Nhì trong trận Chung kết năm Chương trình Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 20.

Triển khai nhiệm vụ năm học 2020-2021 đối với GDTrH, TS. Lê Thi Thảo, Trưởng phòng GDTrH, Sở GD&ĐT cũng đề nghị, “Hiệu trưởng các nhà trường tuyệt đối không tự ý cắt, xén chương trình giáo dục; tự ý tổ chức dạy thêm trái quy định, không được biến tướng việc dạy phụ đạo thành dạy tăng tiết hoặc cố tình hiểu sai khái niệm phụ đạo để thu tiền của học sinh”.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, cho ý kiến góp ý về kế hoạch, lộ trình và thời gian cấp tài khoản trực tuyến đào tạo bồi dưỡng giáo viên thực hiện Chương trình GDPT 2018. Theo đó, các giáo viên sẽ được đào tạo, bồi dưỡng theo 2 hình thức vừa trực tiếp theo đợt và trực tuyến qua tài khoản do Viettel phối hợp Sở GD&ĐT cung cấp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