Trường học lan tỏa giá trị sách

GD&TĐ - Nhiều hoạt động ý nghĩa được các nhà trường tổ chức nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Thầy Nguyễn Mai Trọng giới thiệu với học sinh về xe sách lưu động của nhà trường. Ảnh: NTCC
Thầy Nguyễn Mai Trọng giới thiệu với học sinh về xe sách lưu động của nhà trường. Ảnh: NTCC

Từ đó lan tỏa ý nghĩa của sách và việc đọc sách, nâng cao văn hóa đọc trong cán bộ, giáo viên, học sinh.

Nhiều hoạt động sáng tạo

Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc, thay vì chỉ trưng bày theo hình thức giới thiệu để học sinh tiếp cận với các nhóm sách như mọi năm, năm nay, thư viện Trường THCS Thạnh Phong (Thạch Phú, Bến Tre) kết hợp trưng bày sách đọc tại chỗ với mô hình xếp sách nghệ thuật mới lạ, đồng thời thay đổi bố cục bài trí tại thư viện và khuôn viên thư viện xanh. Cô Huỳnh Nguyên Ngọc - nhân viên thư viện nhà trường chia sẻ, tạo ra một không gian đọc mới đã thu hút giáo viên, học sinh đến thư viện nhiều hơn, “giữ chân” cả thầy và trò lâu hơn.

Là người tâm huyết phát triển văn hóa đọc, thầy Nguyễn Mai Trọng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS A Xing (Hướng Hóa, Quảng Trị) luôn có những ý tưởng, hoạt động về sách được đầu tư nghiêm túc, công phu.

Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc năm nay, hoạt động nổi bật nhà trường triển khai là trang bị “Chuyến xe tri thức” - thư viện lưu động, không chỉ phục vụ học sinh trong trường, mà còn đem sách báo đến các thôn, bản nhằm tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với thông tin; tư vấn giúp bà con có thêm kiến thức về chăm sóc vật nuôi, cây trồng, phòng tránh bệnh theo mùa; thu hút học sinh đến trường... Ngoài đọc sách, khám phá thông tin từ thư viện lưu động, học sinh còn tham gia các trò chơi dân gian lý thú, hấp dẫn.

“Dự kiến, nhà trường tổ chức mỗi tháng 1 đợt, mỗi đợt có khoảng 200 đầu sách mang đi phục vụ bạn đọc. Ngoài ra, thư viện Trường Tiểu học & THCS A Xing cũng tổ chức nhiều hoạt động tích cực nhằm nâng cao chất lượng đọc sách như: Hoạt động tìm hiểu kiến thức về sách, giáo viên giao lưu đọc sách cùng học sinh, tham gia kể chuyện theo sách và các hoạt động phục vụ mượn, đọc tại chỗ. Những hoạt động này đã nâng cao nhận thức việc đọc sách; giúp giáo viên, học sinh hình thành thói quen, kỹ năng đọc”, thầy Nguyễn Mai Trọng chia sẻ.

Tại Nghệ An, nhiều trường học trên địa bàn huyện Kỳ Sơn đã tổ chức tuyên truyền đến phụ huynh, nhân dân… về ý nghĩa, tầm quan trọng của Ngày Sách và Văn hóa đọc. Theo ông Phạm Viết Phúc - Trưởng phòng GD&ĐT Kỳ Sơn, ngày hội đọc sách được đông đảo phụ huynh, nhân dân ủng hộ; góp sách, công, của để làm và trang trí tủ sách lớp học; cùng tham gia hoạt động đọc sách, hoạt động văn nghệ với học sinh.

Các hoạt động nhằm nâng cao văn hóa đọc được tổ chức, như: Giới thiệu sách hay trong tiết dưới cờ; tổ chức hoạt động giáo dục “Đại sứ văn hóa đọc”, “Quyển sách tôi yêu”, “Câu chuyện tôi yêu”, “Em yêu tiếng Việt”... nhằm mang đến sân chơi hấp dẫn, thú vị. Nhà trường tạo không gian các góc học tập trong lớp, khu vực sân trường, dưới các tán cây... để việc đọc sách diễn ra thuận lợi, học sinh có thể đọc sách mọi nơi, mọi lúc. Đồng thời, phối hợp với trường trong địa bàn để trao đổi giúp học sinh tiếp cận đa dạng các đầu sách.

