Trường học miền núi chung tay xây dựng môi trường xanh – sạch – đẹp

GD&TĐ - Trong nhiều năm qua, trường mầm non Phong Quang, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) vừa thi đua “Dạy tốt- Học tốt” vừa triển khai xây dựng nhà trường xanh, sạch, đẹp, an toàn.

Khu vệ sinh nhà trường bảo đảm vệ sinh sạch sẽ thoáng mát.
Khu vệ sinh nhà trường bảo đảm vệ sinh sạch sẽ thoáng mát.

Hình thành thói quen vệ sinh cá nhân cho trẻ

Trong đó, BGH nhà trường chú trọng xây dựng khu vực vệ sinh, đảm bảo phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của học sinh và thông qua đó để giáo dục học sinh nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, hình thành các thói quen vệ sinh cá nhân tốt.

Năm học 2021 - 2022, trường mầm non Phong Quang có 7 lớp với 180 học sinh và tổng số giáo viên, nhân viên nhà trường là 21 người. Học sinh nhà trường chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Tày, Mông, Dao, đời sống tuy còn khó khăn nhưng công tác giáo dục, chăm sóc trẻ em tại đây được chính quyền và nhân dân hết sức quan tâm.

Ấn tượng đầu tiên khi đến nhà trường là khuôn viên rộng rãi, sạch đẹp, với nhiều cây xanh. Không gian lớp học được sắp xếp, bố trí hợp lý với các “góc học tập”, “góc sáng tạo”, “góc thư viện” để trẻ trải nghiệm, khám phá, vui chơi và phát triển.

Giờ ra chơi, trẻ em được vui chơi lành mạnh trong khuôn viên của nhà trường. Tuy nhiên, chỉ sau hiệu lệnh của cô giáo báo hiệu giờ ra chơi đã kết thúc, các cháu đều ngoan ngoãn xếp hàng để rửa tay trước khi vào lớp với những thao tác thuần thục. Để tạo được thói quen tưởng chừng như rất đơn giản này cho các cháu là sự nỗ lực không nhỏ của đội ngũ giáo viên.

Các cô giáo ở đây cho biết, trước đây, việc rửa tay bằng xà phòng đối với nhiều trẻ là rất miễn cưỡng và chỉ diễn ra khi có sự kiểm soát nhắc nhở của các cô giáo. Sau này, với phương pháp giảng dạy kết hợp video vui nhộn hướng dẫn các bước rửa tay với xà phòng đã giúp thu hút và hình thành thói quen rửa tay cho trẻ. Trẻ đã biết tự giác rửa tay bằng xà phòng trước bữa ăn, sau khi đi vệ sinh và khi thấy tay bẩn mà không cần sự nhắc nhở của giáo viên.

Sau khi việc rửa tay bằng xà phòng đã trở thành thói quen đối với trẻ, thì hiệu quả lại có tác động trở lại, đó là trẻ yêu cầu cha mẹ cho rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, thậm chí trở thành “tuyên truyền viên nhí” trong việc thực hiện công việc này. Các bậc cha mẹ hiểu rằng đó là thói quen tốt cần được thường xuyên thực hiện, rửa tay bằng xà phòng sẽ giúp phòng chống cúm, chống bệnh giun sán, tiêu chảy, đau mắt, bệnh- tay- chân miệng...  cho trẻ, để trẻ luôn khỏe mạnh...

Giữ vệ sinh đảm bảo sức khỏe cho trẻ

Cô giáo Trần Thị Vụ - Hiệu trưởng trường mầm non Phong Quang cho biết: Yêu cầu của bậc mầm non phải chăm sóc trẻ để trẻ phát triển một cách toàn diện cả về thể chất và trí tuệ, do đó nhà trường luôn chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, đảm bảo chế độ dinh dưỡng... để trẻ được chăm sóc trong điều kiện tốt nhất.

Cô giáo hướng dẫn các em học sinh vệ sinh cá nhân.

