Triển khai dạy học trực tuyến
Tại trường THCS Quảng Thanh (Quảng Trạch) trong năm học 2021-2022, toàn trường có 275 học sinh chia thành 8 lớp, mỗi khối 2 lớp học. Bắt đầu từ sáng ngày 20/9, nhà trường đã tổ chức triển khai dạy học trực tuyến theo kế hoạch.
Thông tin từ nhà trường cho biết, hiện tại 265 học sinh của trường đã có thiết bị để phục vụ cho việc học tập trực tuyến. Còn lại 10 em có điều kiện khó khăn chưa có thiết bị, phía nhà trường đang tìm giải pháp để tất cả các em đều được tham gia học tập trực tuyến. Về phía giáo viên, nhà trường đã bố trí đầy đủ giáo viên phụ trách dạy học.
Trao đổi với phóng viên, thầy giáo Nguyễn Thanh Lương – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Thực hiện công tác triển khai dạy học trực tuyến theo hướng dẫn của Phòng, Sở GD&ĐT, nhà trường đã thông báo khung thời gian học tập cụ thể đến học sinh và phụ huynh. Các em sẽ bước vào buổi học vào lúc 6h30 và dành ra 10 phút để truy cập vào phần mềm dạy học trực tuyến, từ 6h45 các em sẽ bước vào tiết học đầu tiên.
Theo đó, mỗi buổi học sẽ gồm 4 tiết với thời gian 40 phút/ tiết học. Sau khi triển khai dạy học trực tuyến ở những buổi học đầu tiên, nhà trường đã tổ chức họp, đánh giá qua đó để khắc phục tồn tại, rút kinh nghiệm và triển khai có hiệu quả trong các buổi học tiếp theo”.
Bên cạnh những thuận lợi, công tác dạy học trực tuyến cũng có những khó khăn nhất định bởi nhiều em còn nhỏ, như học sinh lớp 6 gặp khó khăn trong việc truy cập vào ứng dụng để học tập. Cùng với đó, một số gia đình điều kiện còn khó khăn, nhà có đến 2, 3 học sinh nên thiếu thiết bị để học tập.
Đợt vừa qua, nhà trường cũng đã nhận được 3 điện thoại thông minh hỗ trợ cho 3 học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở khối lớp 9 từ Hội khuyến học tỉnh và đã trao cho các em. Như vậy khối lớp 9 của trường, 100% học sinh đủ điều kiện để học tập trực tuyến (61/61 em đều có thiết bị học tập) – thầy Lương cho biết thêm.
Mang tài liệu đến tận nhà cho trò
Còn tại trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Lâm Thủy (Lệ Thủy) học sinh của trường hầu hết là con em người đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện khó khăn, thiếu thiết bị phục vụ cho việc học trực tuyến, sóng viễn thông đến các vùng hầu như không có. Chỉ có khoảng 20% học sinh có đủ điều kiện và nhà trường cũng đã bố trí giáo viên tổ chức để dạy học trực tuyến cho các em.
Còn lại đối với các học sinh không có đủ điều kiện học tập trực tuyến, nhà trường đã triển khai làm phiếu bài tập cho học sinh và phân công giáo viên đến tận từng bản, từng nhà để giao tài liệu đến tận tay các em.
Thầy giáo Ngô Mậu Tình - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Từ nay đến 30/9 nhà trường sẽ phân công giáo viên vào tận các bản làng để phát tài liệu cho học sinh. Đối với các môn như Ngữ Văn, Toán, Tiếng Anh, bộ môn có số tiết nhiều, một tuần 2 lần giáo viên sẽ vào phát tài liệu cho các em.
“Tài liệu các em được nhận sẽ tương tự nội dung giáo án của giáo viên, nhưng được chuẩn bị kỹ hơn và lưu ý cụ thể. Còn đối với kiến thức quá khó, mức độ vận dụng cao thì không sử dụng trong tài liệu, nhà trường sẽ dạy khi các em học trực tiếp.
Trong nội dung tài liệu sẽ vừa dạy bài mới và có phiếu để kiểm tra mức độ tiếp thu bài trong tuần qua của các em. Sau đó giáo viên sẽ chữa, chấm bài, báo cáo lại nhà trường để nắm bắt, bổ sung và củng cố kiến thức cho các em khi trở lại trường”, thầy Tình cho biết.
Đối với triển khai dạy học trực tuyến như ở các bản như Tăng Ký, Xà Khía và Bản Mới, trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Lâm Thủy, cũng đã vận động những phụ huynh có đủ điều kiện cho con học tập trực tuyến, cho phép các học sinh khó khăn trong bản được học chung cùng con em của mình trên thiết bị và đã được những phụ huynh này đồng ý.
Ngoài ra, đa số các trường học trên địa bàn Quảng Bình, công tác dạy học trực tuyến cũng đã được các nhà trường chủ động, triển khai và bước đầu mang lại những kết quả tích cực.