Học sinh Trường Tiểu học & THCS A Xing say sưa đọc sách. Ảnh: NTCC

Học sinh Trường Tiểu học & THCS A Xing say sưa đọc sách. Ảnh: NTCC

Để đọc sách là hoạt động thường xuyên

Để nâng cao văn hóa đọc trong nhà trường, thầy Nguyễn Mai Trọng cho biết, Trường Tiểu học & THCS A Xing đã tăng cường cho học sinh tham gia đọc sách ở tủ sách lớp học vào giờ ra chơi và các buổi sinh hoạt lớp. Hằng tuần vào giờ ra chơi, thư viện trường tổ chức “tìm hiểu kiến thức tại thư viện thân thiện”, đưa các câu hỏi giúp học sinh tìm hiểu kiến thức phục vụ nhu cầu học tập và giải trí.

Đặc biệt, nhà trường tổ chức giới thiệu sách theo chủ điểm từng tháng. Ví dụ, tháng 11 là chủ điểm về Ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh được giới thiệu để đọc một số cuốn sách viết về thầy cô có trong thư viện như: Thầy tôi, Tâm sự cô giáo trẻ, Cô giáo về bản…

“Tại Trường Tiểu học & THCS A Xing, thư viện lên kế hoạch, lịch đọc sách cho các khối, lớp theo từng buổi cụ thể, kết hợp với buổi sinh hoạt. Ngoài mượn sách báo đọc tại thư viện, các em còn được mượn sách về nhà đọc, nghiên cứu. Giáo viên bộ môn mượn sách theo chủ đề từng tháng cho học sinh đọc trong giờ sinh hoạt và ngoài giờ lên lớp. Mỗi học kỳ, nhà trường có khen thưởng với bạn đọc tích cực, học sinh thường xuyên tham gia đọc sách, hoạt động tại thư viện trường”, thầy Nguyễn Mai Trọng cho hay.

Chia sẻ kinh nghiệm tổ chức hoạt động đọc sách hiệu quả, cô Huỳnh Nguyên Ngọc cho rằng, người làm công tác thư viện nên chú ý quan sát nhu cầu, thị hiếu của giáo viên, học sinh. Sau mỗi hoạt động, cần đánh giá những điều đã và chưa làm được để cải thiện tốt hơn.

“Nếu xem thư viện là cửa hàng kinh doanh, giáo viên và học sinh là khách hàng, thủ thư sẽ biết cách vận hành để thu hút. Lợi nhuận của hoạt động này chính là sự tương tác của học sinh, giáo viên với thư viện. Người thủ thư cũng cần đứng ở góc nhìn học sinh, người đọc sách để thấy được điều học sinh tìm kiếm ở thư viện là gì; từ đó cải tiến tổ chức hoạt động thư viện hiệu quả hơn”, cô Huỳnh Nguyên Ngọc chia sẻ.

Nhận định của thầy Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng Trường THPT Tân Sơn (Tân Sơn, Phú Thọ), sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội ảnh hưởng lớn đến thói quen đọc sách báo in của cán bộ, giáo viên, học sinh. Để nâng cao văn hóa đọc, điều cần làm là duy trì tốt hoạt động của thư viện.

Trường THPT Tân Sơn đã bố trí khu thư viện gồm 1 phòng chính 74 mét vuông để trưng bày sách báo, hội thảo và giới thiệu sách; 4 phòng đọc riêng, mỗi phòng 28 mét vuông. Các phòng có đầy đủ bàn ghế, quạt điều hòa, tủ, kệ sách, không gian thư viện bố trí là nơi học sinh đến tự đọc và tự học. Thư viện thường xuyên bổ sung, sách, báo tạp chí, bảo đảm phong phú đầu sách và các sách thiết thực với nội dung học tập, tâm lý của học sinh THPT.

“Nhà trường đã xây dựng kế hoạch giáo dục một số môn học phù hợp, có nội dung học sinh tự đọc, tự học và viết thu hoạch. Đặc biệt với môn Ngữ văn, các chuyên đề học tập đều có nội dung hướng dẫn học sinh đến thư viện tìm ngữ liệu phù hợp. Mỗi năm, trường tổ chức ít nhất 1 hội thảo về phương pháp đọc, giới thiệu sách với học sinh khối 10.

Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4 năm nay, Trường THPT Tân Sơn phối hợp với câu lạc bộ sinh viên Trường THPT Vinschool và Trường ĐH VinUni tổ chức Ngày hội đọc sách, giới thiệu, tặng sách cho thư viện trường và học sinh hoàn cảnh khó khăn”, thầy Nguyễn Văn Hùng cho biết thêm.

Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi các sở GD&ĐT, đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024. Theo đó, Bộ GD&ĐT đề nghị tập trung tổ chức các chuỗi hoạt động từ 15/4 đến ngày 1/5 với các thông điệp: Sách hay cần bạn đọc; Sách quý tặng bạn; Tặng sách hay - Mua sách thật; Sách hay: Mắt đọc - Tai nghe.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.