Cô giáo hướng dẫn các em học sinh vệ sinh cá nhân.

Trong đó, khâu vệ sinh ăn uống, sinh hoạt cho trẻ được chú trọng nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho trẻ, phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.

 “Đối với các cháu lớp mẫu giáo bé, các cô trò chuyện về sự cần thiết của việc rửa tay, rửa mặt, thời điểm cần rửa tay, rửa mặt. Trẻ lớn hơn thì dạy cách giữ vệ sinh cảnh quan trong lớp, sân trường hoặc công việc ở nhà…

Bên cạnh đó thông qua dạy những bài hát và những câu chuyện, kể chuyện theo tranh đã cung cấp kiến thức vệ sinh cá nhân, bảo vệ môi trường cho trẻ. Việc giáo dục lặp đi lặp lại nên từ trẻ chưa có khái niệm gì về vệ sinh cá nhân, môi trường, dần dần đã biết để đồ dùng cá nhân, đồ dùng học tập vào nơi quy định, biết rửa tay trước khi ăn...”, Cô giáo Trần Thị Vụ khẳng định.

Ngoài mua sắm đầy đủ khẩu trang y tế, máy đo thân nhiệt, dung dịch sát khuẩn, khu vệ sinh của nhà trường được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Ngay liền kề có nơi rửa tay bằng nước sạch và xà phòng diệt khuẩn.

Được sự quan tâm của chính quyền và phụ huynh. toàn bộ khu vệ sinh của nhà trường đã được đầu tư cao ráo, đủ ánh sáng. Xung quanh khu vệ sinh có các bảng nội quy, cảnh báo và hướng dẫn sử dụng được thiết kế công phu, đảm bảo tính thẩm mỹ.

Từ lối vào cho đến sàn nhà đều được lát bằng loại gạch men chống trơn trượt, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh trong suốt quá trình sử dụng. Toàn bộ khu nhà không có mùi hôi, luôn luôn khô, sạch.

Từ nơi rửa tay cho đến tất cả bồn cầu, hố tiêu thường xuyên được cọ rửa sạch sẽ, sàn nhà không bị đọng nước, tường bao được quét sơn cẩn thận không bị ẩm mốc, giúp các bé cảm thấy thư giãn và thích thú khi đi vệ sinh.

Việc xây dựng nhà vệ sinh thân thiện đã được các bậc phụ huynh hưởng ứng cao. Tất cả giáo viên hưởng ứng nhiệt tình bằng cách dành nhiều thời gian trang trí cây xanh giúp các em hòa mình vào thiên nhiên, cùng với những khẩu hiệu mang tính giáo dục nhằm giúp các em giữ gìn vệ sinh chung.

Để bảo quản, trường đã nhân viên quản lý và bảo đảm vệ sinh sạch sẽ khu vực nhà vệ sinh, đảm bảo đủ nước sạch và xà phòng rửa tay cho trẻvệ sinh, bảo trì thường xuyên túc trực. Mỗi khi thiết bị, dụng cụ hư hỏng sẽ báo lên hiệu trưởng để kịp thời sửa chữa.

Đặc biệt, khi đón trẻ trở lại trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn, nhà trường đã phối hợp với cơ quan y tế tổ chức phun khử trùng khuôn viên, lớp học; tổ chức đo thân nhiệt, hướng dẫn trẻ sát khuẩn tay trước khi vào lớp, sau khi đi vệ sinh và trước khi về nhà...

Việc rèn kĩ năng vệ sinh cá nhân cho trẻ mầm non cần có sự phối hợp tốt giữa gia đình và nhà trường phụ huynh quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ. Đa số phụ huynh nhà trường đã có nhận thức về mục đích, yêu cầu của công tác giáo dục vệ sinh cá nhân cho trẻ, tin tưởng và phối hợp tốt với giáo viên và nhà trường để rèn luyện thói quen cho trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.